Gìn giữ nghề đan thúng chai

Thúng chai hay còn gọi là thuyền thúng, là phương tiện đánh bắt thủy sản quen thuộc của người dân miền biển. Tuy nhiên, làng nghề đan thúng chai đang dần mai một vì sự ra đời của thuyền thúng composite. Nhưng tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên một làng làm nghề đan thúng chai truyền thống vẫn tồn tại đến ngày nay, bởi ở đó có những người tâm huyết với nghề.

Làng Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An là một trong những nơi còn giữ nghề sản xuất thúng chai. Ông Nguyễn Cộng là người đã gắn bó với nghề làm thúng chai hơn 30 năm. Các thế hệ trong gia đình ông đều được ông truyền nghề lại. Với ông, sản xuất thúng chai là nghề truyền thống do cha ông để lại nên ông sẽ lưu giữ và tiếp tục mưu sinh bằng nghề này.

Thời vàng son, làng Phú Mỹ có khoảng 50 hộ gia đình mưu sinh bằng nghề đan thúng chai. Nguyên liệu chính để làm thúng chai là tre. Nguyên liệu phụ là phân bò và dấu rái, giúp kết dính, chống thấm nước cho thúng. Gần đây, thúng chai do người làng Phú Mỹ làm ra không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước Châu Âu và Đông Nam Á…

Hiện làng Phú Mỹ còn khoảng 10 hộ theo nghề này. Ngoài làm phương tiện đánh bắt thủy sản, sản phẩm thúng chai ở làng còn được người dân trang trí theo đặt hàng của các đơn vị du lịch trong và ngoài nước. Có đầu ra cho sản phẩm và những con người tâm huyết với nghề, người dân làm thúng chai ở làng Phú Mỹ tin rằng nghề biển còn, thúng chai còn. Du lịch phát triển, nghề làm thúng chai vẫn tiếp tục tồn tại.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Bảo Lâm

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/gin-giu-nghe-dan-thung-chai-210704.htm