Gió đồng miên man chảy

'Cánh đồng là nơi chúng tôi đến và cũng là nơi chúng tôi phải trở về'. Câu nói của ông Tư hàng xóm như thêm lao xao ngọn dừa, ngùi ngùi trong ai đó vào dịp tiết tháng bảy mưa ngâu và cảnh đoàn người đi trong im lặng của chia lìa...

Thật vậy, từ khi chào đời rồi đến lúc bắt đầu hiểu biết thì hình ảnh cánh đồng lúa đã in đậm trong tâm trí chúng tôi rồi. Từ khi gieo lúa, dặm lúa, rồi lúa đương thì con gái cho tới lúc ngậm sữa, trổ oằn bông sà mình theo cơn gió cùng với sự chạy nhảy lon ton của đám con nít chúng tôi như hòa điệu với tiếng máy suốt lúa mà làm cho cánh đồng thêm sôi động, thêm màu mỡ hơn chăng? Cổ tích của tuổi thơ chúng tôi là đây. Cánh đồng và dòng sông nuôi từng ngày mơ ước cho đã đầy, cho phù sa nhân nghĩa để bước vào đời trong mỗi người lại có tấm lòng vị tha, tánh như Lục Vân Tiên, vậy mà cười hiền như... lúa.

Hồi nhỏ, con nít chúng tôi thường có cái tên dễ nghe và hiền như đất, ví như: con Ruộng, thằng Lúa, thằng Gạo, bé Bông, bé Sữa, bé Đồng... Nó nên thơ và gần gũi để giờ đây hơn nửa đời phiêu bạt, trong nhóm bạn xóm giềng xưa kia đã có đứa bật khóc và giật mình gọi nhau: "Con Ruộng giờ là Việt kiều. Nó nhớ quê và thèm câu xàng xê tưởng chừng đứt từng đoạn ruột kìa". Thằng Gạo bữa qua đã dắt đứa con nhỏ ra đồng và hướng dẫn cách thăm ruộng, làm đồng. Thằng nhỏ mắt nheo nheo, nhìn xa xăm qua những thảm lúa u u gió rồi nhìn lên nền trời xanh thăm thẳm.

Trên bước đường tôi qua, những cánh đồng mọc đầy và ken dày trong tôi ngày mỗi thêm rực vàng. Đó là cánh đồng của tiếng hát trúng mùa, "trúng" giá. Khi là cánh đồng của trúng mùa, "thất" giá. Có lúc nông phu thất thểu vì cánh đồng rạn nứt thiếu nước hoặc chìm lỉm trong cơn ngập ngụa của nước nổi. Họ gọi ngút ngàn... Mà thường thì ngoài đồng mênh mông ấy là tiếng chim, đâu đó bên lũy tre có một vài con trâu hiền lành nhai cỏ, vài cô bác nông phu thăm đồng. Những ngón chân phèn đóng móng đang bám vào đất, đang ghì yêu thương và truyền mạch lửa cho con cháu mai này. Mà biết đâu...!

Tôi lại nghĩ về câu nói của ông Tư hàng xóm. Bởi lô nhô trên đồng là những ngôi mộ thật xưa cũ, có mộ đã nứt toác, ngậm màu thời gian. Nhưng cũng có nơi ngôi mộ như được con cháu vừa xây tô, quét vôi mới lại. Cũng có chỗ người ta đã cải táng mộ để cho cánh đồng thêm dài rộng nới ra thêm. Những người nằm dưới mộ nghe đất thở, nghe lúa hát của cuộc trăm năm buồn vui, say tỉnh. Những người nằm dưới mộ có lẽ đang nhớ những bước chân đầu đời mình từng lon ton theo cha mẹ trên những triền đê để be bờ, nhổ cỏ, cầm giúp nông cụ để cha mẹ lội ruộng mà xịt thuốc trừ sâu, dặm lúa... Ờ, lúc này trong tôi sao mà nhớ da diết đến vậy!

Ngày đó, lần đầu ngửa mặt nhìn trăng rằm giữa ruộng lúa bao la với đám bạn, mới thấy quê mình đẹp thiệt! Và rồi những cọng rơm vàng óng ánh kia đã làm xót và ngứa lưng, ngứa ngáy cả cơ thể. Cái ngứa ấy đi dọc hành trình cuộc đời để một lần ai đó nhắc lại đồng quê thì dường như dọc sống lưng đang có cọng rơm vàng ngọ ngoạy của thằng bạn đang giỡn. Mình bỗng thèm tiếng gọi "mày - tao". Mình bỗng nhớ gió đồng và thương hoài câu hát ru. Rồi lúc này lại giật mình nhớ câu nói của ông mình: "Nông dân quý cánh đồng, yêu hạt lúa, hạt gạo lắm con à! Khi mình ăn cơm thì ăn cho đàng hoàng, đừng để rớt tùm lum hay giẫm đạp lên cơm gạo là có tội đó con. Tội đó là tội với những nông phu đã lam lũ một đời khó nhọc, chắt chiu hột vàng cho chúng ta có bữa cơm ăn hằng ngày. Không phải có tiền là đã có gạo. Nếu lúa gạo không do nông dân làm ra và ví như họ không bán thì mình lấy đâu mà ăn hở con".

Ông đã đi xa. Ông cùng với những người trăm năm đã nằm lẫn đâu đó giữa bạt ngàn đồng lúa quê tôi, vậy mà câu nói của ông như đang văng vẳng bên tai tôi một chiều thu se sắt nhớ. Tôi nghe như gió đồng đang miên man chảy, chừng như là bất tận.

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/gio-dong-mien-man-chay_148583.html