Giáo viên nhận định đề thi Địa lý giúp thí sinh tránh được tình trạng học tủ

Theo nhận định của giáo viên, đề thi môn Địa lý có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kĩ năng Địa lí, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực giải quyết vấn đề, tránh được tình trạng học thuộc, học tủ, học mẹo. Các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải có tư duy mạch lạc, có kiến thức xã hội rộng, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao.

Sáng nay (29/6), thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT làm bài thi Khoa học xã hội với 3 môn thi thành phần gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Nhận xét về đề thi môn Địa lý, thầy Vũ Hải Nam, giáo viên Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, so với đề thi tham khảo mà Bộ đã công bố trước đó, đề thi chính thức bám sát ma trận, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lí lớp 12, phù hợp với nội dung được điều chỉnh thực hiện trong năm học 2022 - 2023.

Các câu hỏi được sắp xếp hợp lí theo mức độ tăng dần về độ khó nên thí sinh dễ dàng phân loại được thí sinh theo trình độ. Đề thi có nhiều câu hỏi yêu cầu sử dụng kĩ năng Địa lí, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực giải quyết vấn đề, tránh được tình trạng học thuộc, học tủ, học mẹo. Các câu hỏi phân hóa thí sinh đòi hỏi học sinh phải có tư duy mạch lạc, có kiến thức xã hội rộng, có năng lực giải quyết vấn đề và tư duy phản biện cao.

"Nhìn chung, đề thi môn Địa lí năm 2023 không quá khó với thí sinh có lực học từ khá trở lên. Đề có sự phân hóa cao, để xét tốt nghiệp học sinh chỉ cần học tốt các kĩ năng Địa lí và kiến thức lí thuyết cơ bản là có thể làm được trên 7 điểm. Với thí sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt từ câu 71 trở đi, đây là các câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và thường xuyên", thầy Nam cho biết.

Đánh giá chi tiết hơn về đề thi, thầy Vũ Hải Nam cho rằng, phần kiến thức Địa lí có 21 câu, gồm các chuyên đề: Địa lí tự nhiên (4 câu), Địa lí dân cư (2 câu), Địa lí các ngành kinh tế (8 câu), Địa lí vùng kinh tế (7 câu). Kĩ năng Địa lí có 19 câu trong đó có 15 câu Atlat, 2 câu bảng số liệu và 2 câu về biểu đồ.

Câu hỏi được sắp xếp với mức độ khó tăng dần, đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học: 80% cơ bản (nhận biết, thông hiểu), 20% nâng cao (vận dụng và vận dụng cao), vì vậy học sinh học tốt kiến thức cơ bản có nhiều cơ hội để đạt được điểm 9.

Để làm tốt đề thi này, theo thầy Nam, học sinh cần đọc chi tiết từng đáp án, chú ý đến các từ chìa khóa trong câu hỏi, các dấu hiệu nhận biết và loại trừ các đáp án không phù hợp. Cần nắm rất chắc kiến thức trong SGK, hiểu mối liên hệ giữa các thành phần địa lí, các sự vật hiện tượng địa lí mới có thể lựa chọn đáp án chính xác.

Phần nâng cao tập trung vào 2 chuyên đề Địa lí các ngành kinh tế và Địa lí các vùng kinh tế, mức độ khó có tăng lên gắn với các câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa, tác động.

Còn theo nhận định của giáo viên Địa lý Hệ thống giáo dục Hocmai, nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lí thuyết thuộc nội dung kiến thức 11 nhưng có 2 câu thực hành kĩ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11. Đề thi có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi tham khảo với tỉ lệ câu hỏi lí thuyết/thực hành là 52,5%/47,5% và tỉ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu/vận dụng và vận dụng cao là 75%/25%.

Trong phần câu hỏi nhận biết, có 15 câu sử dụng Atlat. 25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng – vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lí các vùng kinh tế và Địa lí ngành kinh tế.

Đối với phần thực hành kĩ năng Địa lí, giống như trong đề tham khảo, những câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam năm nay đề bài không ghi rõ số trang mà ghi tên trang Atlat học sinh cần sử dụng, với điểm mới này, để khai thác tốt và nhanh tài liệu này học sinh cần nắm chắc mỗi trang Atlat thể hiện nội dung gì. Phần biểu đồ và bảng số liệu không có dạng bài mới, thí sinh vẫn phải có kĩ năng tính toán cơ bản để nhận xét biểu đồ và bảng số liệu. Ngoài ra, thí sinh cần nắm vững đặc trưng của các dạng biểu đồ để nhận dạng và gọi tên chính xác biểu đồ.

Các câu 76, 77, 78, 80 (mã đề 308) là những câu hỏi khó do đi sâu khai thác một vấn đề nhỏ, các phương án có độ nhiễu cao dễ gây nhầm lẫn. Đặc biệt câu 80, thí sinh cần vận dụng kiến thức liên chuyên đề địa lí tự nhiên và địa lí vùng để giải quyết. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi so sánh, không có câu hỏi mang tính thời sự. Đề thi đảm bảo mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT, có độ phân hóa phù hợp cho mục tiêu tuyển sinh đại học.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-vien-nhan-dinh-de-thi-dia-ly-giup-thi-sinh-tranh-duoc-tinh-trang-hoc-tu-post1029407.vov