Gìn giữ giá trị cổ truyền theo cách riêng

Là dịp lễ thiêng liêng của người Việt, giới trẻ ngày nay chọn Tết xanh với cách đón mừng năm mới riêng biệt, song vẫn lưu giữ những giá trị cổ truyền.

Thay vì ăn uống linh đình, mua sắm tưng bừng, “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, xu hướng của họ giờ đây là chi tiêu đúng mực, không thừa không thiếu, là chọn lựa những sản phẩm thân thiện với môi trường, là những chuyến đi du lịch tìm về với thiên nhiên…

Vui Tết giờ đây còn gắn với những cử chỉ đẹp, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và ưu tiên sử dụng các mặt hàng bền vững, tốt cho sức khỏe. Thế hệ Z và Millennials nhiều năm qua vẫn tiên phong cho lối sống xanh, lan tỏa xu thế này ngày càng phát triển mạnh.

Tết là… đơn giản, là có thêm thời gian để yêu thương

Đối với Lương Lưu Ly (30 tuổi, chuyên gia khai vấn, nhà sáng lập dự án School of Love), ngày Tết vẫn giữ nguyên ý nghĩa là dịp để bản thân được nghỉ ngơi và sum họp gia đình sau một năm bận rộn.

Dù rất quan trọng, nhưng ngày Tết của mình ngày càng đơn giản hơn, việc chuẩn bị cũng ít cầu kì đi. Những năm gần đây mình chỉ mua sắm những thứ thực sự cần hơn là thứ mình muốn. Mình ưu tiên chọn lựa những sản phẩm chất lượng và không dồn việc mua sắm vào Tết để tránh mua quá nhiều thứ không cần thiết” - Ly cho biết.

Lương Lưu Ly đã theo đuổi lối sống xanh từ nhiều năm qua. Nguồn: NVCC

Theo nữ chuyên gia khai vấn, không phải cứ mua sắm thật nhiều và ăn uống linh đình mới là ngày Tết đủ đầy. Với cô, đủ đầy còn là về tinh thần. “Nếu bớt đi thời gian dành cho việc mua sắm, mình sẽ có thêm thời gian để yêu thương, quan tâm, chăm sóc bản thân và gia đình, tận hưởng ngày Tết trọn vẹn, yên bình hơn” - Ly nói.

Lối sống xanh đã được cô gái 30 tuổi thực hành suốt nhiều năm qua. Cô cho rằng đây là trách nhiệm của mình đối với bản thân, môi trường và những người xung quanh. Mỗi ngày, Ly cố gắng làm tốt hơn trong phạm vi có thể, vì cô tin rằng “mẹ thiên nhiên cần được chúng ta bảo vệ”.

Trong năm mình sẽ trải nghiệm các sản phẩm mà bản thân thấy tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Tết về nhà mình sẽ mua những sản phẩm này tặng bố mẹ, để bố mẹ được trải nghiệm và thay đổi dần thói quen tiêu dùng. Mẹ mình vốn sử dụng rất nhiều bao bì nhựa để dự trữ thực phẩm, nhưng nay đã chuyển sang loại có thể phân hủy để bảo vệ môi trường”, Ly cười, kể.

Còn trong suy nghĩ của Lê Minh Tuyết (21 tuổi, sinh viên), Tết vẫn giữ nguyên sự thiêng liêng đối với người Việt mà không có dịp lễ nào thay thế được. Tuyết cho rằng việc mua sắm trong gia đình nên được duy trì ở mức vừa đủ, không lãng phí nhưng cũng không lược bỏ những nét truyền thống như mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét, cây mai, nhành đào, cây nêu ngày Tết…

Tết là dịp để Lê Quỳnh Như tìm về với thiên nhiên. Nguồn: NVCC

Mẹ mình là người làm điều này tốt nhất, mẹ vẫn tôn trọng các giá trị truyền thống, các phong tục ngày Tết, tuy nhiên sẽ tiết chế theo lối sống của gia đình. Ví dụ, nhà mình có 4 người và rất ít ăn bánh kẹo, nước ngọt, nhưng rất thích ăn trái cây. Do đó, để đảm bảo không lãng phí, khi sắm sửa cho Tết, mẹ sẽ giảm số lượng bánh kẹo, nước ngọt và mua nhiều hoa quả để cúng kiếng, trưng thật nhiều cây xanh để không khí thật trong lành. Gia đình mình cũng tận dụng đồ trang trí cũ hoặc tái chế từ vật dụng cũ, để sau Tết không có nhiều rác thải ra môi trường” - Tuyết cho hay.

Tìm về với thiên nhiên, chung tay giúp đỡ cộng đồng

Với nhiều bạn trẻ như Phạm Kim Ngân (24 tuổi), Tết còn là cơ hội để sẻ chia, giúp đỡ cộng đồng, mang xuân về trọn vẹn hơn cho những người kém may mắn. Ngân cho biết bản thân có thói quen chọn ra quần áo cũ không mặc nữa, đem giặt sạch rồi tặng lại các tổ chức từ thiện để mọi người có quần áo đẹp mặc Tết. Cô cũng thường tặng tập sách, bánh kẹo cho trẻ em mồ côi vào dịp này.

Quỳnh Như và bạn bè chọn những hành trình xanh giúp đỡ cộng đồng. Nguồn: NVCC

“Mình cũng hạn chế mua những phong bì lì xì có in hình quá đặc trưng, để dễ dàng tận dụng cho năm sau. Ngoài ra, thay vì uống rượu bia, mình và các bạn hay rủ nhau tổ chức ăn uống lành mạnh, chạy bộ, đạp xe... mở cửa để đón nắng, đón gió trong lành, hạn chế sử dụng máy lạnh nhằm giảm tải nhu cầu sử dụng điện ngày Tết. Đặc biệt cần ý thức không xả rác và nhắc nhở người xung quanh bỏ rác đúng nơi quy định, phụ một tay với các cô chú vệ sinh môi trường” - Ngân chia sẻ.

Trong khi đó, sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, Lê Quỳnh Như (26 tuổi, chuyên viên vận động và dinh dưỡng) cho biết, từ trước đến nay gia đình cô vốn có thói quen không tổ chức tiệc tùng linh đình vào ngày Tết. Như và người thân cũng hạn chế đến những điểm du lịch đông đúc để tránh ùn tắc, giảm khí thải và xả rác ra môi trường.

Song, Như cho rằng đây là thời gian hợp lý để khám phá thiên nhiên, đến những nơi hẻo lánh ít người nhưng còn khó khăn về mặt vật chất để giúp đỡ họ, cũng như chữa lành cho bản thân.

Dịp Tết năm nay, Như có kế hoạch tham gia một trại bảo tồn rừng và động vật hoang dã ở Thái Lan. Thông thường, trại diễn ra vào khoảng cuối năm, nhưng năm nay lại đúng vào dịp Tết nên cô quyết rủ thêm bạn bè cùng tham gia.

Mình thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa, vì Thái Lan là một đất nước có ý thức khá tốt về việc bảo vệ môi trường và giáo dục người dân có lối sống gần gũi với thiên nhiên” - Như nói.

Thông qua việc đi trại vào những năm trước, cô gái 26 tuổi cho biết đã học được cách các tổ chức bảo vệ môi trường ở Thái Lan, chung sống hòa bình với thiên nhiên, giúp đỡ người dân chuyển dần từ săn bắn động vật sang du lịch sinh thái, từ đó thu nhập của họ được cải thiện đáng kể.

Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm từ các nước và dần dần áp dụng tại Việt Nam. Một cách đơn giản đó là kết hợp với bạn bè làm những chuyến du lịch không rác thải ngay tại các khu rừng, vùng núi của quê hương mình. Chúng ta cần xây dựng lối sống xanh mọi lúc mọi nơi, kể cả trong ngày thường và từ những điều nhỏ nhặt, đừng chỉ ở những dịp đặc biệt như Tết” - Như bộc bạch.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gin-giu-gia-tri-co-truyen-theo-cach-rieng-post282360.html