Gieo hạt xuân

Sau những chương trình kích cầu của tỉnh, phong trào khởi nghiệp lan rộng ra nhiều vùng quê, với những dự án 'vừa lạ vừa quen'. Với nhiều thanh niên nông thôn, khởi nghiệp giống như cách gieo một hạt giống tốt để mỗi độ xuân về có thể mang trái ngọt đến với nhiều người hơn.

Trải nghiệm liều lĩnh

Sau nhiều năm lăn lộn với đủ thứ nghề ở Hà Nội, năm 2019, Bùi Tuấn Anh, xã An Tường (TP Tuyên Quang) quyết định về quê mở doanh nghiệp, với ngành nghề chính là thiết kế, xây dựng nội thất.

Bùi Tuấn Anh sinh năm 1985. Ở chàng trai trẻ này, quyết tâm được làm giàu trên chính mảnh đất quê mình thôi thúc anh từ những ngày mới tốt nghiệp đại học. Bùi Tuấn Anh vừa làm, vừa học cách quản lý từ chính những người lãnh đạo mình; anh học cách tìm kiếm, tiếp cận thị trường và lọc dần những ngành nghề có thể giúp mình khởi nghiệp nơi quê nhà. Năm 2018, sau khi xin nghỉ việc, Bùi Tuấn Anh cùng với cậu bạn thân từ ngày còn học THPT quyết định thành lập doanh nghiệp, tập trung vào mảng thiết kế, xây dựng nội thất, trong đó sử dụng sản phẩm gỗ công nghiệp thay thế cho đồ gỗ tự nhiên. Theo Bùi Tuấn Anh, trên thế giới hiện nay, nhiều nước đã hạn chế tối đa việc sử dụng gỗ tự nhiên vì đây là một trong những nguyên nhân gây ra nạn phá rừng, hủy hoại thiên nhiên một cách trầm trọng. Bên cạnh đó, gỗ tự nhiên cũng có một số nhược điểm như không thể chống lại mối mọt, di chuyển khó khăn, kiểu dáng không hiện đại, không nhiều màu sắc… Những sản phẩm của Top Group khá đa dạng, từ bàn ghế, giường tủ, bếp ăn đến bàn làm việc.

Tuấn Anh chia sẻ, bản thân là lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng anh gần như có mặt trên mọi nẻo đường. Anh đích thân đi tìm kiếm khách hàng, tự mình hướng dẫn, giải thích và giám sát mọi công đoạn thi công, lắp đặt… Bùi Tuấn Anh ví von, thay đổi thói quen của người tiêu dùng cũng giống như mình đổi khẩu vị từ ăn mặn sang ăn nhạt, ban đầu có thể rất khó chịu, nhưng khi nhận thấy những lợi ích cho sức khỏe bản thân thì sẵn sàng theo đến cùng. Khách hàng của Tuấn Anh ban đầu hầu hết là những gia đình trẻ. Họ tiếp cận với xu hướng mới nhanh hơn, dễ thích ứng hơn. Để giữ chân khách quen và mở rộng ra nhiều đối tượng khách hàng mới, Bùi Tuấn Anh đưa sản phẩm có chất lượng tốt nhất đến với khách hàng. Niềm vui của họ là phản hồi rất tích cực từ phía người tiêu dùng, nhất là những gia đình trẻ.

Nguyễn Đức Quân (bên trái ảnh) học hỏi kinh nghiệm chăm sóc bưởi của người dân trong xã.

Nguyễn Đức Quân (bên trái ảnh) học hỏi kinh nghiệm chăm sóc bưởi của người dân trong xã.

Những ngày cận Tết, Bùi Tuấn Anh và Nguyễn Quang Hưng di chuyển liên tục nhờ những đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp của hai chàng trai 8X giờ vươn ra cả các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Vĩnh Phúc và Hà Nội.

Bùi Tuấn Anh ví von, con đường mà anh và bạn đang đi là một trải nghiệm liều lĩnh, bởi ngoài đam mê, ngoài thử sức, họ vẫn gánh trên vai trách nhiệm với gia đình, vợ con. Nhưng với hai chàng trai 8X này, con đường phía trước không phải ngõ cụt, khi mọi bước đi đều đã được đo đếm, tính toán bằng kiến thức, kinh nghiệm và cả niềm tin!

Giữ vị quê

Mắm cá chép ruộng được gọi là món ăn của người Tày. Nhưng hầu như lâu nay, món ngon chỉ được “truyền miệng” và bán trong cộng đồng nhỏ. Không muốn “món ngon thất truyền”, Lý Thị Hậu, cô Bí thư Đoàn xã người Tày ở Hòa Phú (Chiêm Hóa) đã quyết định thành lập tổ hợp tác sản xuất mắm cá chép ruộng tại thôn Làng Chang và bằng nhiều cách, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với thị trường rộng lớn hơn.

Tổ hợp tác sản xuất mắm cá chép ruộng Làng Chang liên kết với nhiều hộ dân trong thôn để cùng làm nên chuỗi liên kết chặt chẽ: Hộ chuyên cung cấp rau răm, lá cơm đỏ; hộ chuyên trồng riềng củ, hộ cung cấp cá chép ruộng và 1 hộ gia đình chuyên về chế biến... Trong tổ hợp tác này, thành viên cốt cán nhất là bà Hoàng Thị Quyết. Bà Quyết thạo nghề ủ mắm cá từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Hậu bảo, khi mới bắt tay vào thực hiện cũng nhiều băn khoăn, lo lắng, vì trước đây, sản phẩm này cũng đã được 1 hợp tác xã trên địa bàn thực hiện nhưng không khả quan do không tìm được đầu ra.

Hậu chia sẻ, để làm được mắm cá ruộng đòi hỏi phải qua một quy trình khá công phu. Khi cây lúa ruộng bắt đầu đẻ nhánh thì cũng là lúc người dân thả cá chép xuống ruộng. Khi lúa trĩu bông, cũng là lúc tháo nước để bắt cá. Cá chép ruộng thịt săn chắc, thơm ngọt được chế biến cùng nếp cái hoa vàng và các nguyên liệu truyền thống của địa phương mới tạo thành một món ăn đặc sản. Nguyên liệu phải chọn đúng loại cá chép nuôi ở ruộng, to chừng hai, ba ngón tay là vừa. Cá được mổ sạch, để ráo nước và xát muối, ướp riềng giã nhỏ cùng hành củ thái lát mỏng, trộn đều rồi cho vào hũ, mùa hè ủ chừng từ ba đến năm ngày, mùa đông thì lâu hơn. Mắm ngon phải có mầu đỏ tía, dậy mùi thơm nức, cá còn nguyên con, hạt xôi đều không bị nát. Thưởng thức mắm cá ruộng có nhiều cách, ngoài dùng để chấm các loại thịt, rau hoặc để chấm cơm lam, bà con còn dùng để xào với trám om đã bỏ hột sẽ tạo ra một món ăn mang hương vị rất độc đáo của đồng bào Tày. Bí quyết của người Tày chính là ở tay ủ mắm. Bí quyết này thường chỉ được truyền cho 1 người duy nhất trong gia đình.

Tổ hợp tác của Lý Thị Hậu mới thành lập, nhưng “tiếng vang” đã vượt ra khỏi Hòa Phú. Để không rơi vào “vết xe đổ” của những người đi trước, Hậu tìm cách đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; cô cũng tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của tổ hợp tác. “Tiếng ngon đồn xa”, Hậu cho biết, mỗi vụ lúa tổ hợp tác thu mua hơn 3 tạ cá, riêng năm 2019 cung cấp cho thị trường hơn 600 hộp mắm, giá bán mỗi hộp 1 kg là 100 nghìn đồng. Những ngày này, Hậu cùng các thành viên tổ hợp tác tất bật chuẩn bị làm thêm những mẻ mắm cá chép ruộng mới để phục vụ thị trường sau Tết. Chị bảo, ra Giêng, người người du xuân, trảy hội, đây là cơ hội lớn để chị giới thiệu sản phẩm tại các lễ hội, phiên chợ đầu năm.

Chị Lý Thị Hậu (bên phải ảnh) với sản phẩm mắm cá chép ruộng Làng Chang.

Chị Lý Thị Hậu (bên phải ảnh) với sản phẩm mắm cá chép ruộng Làng Chang.

Sự nhiệt tình, liều lĩnh của cô gái trẻ giờ đã thu được trái ngọt. Những người dân quê cô giờ không chỉ thạo nghề chế biến, mà đã làm quen dần với khái niệm “ship” (chuyển) hàng từ quê ra thành phố lớn. Hậu bảo, vui nhất chính là nhiều khách ở thành phố Tuyên Quang giờ đã trở thành khách quen của tổ hợp tác sản xuất mắm cá ruộng Làng Chang. Vị ngon của đồng bào Tày giờ đã trở thành thứ gia vị đặc biệt, độc đáo trong bữa cơm của nhiều gia đình.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

Phúc Ninh (Yên Sơn) được mệnh danh là đất bưởi. Diện tích bưởi cả xã hiện đã đạt trên 1.000 ha. Năm 2018, Nguyễn Đức Quân, thôn Phúc Ninh, xã Phúc Ninh quyết định trồng mới hơn 1 ha bưởi, nhưng anh không chọn chăm sóc theo cách thông thường mà đầu tư, chăm sóc toàn bộ theo hướng hữu cơ.

Quân chia sẻ, có nhiều năm làm việc với người nông dân quê mình, anh nhận thấy thực trạng sản xuất nông nghiệp theo lối cũ gây ra rất nhiều hệ lụy. Tình trạng sử dụng bừa bãi phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và cả tình trạng đốt rơm rạ về lâu dài gây ra xói mòn đất, đất bạc màu, nhiều bệnh trên cây trồng không chữa được. Quân minh chứng, nhiều diện tích bưởi ở Phúc Ninh hiện đã bị thoái hóa, sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Diện tích bưởi hữu cơ của gia đình Quân đã có nhiều năm chuyển đổi, tức là loại bỏ dần phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi quá trình chăm sóc. Toàn bộ diện tích đất được cải tạo bằng cách đưa phân chuồng, phân vi sinh vào làm giàu và tăng các vi sinh vật có lợi. Quân bảo, vất vả nhất là chuyện làm cỏ cho cây. Lâu nay thuốc trừ cỏ là lựa chọn tối ưu của nhiều nhà nông. Nhưng giờ anh chuyển hoàn toàn sang cắt cỏ bằng máy. Ngày làm được nhiều, ngày làm được ít vì còn bận bịu việc nọ việc kia, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện dùng thuốc trừ cỏ để giảm công lao động cho mình.

Quân chia sẻ, sản xuất hữu cơ có nhiều cái lợi. Cái lợi đầu tiên là môi trường sản xuất được thay đổi hoàn toàn, dựa vào tự nhiên là chính. Cái lợi thứ hai là sản phẩm làm ra được thị trường chào đón và chấp nhận. Và cái lợi sau cùng, nhưng là cái lợi lớn nhất, là sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng được bảo vệ tuyệt đối.

Sau mô hình sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ của Nguyễn Đức Quân, hiện ở Phúc Ninh đã có 23 hộ gia đình đăng ký thực hiện theo. Hiện các hộ này đang được hướng dẫn các kỹ thuật cải tạo đất, chuyển đổi dần từ phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới.

Nguyễn Đức Quân tự tin, mô hình của mình và các hộ trồng bưởi ở Phúc Ninh chắc chắn sẽ thành công, với giá bán sau khi có sản phẩm cao hơn sản phẩm thông thường ít nhất 1,5 lần. Vì hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ được chứng nhận, trong khi thị trường lại đang rất cần những sản phẩm ngon - sạch.

Giám đốc… chân đất!

Phạm Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi gà Hợp Thành (Sơn Dương) có vẻ mặt thư sinh và trẻ hơn so với cái tuổi 36 của mình. Anh tự nhận mình là “giám đốc… chân đất” khi hầu hết thời gian đều cắm cúi ở chuồng trại, niềm vui là ngắm nghía đàn gà đang thì lớn của mình và các thành viên.

Hợp tác xã Chăn nuôi gà Hợp Thành thành lập tháng 8 - 2018, với 17 thành viên. Hợi ngại ngùng khi nhắc đến lý do thành lập hợp tác xã của mình ban đầu chỉ là để… vay vốn ngân hàng. Nhưng càng làm theo kiểu tập thể, càng thấy ham và càng quyết tâm làm cho thật tốt, thật hiệu quả. May mắn của anh là có sự đồng hành của nhiều đơn vị, từ ngành nông nghiệp đến chính quyền địa phương khi liên tục mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, liên kết chuỗi sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn.

Thành quả là chỉ sau hơn nửa năm, tổng đàn chăn nuôi của các thành viên tăng theo cấp số nhân, từ 4 vạn con ban đầu lên hơn 8 vạn con thời điểm hiện tại.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Phạm Văn Hợi, hầu hết các thành viên trong hợp tác xã đều có thâm niên chăn nuôi dăm bảy năm, nhưng theo kiểu mạnh ai nấy làm. Sau này, khi đứng ra thành lập hợp tác xã, anh quy tất cả các khâu về một mối: Nguồn con giống anh đích thân về Bắc Giang và Hà Nội đặt mua. Trong đó, giống gà lai chọi anh đặt mua trực tiếp tại Bắc Giang và giống gà Ri Hòa Phát đặt mua từ Hà Nội. Việc tiêm vắc xin, lấy thức ăn, rồi đầu ra… đều cùng một chỗ, cùng một giá.

Anh Ma Văn Vĩ, sinh năm 1970, thành viên lớn tuổi nhất của hợp tác xã chia sẻ, cách làm của Hợi giúp các thành viên không bị thiệt, nhất là về giá mua của các tư thương, khi mọi quy trình đều được công khai và thông báo đến tất cả mọi người. Hiện mỗi tháng, Hợp tác xã chăn nuôi gà Hợp Thành cung cấp cho thị trường hơn 2 vạn con gà thịt các loại. Riêng dịp Tết Canh Tý HTX thắng lớn khi cung cấp cho thị trường hơn 22 tấn gà thịt, doanh thu gần 2 tỷ đồng.

Những người trẻ khi đã dám bước ra khỏi “vùng an toàn”, ai trong số họ cũng phải đối mặt với những thay đổi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng đó là điều mà những người như Bùi Tuấn Anh, Lý Thị Hậu, hay Nguyễn Đức Quân, Phạm Văn Hợi đã lường trước. Họ có thể có những hoài nghi, nhưng sẽ không bao giờ quay đầu nhìn lại vì chính họ biết rằng: Nếu không hành động, sẽ chẳng có giấc mơ nào thành hiện thực!

Ghi chép: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/gieo-hat-xuan-127578.html