Gìn giữ nét đẹp văn hóa của lễ hội để thu hút khách du lịch

Gia Viễn là địa phương giàu bản sắc văn hóa gắn với những lễ hội truyền thống. Mùa xuân là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội trên địa bàn, thu hút đông đảo du khách về tham quan, chiêm bái, dự hội. Đây cũng là mùa cao điểm tổ chức các hoạt động lễ hội, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước cần phải được quan tâm sát sao. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Thị Dược, phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn xung quanh vấn đề nêu trên.

Chương trình văn nghệ khai mạc lễ hội Bái Đính 2024. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên (PV): Xin đồng chí giới thiệu những nét khái quát về hoạt động lễ hội ở huyện Gia Viễn?

Đ/c Vũ Thị Dược: Gia Viễn là vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Theo Quyết định số 955/QĐ-UBND ngày 13/11/2023 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đến ngày 31/10/2023, trên địa bàn huyện Gia Viễn có 34 lễ hội truyền thống, trong đó có 16 lễ hội tại di tích lịch sử văn hóa (1 lễ hội tại di tích với quy mô cấp huyện tại đền Thánh Nguyễn) và 18 lễ hội dân gian.

Thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thời gian qua, các hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở; thực hiện nghiêm việc đăng ký, thông báo lễ hội và các nội dung quy định tổ chức lễ hội đảm bảo đúng yêu cầu cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện trong quá trình triển khai thực hiện; đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Trong các lễ hội, phần lễ và phần hội được tổ chức trang trọng, kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống và hiện đại. Phần lễ được tổ chức đúng lễ nghi, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phong tục, tập quán của địa phương. Phần hội, nhiều trò chơi, phong tục tập quán và văn hóa dân gian được khôi phục, bảo tồn và phát huy.

Công tác kiểm duyệt các chương trình văn hóa, thể thao của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tại các lễ hội trên địa bàn được các ngành quan tâm, thực hiện tốt theo đúng quy định; kiên quyết không để xảy ra các hoạt động lợi dụng hoạt động văn hóa, thể thao để thực hiện các hành vi chống phá trên lĩnh vực văn hóa-tư tưởng của các thế lực thù địch; hoạt động biểu diễn trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, vi phạm pháp luật…

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho Nhân dân được chính quyền địa phương chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Thông qua tổ chức lễ hội, việc tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa của di tích được coi trọng, ý thức của người tham gia lễ hội ngày càng được nâng cao góp phần quảng bá du lịch của địa phương đến với Nhân dân và du khách thập phương.

PV: Thưa đồng chí, với một địa bàn diễn ra nhiều lễ hội trong năm, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn huyện thời gian qua còn những bất cập gì cần quan tâm?

Đ/c Vũ Thị Dược: Bên cạnh những mặt ưu điểm, công tác tổ chức lễ hội tại huyện Gia Viễn cũng có những hạn chế nhất định như công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh ở các cơ sở thờ tự và khu vực tổ chức lễ hội chưa thường xuyên, sâu rộng, chưa phong phú về nội dung và hình thức tuyên truyền. Do đó chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét; công tác quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của lễ hội còn hạn chế nên chưa thu hút được đông đảo người dân tham gia. Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, lễ hội gắn với phát triển du lịch hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, ở một số lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện phần hội đang có nguy cơ bị mai một, biến đổi. Một số đơn vị chưa nắm rõ quy định công tác tổ chức lễ hội nên việc thực hiện đăng ký, thông báo nội dung, chương trình tổ chức lễ hội đến UBND cấp xã ở hầu hết các lễ hội thực hiện chưa đúng thời gian quy định (trước ngày dự kiến tổ chức lễ hội ít nhất 20 ngày theo quy định).

Múa rồng tại lễ hội Thung Lau (Gia Viễn). Ảnh trong trang: Minh Quang

PV: Vậy làm thế nào để đưa công tác quản lý lễ hội vào nền nếp mà vẫn đảm bảo được nét văn hóa, văn minh, an toàn, thưa đồng chí?

Đ/c Vũ Thị Dược: Để đưa công tác quản lý lễ hội vào nền nếp mà vẫn đảm bảo được nét văn hóa, văn minh, an toàn, các cơ quan quản lý phải coi công tác quản lý và tổ chức lễ hội là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, sự phối hợp trách nhiệm, thường xuyên của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của người có uy tín, các chức sắc trong cộng đồng dân cư.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành có liên quan; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác quản lý tổ chức lễ hội ở cơ sở. Kiên quyết đấu tranh, phê phán những hành vi, biểu hiện lệch lạc, thiếu lành mạnh trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Kết hợp hiệu quả công tác tuyên truyền với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Gắn việc thực hiện quản lý lễ hội với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Thực hiện tốt công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Phát huy tốt vai trò của những trưởng thôn, trưởng xóm, phố, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, của cán bộ, đảng viên trong quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương một cách hiệu quả, thiết thực.

PV: Hiện nay, Ninh Bình đang hướng mạnh đến việc phát triển kinh tế du lịch, công nghiệp văn hóa. Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của các lễ hội trong đời sống tinh thần của người dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của huyện?

Đ/c Vũ Thị Dược: Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa đặc biệt có tính tập thể, tính cộng đồng và sự cố kết cộng đồng, phản ánh tín ngưỡng và sinh hoạt của người dân trong lao động, sản xuất, hay trong việc hình dung lại các sự kiện lịch sử. Lễ hội giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội nói chung hay cộng đồng dân cư nói riêng, bởi nó đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh, giúp con người có dịp nhìn lại một chu trình đã qua, hướng đến những điều tốt lành và có niềm tin vào đời sống thường nhật.

Lễ hội góp phần hình thành truyền thống yêu nước, yêu lao động, sản xuất thông qua việc tế lễ và các tích trò được nhân dân diễn lại, đồng thời phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị và có ý nghĩa quan trọng trong hội nhập và phát triển đất nước.

Gia Viễn là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống và đặc trưng gắn với những lễ hội đặc sắc. Đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn to lớn, là một trong những thế mạnh của Gia Viễn để phát triển du lịch cộng đồng và cần được bảo vệ và phát huy. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch-lễ hội của Gia Viễn cần phải có sự liên kết các tuyến điểm di tích, điểm tổ chức lễ hội trên địa bàn và được kết nối với các trung tâm dân cư. Liên kết các điểm di tích, lễ hội chính là hướng đi quan trọng để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, biến các giá trị văn hóa thành sức mạnh hướng tới phát triển ngành du lịch một cách bền vững và lâu dài.

Bên cạnh đó, khi tổ chức lễ hội cần đưa thêm các hoạt động nhằm khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa phi vật thể như: thi làm trang phục truyền thống, thi kể truyện cổ, thi chế biến các món ăn có tính chất đặc trưng vùng miền, thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian bên cạnh các môn thể thao hiện đại nhằm làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội tạo ra màu sắc văn hóa trong nếp sống, lễ hội để thu hút du khách.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Mai Phương (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/gin-giu-net-dep-van-hoa-cua-le-hoi-de-thu-hut-khach-du-lich/d20240301091941118.htm