Gìn giữ, phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình

Giáo dục gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu, là nền tảng để mỗi người có thể phát triển, đứng vững trong xã hội. Muốn trẻ trở thành một người sống có trách nhiệm, biết yêu thương, cần dạy trẻ cách ứng xử, thực hành từ khi còn bé.

Cha mẹ có vai trò quyết định trong việc hình thành lối sống và cách ứng xử của con trẻ. Ảnh: THIÊN LÝ

Trong xã hội hiện nay, các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang có những biến đổi nhất định. Điều này mở ra cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình.

Nỗ lực cho tương lai

Có duyên gặp gỡ thông qua bạn bè, chị Nguyễn Thị Cúc và anh Đỗ Mỹ Khoa ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) quen biết, tìm hiểu nhau gần 2 năm rồi quyết định tiến đến hôn nhân. Một năm sau kết hôn, gia đình chị có thêm thành viên mới là cậu con trai nhỏ đáng yêu.

Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh Khoa không quên vai trò của một người chồng, người cha của gia đình. Hằng ngày, sau giờ làm việc, anh tranh thủ thời gian về nhà phụ vợ chăm con, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, sửa đồ gia dụng... Đối với anh, sự xuất hiện của vợ và con trai là động lực để anh phấn đấu hơn nữa trong công việc cũng như phát triển kinh tế gia đình.

Anh Khoa bày tỏ: “Tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn sau khi lập gia đình, đặc biệt là từ khi có con, tôi càng hiểu hơn về ý nghĩa của gia đình. Vì thế, tôi luôn tự nhủ phải phấn đấu làm việc để lo cho vợ và con cái, làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình”.

Anh Nguyễn Văn Tây ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), do đặc thù công việc tài xế đường dài nên có rất ít thời gian ở nhà. Do đó, anh luôn trân trọng những điều giản dị nhưng ý nghĩa, đó là nbữa cơm gia đình. Anh Tây nói: “Trong bữa cơm, vợ chồng tôi có thể tâm sự và lắng nghe tâm tư, tình cảm của các con để giải quyết, giải đáp kịp thời những thắc mắc về cuộc sống cũng như trong học tập”.

Theo anh Tây, điều quan trọng nhất trong gia đình là vợ chồng phải có sự cảm thông, hiểu nhau, chia sẻ cùng nhau, chung tay dạy dỗ các con ngoan ngoãn. Trong nuôi dạy con, không nên tạo áp lực, miễn con vui chơi có chừng mực, bảo đảm việc học hành.

Tự hào và cảm thông công việc của cha mẹ, Nguyễn Đào Cẩm Vân - con gái của anh Tây nói: “Con vui khi cha mẹ bận rộn kiếm tiền nhưng vẫn cân bằng giữa công việc và thời gian chăm lo cho chúng con. Vì vậy, hai chị em con luôn tự bảo ban chăm sóc nhau để cha mẹ không quá bận lòng”.

Xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện

Bối cảnh mới mở ra những cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng nhân cách con người. Để vun đắp, phát triển hệ giá trị gia đình trong điều kiện mới, thời gian qua, Sở VHTT&DL tham mưu, giúp lãnh đạo chính quyền các cấp nghiên cứu, xây dựng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xây dựng con người Phú Yên phát triển toàn diện.

Trong đó, tập trung triển khai Kế hoạch 33 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 06, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; triển khai thực hiện các đề án, chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong việc lồng ghép tuyên truyền, vận động các gia đình giữ gìn nề nếp gia phong gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao gắn với công tác gia đình nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11)...

Theo các chuyên gia đầu ngành về gia đình, giáo dục gia đình là giáo dục làm gương. Điều quan trọng là làm sao để đứa trẻ được thừa hưởng một môi trường lành mạnh ngay từ bé. Muốn vậy, những thông điệp tốt đẹp phải được lan tỏa từ những nơi, những người gần gũi nhất với trẻ em. Nói cách khác, gia đình chính là trường học đầu tiên, có tác động và định hình lối sống, cách ứng xử cho mỗi cá nhân trong tương lai.

“Một yếu tố quan trọng trong văn hóa ứng xử gia đình là sự bình đẳng, tôn trọng, biết lắng nghe giữa các thành viên. Đó không chỉ là thói quen chia sẻ việc nhà, sự kết nối thường xuyên, mà thái độ coi con như một người có trách nhiệm là yếu tố vô cùng quan trọng. Ngoài ra, cha mẹ cần thống nhất kế hoạch cho con trưởng thành, chuẩn bị và cho con trải nghiệm về cuộc sống thế nào...”, ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) nhấn mạnh.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/314665/gin-giu-phat-huy-he-gia-tri-van-hoa-gia-dinh.html