Giàu lên từ lá tre

Cơ sở thu mua, chế biến lá tre ở huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ của ông Dương Đình Hợp thu mua 270 - 300 tấn lá 1 ngày vào những tháng cao điểm và thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc.

Xưởng phân loại lá tre của ông Dương Đình Hợp. Ảnh: A.Minh.

Xưởng phân loại lá tre của ông Dương Đình Hợp. Ảnh: A.Minh.

Ông Hợp, sinh năm 1982, ở xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng có trong tay hàng chục cơ sở chế biến và xuất khẩu lá đặt tại các tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên. Công việc chính của các cơ sở là thu mua lá tre diễn, tre mai, xử lý thành nguyên liệu gói thực phẩm, xuất ra thị trường nước ngoài.

Ông Hợp cho hay, “nghề làm lá” bắt đầu xuất hiện ở khu vực các tỉnh phía Bắc từ những năm 1990, do nhu cầu sử dụng lá làm vỏ các loại thực phẩm (gói một số loại bánh) hoặc dùng lót lên đĩa đựng thức ăn trong một số các nhà hàng khách sạn tại Trung Quốc với mục đích trang trí.

Nhu cầu sử dụng lá tại Trung Quốc rất lớn, một phần do dân số đông. Tại các khu công nghiệp, giải pháp tiết kiệm thời gian và công sức cho các bữa sáng là mua vài chiếc bánh mang theo đến nơi làm việc. Rác thải từ lá bánh được đốt hoặc nghiền nhỏ mang đổ ra môi trường, trở thành thứ hữu ích cho đất và cây trồng.

Những cơ sở như của ông Hợp đã mở ra cơ hội cho người dân có đất đồi rừng ở Phú Thọ và các tỉnh lân cận. Nhiều người chặt bỏ các loại cây giá trị kinh tế không cao để chuyển qua trồng các giống tre có lá lớn như diễn, mai, giang.

Người trồng cắt ngọn khi cây còn non khiến cây tập trung phát triển lá, tán rộng, lá dày và khỏe. Kết thúc vụ, bà con sẽ chặt tỉa những cây già, tạo đà cho cây con phát triển thuận lợi.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hà, ở khu 7, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng Phú Thọ có 4ha đồi chuyên trồng diễn, giang để lấy lá. Ông Hà cho biết, thời điểm tháng 2 âm lịch năm 2024, giá lá chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg do lúc này lá nhỏ, chưa chính vụ. Khi vào mùa lá (mùa hè), gia đình ông có thể hái 70kg lá mỗi ngày với giá 18-20 triệu đồng/kg, thu về hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.

Để hái lá thuận lợi, ông Hà dùng cây sào dài 4 - 5m một đầu có lưỡi cắt cành cây có lá. Lá được xếp lại thành các bó đều nhau, nếu số lượng chưa đủ để mang bán thì có thể ngâm nước qua đêm để lá không tỏa nhiệt và lên men, 2 yếu tố khiến lá úa, mất đi chất diệp lục tạo màu xanh vốn có.

Tuy nhiên cách này khiến lá nặng hơn do ngấm nước và hệ quả là thời gian sấy sẽ lâu hơn, trọng lượng lá khi khô hao nhiều hơn so với loại lá không ngâm nước, đây là điểm mà các cơ sở thu gom chế biến không khuyến khích.

Ông Hợp nói, ban đầu một số doanh nhân Trung Quốc sang các vùng có nhiều cây lấy lá ở Việt Nam như Lai Châu, Điện Biên Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên... tự mua lá rồi thuê mặt bằng, làm các xưởng chế biến lá tại chỗ. Cách này giúp họ chọn được những sản phẩm theo ý muốn để đưa về nước.

Tuy nhiên, doanh nhân Trung Quốc gặp một số khó khăn vì hàng hóa phải được kiểm duyệt khi qua các cửa khẩu và số lượng bị hạn chế do sản xuất chỉ ở mức nhỏ lẻ, một phần do những cơ sở này không có đủ nhân lực, phần khác vì ban đầu người dân ở các khu vực nông thôn chưa tiếp cận được cách thức sản xuất khá mới này.

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, người dân tại các địa phương có cây lấy lá học được cách chế biến lá và có sẵn nguồn nguyên liệu do chính họ trồng trên các vùng đồi rừng. Một số cơ sở sản xuất và chế biến lá do người Việt Nam làm chủ đã hợp tác làm ăn với chính các đối tác nước ngoài trước đây đã đặt cơ sở tại địa phương.

Các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng phát triển và làm ăn hiệu quả. Chỉ tính riêng tại xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng đã có ít nhất 5 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lá ở quy mô vừa và khá lớn, trung bình mỗi chế biến 1,5 -2 tấn lá thành phẩm 1 ngày vào những thời điểm ít lá nguyên liệu. Những tháng cao điểm trong năm, các cơ sơ của ông Hợp thu mua 270-300 tấn lá 1 ngày.

Trung bình mỗi năm cơ sở thu mua, chế biến lá diễn của ông Hợp xuất bán hơn 3.000 tấn lá thành phẩm sang thị trường Trung Quốc, tổng doanh thu đạt khoảng 165 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lá làm ăn được đồng nghĩa tạo ra việc làm cho lao động nông thôn, từ người trồng hái đến nhân công chế biến và các khâu khác.

Theo đó, tại cơ sở của ông Hợp, chỉ tính riêng một xưởng chế biến tại xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng đã có 180 - 200 công nhân.

Theo những người trồng hái và chế biến lá ở Đoan Hùng, nghề này có thu nhập khá. “Chỉ hái lá tươi mang đến cơ sở thu mua chế biến, có bao nhiêu cũng được mua hết. Trung bình mỗi kg lá tươi được mua với giá khoảng 20 nghìn đồng. Nhà nào có nhiều đồi rừng thì 1 nhân công hái lá có thể thu về 350- 500 nghìn đồng 1 ngày” - ông Hợp nói.

Đó chính là tiền đề để nhiều hộ dân ở Đoan Hùng mở rộng diện tích trồng cây lấy lá. Vùng này từng phát triển nghề mành cọ, trồng nhiều cọ nhưng nay các đồi cọ gần như không còn, thay vào đó là các loại tre lấy lá 1.

Chủ tịch UBND xã Minh Phú Nguyễn Huy Chính cho biết, nhiều gia đình trong xã trồng cây lấy lá 1 năm cho thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/sào. Cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, nhiều gia đình vươn lên làm giàu từ những loại cây lấy lá này.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu các loại lá đạt 5,7 triệu USD, trong đó lá tre đạt kim ngạch cao nhất với 1,31 triệu USD, chiếm tỷ trọng 22,9% trong các loại lá xuất khẩu, tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2022, lá tre các loại đạt giá trị xuất khẩu 2 triệu USD.

A.Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giau-len-tu-la-tre-10275873.html