Giới chuyên gia kinh tế hạ rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ

Các chuyên gia kinh tế cắt giảm rủi ro suy thoái của Mỹ nhưng vẫn cho rằng, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới rốt cục sẽ rơi xuống mức âm dù muộn hơn so với dự báo trước đây.

Sức chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới chống chịu tốt trước các bất ổn vĩ mô. Ảnh: Financial Times

Lạm phát hạ nhiệt, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và khả năng chống chịu tốt đã khiến các nhà kinh tế giảm xác suất suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Trong cuộc khảo sát mới nhất của The Wall Street Journal (WSJ), các nhà kinh tế đã giảm xác suất suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới xuống 54% từ 61% trong hai cuộc khảo sát trước đó.

Dù xác suất suy thoái đó vẫn cao so với các tiêu chuẩn trong lịch sử nhưng đánh dấu mức giảm điểm phần trăm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 8 -2020 nhờ nền kinh tế Mỹ phục hồi sau cơn thoái ngắn do tác động của đại dịch Covid-19. Dự báo mới nhất của các nhà kinh tế phản ánh thực tế là Mỹ tiếp tục tăng trưởng ngay cả khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất và lạm phát suy yếu.

Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vẫn ổn định bất chấp các bất ổn vĩ mô. Trong tháng 7, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ của Đại học Michigan đã thêm 8,2 điểm, lên 72,6 điểm, mức cao nhất trong 21 tháng.

Trong cuộc khảo của WSJ, các nhà kinh tế dự kiến GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 1,5% trong quí hai, tăng mạnh so với mức dự báo tăng trưởng 0,2% trong cuộc khảo sát trước đó.

Những nhà kinh tế này cho rằng, tăng trưởng GDP cuối cùng sẽ giảm xuống mức âm, nhưng muộn hơn và mức giảm ít hơn so với dự báo trước đây. Nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng tăng trưởng 0,6% trong quí 3, cải thiện đáng kể với mức dự báo giảm 0,3% trong cuộc khảo sát lần trước. GDP của Mỹ sẽ tăng 1% vào trong năm 2023, cao gấp đôi so với dự báo trước đó là 0,5%.

Gần 60% trong số 69 nhà kinh tế được khảo sát cho biết, lý do quan trọng để lạc quan về triển vọng kinh tế là kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục chậm lại.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6 tăng 3% so với một năm trước đó, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6-2022 và cũng là mức tăng chậm nhất trong hơn hai năm.

Chỉ số CPI cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng), thước đo lạm phát yêu thích của Fed, giảm từ 5,4% vào tháng 3-2022, xuống 4,6% vào tháng 5. Các nhà kinh tế kỳ vọng chỉ số này sẽ tăng chậm hơn nữa, chỉ còn 3,7% trong quí 4 năm nay, dù vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

Hồi giữa năm ngoái, nhiều nhà kinh tế lần đầu tiên dự đoán về cơn cuộc suy thoái tiềm ẩn khi tình trạng lạm phát cao kéo dài, khiến Fed tăng lãi suất với tốc độ mạnh nhất trong gần ba thập niên. Trong lịch sử, khi lạm phát giảm mạnh, điều này thường dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng lần này sẽ khác.

Sean Snaith, Giám đốc Viện Dự báo kinh tế của Đại học Central Florida, nhận định giờ đây, con đường để đạt được “hạ cánh mềm”, tức giảm lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế, đang được mở ra.

“Vào đầu năm nay, kịch bản hạ cánh mềm (cho nền kinh tế Mỹ) dường như là một giấc mơ viển vông. Hiện tại, có vẻ như cơn suy thoái tiềm ẩn liên tục bị đẩy lùi vào thời điểm xa hơn trong tương lai”, Snaith, người đã hạ xác suất suy thoái của Mỹ xuống 45% trong cuộc khảo sát của WSJ, từ 90% hồi tháng 4 nói.

Các nhà kinh tế dự báo thị trường lao động Mỹ sẽ mất trung bình 10.551 việc làm mỗi tháng trong quí 1-2024, không thay đổi nhiều so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, khác với cuộc khảo sát hồi tháng 4, những người này không còn dự báo việc làm bị cắt giảm trong quí 3 và quí 4 năm nay mà cho rằng, các nhà tuyển dụng sẽ bổ sung thêm việc làm trong quí 2 và quí 3 của năm tới. Điều này cho thấy, bất kỳ cơn suy thoái nào, nếu có xảy ra thì cũng chỉ ở mức độ nhẹ.

“Lạm phát đã tăng chậm lại đáng kể và chúng tôi tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục suy yếu vì tăng trưởng tiêu dùng đang chậm lại rõ rệt và tăng trưởng việc làm đang hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ”, Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng của Wilmington Trust nói.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo mức tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của Mỹ trong năm nay có thể dẫn đến việc Fed duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Dự kiến, lãi suất của Fed đạt đỉnh 5,4% vào tháng 12, tăng mạnh so với dự báo 5% trong cuộc khảo sát trước.

Tháng trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất ở biên độ 5 – 5,25%, lần tạm dừng đầu tiên sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 3-2022. Các nhà đầu tư trên thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm trong cuộc họp chính sách cuối tháng này.

Các nhà kinh tế cũng đẩy lùi ước tính về thời điểm Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất. Trong cuộc khảo sát mới nhất của WSJ, chỉ 10,6% các nhà kinh tế dự kiến Fed cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay, giảm từ 36,8% trong cuộc khảo sát trước đó.

Gần 79% các nhà kinh tế tham gia khảo sát dự đoán là Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024 khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Khoảng 42,4% dự kiến Fed sẽ tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào quí 2-2024.

Theo WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gioi-chuyen-gia-kinh-te-ha-rui-ro-suy-thoai-cua-nen-kinh-te-my/