Gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc

Cùng với việc dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các môn thể thao thành tích cao, thời gian qua, tỉnh ta luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng, trong đó đặc biệt chú trọng gìn giữ, phát triển các môn thể thao dân tộc (TTDT). Qua đó, đã thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện, thi đấu, không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần mà còn nhân rộng Phong trào 'Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại', phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.

Huấn luyện viên hướng dẫn kỹ thuật cho VĐV tập vật dân tộc.

Sôi động, hấp dẫn

Chỉ cần một khoảng sân rộng, bãi đất trống hoặc khi lễ hội diễn ra là có thể tổ chức chơi, thi đấu các môn TTDT hay các trò chơi dân gian như: Bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, vật, đi cà kheo... Các môn TTDT phổ biến gắn liền trong các lễ hội đều bắt nguồn từ đời sống, với lịch sử phát triển và cả những triết lý dân gian của các dân tộc, đều có đặc điểm chung là không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, dễ tập, dễ chơi, không nặng về ganh đua, tranh giành quyết liệt mà mang ý nghĩa giải trí, tăng cường tinh thần đoàn kết nhiều hơn, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

“Ba năm chúa mở khoa thi/ Đệ nhất thi vật, đệ nhì thi bơi”. Đối với những người yêu vật dân tộc thì câu ca dao ấy dường như đã nằm lòng theo thời gian. Vì thế, từ xa xưa đến nay, một số lễ hội trên địa bàn tỉnh đã duy trì và đưa môn vật dân tộc vào thi đấu. Đòi hỏi tinh thần quyết tâm, kỹ thuật và thể lực, môn thể thao này ngày càng lôi cuốn nhiều người dân luyện tập và thi đấu. Là nơi đào tạo, huấn luyện các môn thể thao của tỉnh, trong đó có bộ môn vật, đồng chí Nguyễn Thế Phú- Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo, huấn luyện TDTT tỉnh cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang đào tạo, huấn luyện các vận động viên (VĐV) thi đấu môn vật để tham gia các giải vật tự do, vật cổ điển. Tại các giải thể thao mà có môn vật dân tộc, chúng tôi sẽ chọn VĐV của vật tự do và vật cổ điển, bởi luật thi đấu, cách thức và miếng đánh của vật dân tộc đơn giản hơn. Vì thế, khi tham gia các giải đấu trong khu vực và toàn quốc, các VĐV vật dân tộc của tỉnh đã đạt được thành tích cao. Điển hình như năm 2022, tham gia Đại hội TDTT toàn quốc, môn vật dân tộc đã đóng góp một Huy chương Vàng. Tháng Tư tới đây, Trung tâm sẽ lựa chọn VĐV tham gia Giải vô địch vật dân tộc Quốc gia tại Hoa Lư - Ninh Bình.

Với sức hấp dẫn của các môn TTDT, trong các giải thi đấu TDTT hay Hội khỏe Phù Đổng hoặc các hội thao của các đơn vị, sở, ngành nhiều môn được lựa chọn đưa vào thi đấu như: Kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, cà kheo... Đặc biệt, đây còn là “món ăn tinh thần” của người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Chị Nguyễn Thị Thu- khu 5, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy hào hứng chia sẻ: “Tôi tham gia môn kéo co ở nhiều giải thể thao hoặc thi đấu giao lưu của xã và huyện. Đây là môn thể thao truyền thống của địa phương mang tính đồng đội cao, đòi hỏi mọi thành viên phải có sự phối hợp ăn ý giữa các vị trí để tạo nên sức mạnh chung. Với môn kéo co, tôi rất thích bởi luôn thu hút đông đảo người cổ vũ trong không khí náo nhiệt, vui tươi và sự gắn kết trong cộng đồng”.

Đẩy gậy cũng là môn thể thao rất hấp dẫn tại các hội thi, hội làng. Tuy là môn thể thao đơn giản, chỉ cần một cây gậy thẳng làm bằng tre già, hay những thanh gỗ tốt là có thể chơi được. Sân thi đấu cũng chỉ là bãi đất trống bằng phẳng, rồi vẽ thành vòng tròn để hai người thi đấu bên trong, người xem đứng xung quanh cổ vũ. Hai người chơi bước vào vòng tròn, cố dùng sức đẩy đối phương té ngã hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn coi như thắng cuộc. Song để chơi tốt môn này, không chỉ cần sức khỏe, mà còn đòi hỏi phải có kỹ thuật, chiến thuật, sự khéo léo, tâm lý ổn định thì khi đó người chơi mới làm chủ được cuộc thi, giành được chiến thắng.

Thi đi cà kheo tại lễ hội truyền thống đình Ngọc Tân, huyện Đoan Hùng.

Giải pháp quan trọng

Trong những năm qua công tác TDTT nói chung và phong trào TDTT trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đoàn thể trong tỉnh. Các địa phương, đơn vị đã gắn việc giữ gìn, phát triển các môn TTDT với Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; đồng thời khuyến khích lồng ghép các nội dung thi đấu TTDT vào các dịp lễ, Tết, hội thao, Hội khỏe Phù Đổng các cấp... để vừa giúp nhân dân rèn luyện sức khỏe, tinh thần TDTT vừa tạo điều kiện gắn kết, kết nối cộng đồng.

Việc tập luyện TDTT thường xuyên không chỉ giúp người dân rèn luyện sức khỏe, mà còn góp phần phát triển phong trào TDTT ở cơ sở. Năm 2023, toàn tỉnh có 39,4% dân số tập luyện TDTT thường xuyên (tăng 0,6% so với năm 2022), 31% gia đình đạt chuẩn gia đình thể thao (tăng 0,5% so với năm 2022), 2.085 câu lạc bộ TDTT. Hệ thống cơ sở vật chất TDTT từ tỉnh đến cơ sở đã được đầu tư xây dựng, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được tham gia sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, giải trí.

Đồng chí Nguyễn Bá Khuyến - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Các giải đấu, hoạt động TDTT đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa thường xuyên, sân chơi bổ ích, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tạo không khí vui tươi lành mạnh, nâng cao sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, các thiết chế thể thao tại các khu dân cư. Phong trào luyện tập, thi đấu các môn TTDT phát triển còn là cơ sở để phát hiện, tuyển chọn nhiều vận động viên nòng cốt tham gia thi đấu các môn TTDT ở cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Gần đây nhất, tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIII khu vực I năm 2023, tại tỉnh Cao Bằng, đoàn thể thao tỉnh Phú Thọ xuất sắc giành 17 huy chương các loại, xếp thứ 9/19 tỉnh, thành tham dự Hội thi.

Tuy nhiên, việc giữ gìn, phát triển các môn TTDT hiện chưa đồng đều. Công tác phối hợp trong triển khai tổ chức các hoạt động TDTT mới chú trọng tới các môn thể thao dân tộc có thế mạnh như: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co... còn nhiều trò chơi dân gian như tung còn, đánh đu, đi cà kheo... chưa được tổ chức thường xuyên, thường mới chỉ được lồng ghép vào các hoạt động lễ hội tại các địa phương. Nguồn lực đầu tư cho TTDT nhìn chung còn hạn chế...

Phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, chương trình xây dựng nông thôn mới... Tiếp tục khai thác, bảo tồn và phát triển các loại hình TTDT, các trò chơi dân gian gắn với lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa thể thao nhằm đẩy mạnh phong trào TDTT, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tạo điều kiện hỗ trợ phát triển phong trào TDTT ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình hưởng thụ các hoạt động TDTT.

Việc đưa các môn TTDT vào hoạt động TDTT thường xuyên tại các xã, thị trấn được xem là giải pháp quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, việc tổ chức các môn TTDT tại các lễ hội lớn, trong ngày hội văn hóa, thể thao tại nhiều địa phương cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là điều kiện quan trọng để vừa thực hiện công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển phong trào TDTT ở cơ sở.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/the-thao/gin-giu-phat-trien-cac-mon-the-thao-dan-toc/209385.htm