Giờ này các em ở đâu ?

Cảng Đồng Hới tháng 12 năm 1972. Cảng biển nhỏ nhoi dài không đầy 300m mà hứng chịu không biết bao nhiêu trận bom của máy bay Mỹ. Thị xã Đồng Hới là một trong những nơi bị hủy diệt bởi bom B52, bởi pháo bầy từ tầu Hải quân Mỹ.

Cả thị xã (nay là thành phố) là một bãi phẳng, hố bom dày đặc, chi chít như một dàn bát ngửa đầy nước. Nhà thờ Đồng Hới (còn gọi là nhà thờ Tam Tòa) bị đánh sập, nứt toác, chỉ còn tháp chuông lẻ loi, chi chít vết đạn hiên ngang vút lên bầu trời xanh, là minh chứng cho sự anh dũng, bất khuất, ngoan cường của người dân thị xã Đồng Hới, Quảng Bình.

Bốn cô học sinh cấp 3 Đồng Hới năm 1972.

Cảng biển Đồng Hới cũng là nơi ghi nhiều dấu ấn kỷ niệm của lính đoàn 125 - đoàn tầu không số với nhân dân, bộ đội, thanh niên xung phong và các cháu học sinh.

Tháng 12/1972 trong giai đoạn tạm ngừng bắn chuẩn bị ký kết hiệp định Pari tại Việt Nam. Đảng và chính phủ chớp thời cơ đưa vũ khí, đạn dược, hàng hóa các loại vào Đồng Hới, Sông Gianh Quảng Bình. Đoàn 559, đoàn Hồng Hà của Tổng cục Hậu Cần, đoàn vận tải của Bộ Giao Thông vận tải và đoàn 125 Hải Quân tham gia chiến dịch này, trong đó đoàn 125 của Bộ tư lệnh Hải Quân là lực lượng trụ cột.

Dòng chữ ghi tặng Thủy thủ Nguyễn Khắc Nhật

Chiến dịch vận chuyển có biệt danh VT 5 bắt đầu. Các tầu vận tải ra khơi liên tục. Có chuyến cả đi cả về chỉ 1 vài ngày đến một tuần.

Hải Phòng - Đồng Hới. Hải Phòng - Sông Gianh. Tầu đi, về liên tục, bất chấp bão to, gió lớn, biển động.

Cảng Đồng Hới tuy bé nhỏ nhưng lại thuận lợi cho tập kết dỡ hàng nhất vì nó gần cửa Sông Nhật Lệ. Trong những con tầu cập cảng bốc hàng tại cảng Đồng Hới có tầu Nhật Lệ V608 do Nguyễn Văn Thanh làm thuyền trưởng, Hà Minh Thật, Lưu Đình Lừng thuyền phó. Nguyễn Khắc Nhật hàng hải số 1 (người lái tàu chính).

Các Cựu thủy thủ tầu V608 50 năm sau (Hoãn - Toản - La Bình - Vui)

Một nhóm thủy thủ trẻ là sinh viên nhập ngũ tháng 5/1972, mới được điều động về tầu ít ngày. La Bình dân Hà Nội, sinh viên Đại học Mỹ Thuật Hà Nội. Triệu Xuân Hoãn người Hải Dương, Trần Văn Toản quê "con bo vang " Sơn Tây là sinh viên Đại học Kinh Tế Kế Hoạch. Trần Đức Vui quê Thành phố Nam Định sinh viên Đại học Tổng Hợp Hà Nội.

Lần đầu tiên tầu cập cảng Đồng Hới sau bao năm bị máy bay Mỹ đánh phá, thả bom, thủy lôi phong tỏa cảng. Nhân dân trên bờ ào xuống hỏi thăm, xem tầu. Chưa bao giờ họ được thấy con tầu chở hàng to, đẹp như vậy. Một đoàn đại biểu của đảng, chính quyền và các đoàn thể thị xã Đồng Hới xuống tận cảng, lên tầu chào đón, gặp mặt giao lưu với cán bộ chiến sỹ trên tầu. Trống ếch thùng thùng rộn ràng, cờ đỏ sao vàng rực rỡ phấp phới bay. Các đại biểu mặc những bộ quần áo mới nhất, kể cả áo trắng tinh vì bây giờ không còn máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời nữa. Nét mặt tươi vui, hồ hởi, phấn khởi vì đây là một ngày hội đã vắng trên mảnh đất khói lửa đau thương này từ lâu lắm rồi. Chiến tranh nên cửa biển bị bom, thủy lôi Mỹ phong tỏa, thị xã bị hủy diệt.

Trong số những người dân ấy có những cô, cậu học sinh tiểu biểu, là Cháu ngoan Bác Hồ, được chọn tham dự. Vẻ tươi trẻ, hồn nhiên, vô tư toát lên từ mái tóc tết đôi tung tảy sau lưng, bởi tiếng nói giọng địa phương chi mô răng rứa rúi rít như chim sơn ca.

Các em tràn xuống tầu trầm trồ khen tầu to, tầu đẹp.

- Chu cha tầu dài quá, dễ dài hơn cả sân bóng trường mình!

Các em vô tư tràn cả vào phòng ngủ, trèo lên giường tầng của thủy thủ đoàn nằm thử. Sóng sông Nhật Lệ dồi lên dồi xuống. Con tầu lắc lư theo nhịp sóng, các em kêu lên:

- Thích quá, như nằm võng mẹ ru!

Thấy cuốn chuyện "Lão hà tiện "của thủy thủ Trần Toản để đầu giường, em Thủy thõng chân xuống giường giở ra xem:

- Ui cha! Eng này còn đọc cả truyện tây nữa mi ơi?

Thấy cuốn sách Học tiếng Nga của thủy thủ Trần Đức Vui để đầu giường, Nhung cô học sinh có đuôi tóc đen, tết ba dài đến khuỷn chân lấy làm ngạc nhiên:

- Các anh thủy thủ còn học cả tiếng Nga nữa ư? Anh học lớp mấy phổ thông rồi? Cô học sinh tên Hồng thả những ngón tay thon dài lướt trên hàng dây của cây đàn ghi ta treo đầu giường của thủy thủ La Bình, thích thú hỏi:

- Anh đàn cho em nghe một bài đi! À anh có biết đánh bài “Quảng Bình quê ta ơi” không?

Hoãn là sinh viên năm thứ ba, đứng tuổi nhất điềm tĩnh trả lời:

- Các anh đều là sinh viên đại học. Theo lệnh tổng động viên, các anh nhập ngũ mới mấy tháng thôi.

Mắt các thiếu nữ sáng ngời ngạc nhiên, ngưỡng mộ. Bình cô học sinh đẹp nhất nói:

- Ui cha! Các anh giỏi quá đi! Quê em chẳng có mấy anh vào được đại học mô! Các anh dạy chúng em toán, lý, văn nhé!

Cô ôm cuốn sách tiếng Nga vào ngực như đang thầm ước: Mình phải phấn đấu thi đỗ đại học, để được đi học nước ngoài. Ngày ấy được đi học ở Liên Xô và các nước XHCN là khát vọng của lớp trẻ.

Những chuyến tầu vào cảng Đồng Hới sau này, các em đã cùng cánh thủy thủ ngồi trên boong tầu, nhìn hoàng hôn trôi về phía chân trời, nhìn đồi cát vàng bờ Nam Bảo Ninh cùng nhau hát bài Quảng Bình quê ta ơi. Có lẽ đó là bài hát hay nhất tôi được nghe từ những cô học trò hồn nhiên, ngây thơ trong sáng, hòa cùng tiếng hát khỏe mạnh hùng tráng, của lính trẻ tầu không số, trong tiếng ghi ta bập bùng của Hàng hải số 1 Khắc Nhật, tiếng gõ nhịp rộn ràng của họa sỹ La Bình:

" Quảng Bình quê ta ơi... muôn người như một, gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son. Hẹn ngày thống nhất.

Ta sẽ về chung một nhà... "

Tình cảm của cánh trẻ cứ tự nhiên đến, vô tư như tờ giấy trắng...

Mùa vận chuyển dồn dập. Ở Đồng Hới bốc hàng xong tầu lại quay về Hải phòng, xuống hàng, lấy dầu, lấy nước, lấy thực phẩm đi tiếp. Cuộc đời thủy thủ là những chuyến đi dài. Ngày này qua ngày khác lênh đênh trên biển, nhưng bây giờ họ không còn lo ngại máy bay Mỹ nữa vì đã ngừng bắn, trời, biển của ta. Không sợ bom mìn, thủy lôi của Mỹ thả cửa biển cửa sông vì đã rà, đã phá hết.

Hơn thế đối với những thủy thủ trẻ, những người chưa từng có mối tình đầu thì hình bóng những cô học sinh tươi vui, trong sáng hồn nhiên, như một động lực thôi thúc họ trên con tàu vượt sóng chở hàng vào Đồng Hới.

Cuộc sống người lính thủy nay đây mai đó, có lệnh là lên đường.

Khoảng giữa năm 1974, khi tầu về Hải Phòng các thủy thủ Trần Đức Vui, Trần Văn Toản, La Bình được lệnh lên bờ đi học sỹ quan. Triệu Xuân Hoãn thành hàng hải số 1 thay cho anh Nhật. Họ không kịp chia tay, không có lời tạm biệt, không một dòng lưu bút, không một dòng địa chỉ để lại. Ngày đó có ai biết chiến tranh bao giờ mới hết, có ai biết có ngày 30/4/1975.

Cuộc sống dồn dập, sôi động chiếm hết thời gian, suy nghĩ của những người lính trẻ. Những kỷ niệm về Đồng Hới, về các cô bạn học sinh đi vào dĩ vãng. Không biết trong số những người lính trẻ, những cô học trò đó có ai đem lòng thương nhớ ai không? Chỉ biết họ bặt tin nhau cho đến khi nhìn lại tấm hình này.

Bây giờ họ đều đã là ông, bà nội, ngoại nhưng kỷ niệm về những ngày chiến tranh trên cảng Đồng Hới vẫn ngọt ngào, sống mãi trong trái tim họ.

Phần tiếp:

Chúng tôi đã tìm được chủ nhân của tấm hình này. Anh là hàng hải tầu 608, anh đẹp trai và hơn chúng tôi vài tuổi. Có lẽ một trong bốn cô gái trong ảnh đã tặng anh tấm hình này vào tháng 10/1973.

Tác giả đã cất công tìm kiếm qua mạng và hỏi cụ Google. Tôi đã tìm thấy một trong bốn cô gái này. Cô đang sinh sống tại TP Đồng Hới, cô đã là một bà lão U70 nhưng vẫn còn mặn mà so với trang lứa. Cô đang giúp tôi tìm 3 cô bạn kia. Cô nói cô xinh nhất sau này đi Văn công hình như đang ở Nha Trang, hai cô khác lấy chồng theo chồng xa quê, chưa biết tung tích. Tôi thông tin cho 4 anh lính sinh viên tầu 608 và anh lái tầu chủ nhân của tấm ảnh. Chúng tôi hẹn cô vào thời điểm thích hợp sẽ vào thăm cô. Dự định sẽ cùng nhau ra cảng Nhật Lệ ôn kỷ niệm năm xưa. Hồi tưởng tiếng còi tầu tu tu đòi cập bến. Ôn lại hình ảnh tốp học sinh ngồi trong lớp học, nháo nhác khi nghe tiếng còi tàu báo cập cảng. Ôn bài họ hát cùng nhau trên mũi tầu dập dềnh trong chiều hoàng hôn. Họ sẽ chụp những tấm hình bên cảng Nhật Lệ, cảng bây giờ bé tẹo, chỉ có tầu cá tin hin vào cập. Họ sẽ chụp với nhau tấm ảnh bên nhà thờ Đồng Hới nứt toác vì bom Mỹ, được giữ lại làm chứng tích chiến tranh. Họ sẽ lưu lại câu chuyện này và những tấm ảnh cách nhau hơn 50 năm cho lũ trẻ đọc và bảo chúng rằng:

Tại bến cảng này, ông bà chúng đã có một tình bạn trong sáng, đẹp như tranh trong những ngày chiến tranh đánh Mỹ khốc liệt.

Giai điệu bài hát

Quảng Bình quê ta ơi lại văng vẳng bên tai tôi.

Hà Nội 21/12/2023

T.H.Q

Trái tim người lính

Tống Hồng Quân

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/gio-nay-cac-em-o-dau-a22458.html