Giáo viên còn phải dọn 'sẵn cỗ' cho học sinh trước mỗi kỳ kiểm tra đến bao giờ?

Hiện nay, đề cương được thầy cô giáo soạn sẵn câu hỏi, câu trả lời, giải sẵn bài tập mà học sinh chỉ việc nhìn vào học thuộc.

Đề cương ôn tập, cụm từ này đã không còn xa lạ với nhiều người. Là học sinh, ai cũng có ít nhất một lần cầm đề cương để ôn bài phục vụ cho những đợt kiểm tra giữa và cuối học kỳ. Câu chuyện về đề cương đã tồn tại bao năm.

Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được đánh giá theo năng lực, phẩm chất. Một trong những yêu cầu của chương trình mới là đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng tích cực. Theo đó, không còn việc đánh giá học sinh học được cái gì như trước đây mà chuyển dần sang việc các em đã vận dụng được những gì sau khi đã học. Việc làm đề cương và ôn theo đề cương ngỡ đã không còn nhưng thực tế, nhiều trường vẫn yêu cầu giáo viên làm đề cương. Học sinh cũng ôn theo đề cương này.

Ảnh minh họa.

Từ băn khoăn thắc mắc của phụ huynh

Một phụ huynh cũ có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhắn tin hỏi tôi rằng: “Em có 2 con hiện đang học tại trường tiểu học. Cô chị có mang về một đề cương ôn tập kỳ kiểm tra cuối kỳ II nhưng đứa em lại không có.

Em nhắn tin hỏi giáo viên chủ nhiệm thì được biết, đề cương đã được gửi vào nhóm lớp, phụ huynh có thể liên hệ với hội phụ huynh lớp hoặc tự đi phô tô về cho con học. Giáo viên làm vậy là sai phải không cô?”.

Nói rồi người này thắc mắc tại sao cô chị được giáo viên phô tô đề cương cho học còn cô em lại không? Việc phô tô tài liệu là trách nhiệm của giáo viên sao lại bắt phụ huynh phải làm việc đó?

Đây có lẽ không phải thắc mắc của một người mà không ít phụ huynh hiện nay vẫn đang có suy nghĩ như vậy.

Là giáo viên, người viết đã trả lời thẳng thắn phụ huynh này rằng, giáo viên không có trách nhiệm phải soạn đề cương ôn tập cho học sinh, lại càng không có trách nhiệm phải đi phô tô đề cương về phát cho từng em. Nhưng có những thầy cô rất nhiệt tình vừa soạn đề cương, vừa tự giải đề cương và phô tô đề cương phát về cho từng em.

Bên cạnh đó, có những thầy cô chỉ soạn đề cương và gửi vào nhóm Zalo của lớp. Chuyện phô tô đề cương là của phụ huynh nên bị đem so sánh với lớp khác và gặp phải sự phản ứng của một số phụ huynh cũng là điều dễ hiểu.

Vì sao giáo viên vẫn phải soạn đề cương ôn tập?

Đề cương được hiểu là bản tóm tắt những kiến thức cốt lõi hay những điểm chính, điểm quan trọng để thông qua đó người học có thể nắm được những kiến thức cần học tránh học lan man. Một cách dễ hiểu nhất là đề cương chính là nội dung ôn tập đã được rút ngắn.

Về nguyên tắc, đề cương sẽ là những vấn đề, những câu hỏi chưa có đáp án để người nhận đề cương có thể tự giải đáp cũng là cách họ đang tự ôn, tự học.

Tuy nhiên hiện nay, đề cương được thầy cô giáo soạn sẵn câu hỏi, câu trả lời, giải sẵn bài tập mà học sinh chỉ việc nhìn vào học thuộc.

Vì sao giáo viên lại phải soạn sẵn đề cương cho học sinh học? Không những vậy, giáo viên lại soạn một cách thật là chi tiết.

Là giáo viên giảng dạy 30 trong ngành giáo dục, tôi đã đúc kết được 3 nguyên nhân chính trong khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thầy cô “dọn cỗ” sẵn cho học sinh ôn trước mỗi bài kiềm tra.

Thứ nhất, chỉ tiêu chất lượng trên giao luôn ở mức ngất ngưỡng. Bậc tiểu học ở những trường chuẩn quốc gia tỉ lệ lên lớp luôn ở mức 99% trở lên, trường bình thường cũng phải trên 98%.

Ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng thế. Chỉ tiêu chất lượng môn học cũng được giao từ 80% trở lên, có những môn phải đạt 95% trở lên. Nếu để học sinh tự học, tự ôn tập sẽ khó đạt được chỉ tiêu như thế.

Thứ hai, một số học sinh hiện nay khá lười học, gia đình cũng không quan tâm đến việc học của các em mà giao phó tất cả cho giáo viên, cho nhà trường. Trong thực tế, có những học sinh thầy cô soạn đề cương chi tiết, thậm chí còn bật mí, gói gọn một vài câu, vài bài có trong đề kiểm tra vẫn còn không chịu học.

Thứ ba, một bộ phận không nhỏ cấp trên trong ngành giáo dục vẫn đang giữ suy nghĩ nhận xét, đánh giá giáo viên, chuyên môn của nhà trường dựa trên kết quả thống kê kết quả học tập của học sinh mà không cần biết chất lượng đầu vào mỗi lớp, mỗi trường, mỗi địa phương là hoàn toàn khác nhau.

Ví dụ như chuyện học sinh không học, học sinh làm bài kém không tìm hiểu nguyên nhân (hoặc biết cũng bỏ qua)… Họ mặc định, tất cả đều là lỗi của giáo viên, do thầy cô dạy dở, dạy yếu kém, thiếu nhiệt tình, thiếu đổi mới phương pháp, hay do nhà trường chưa chỉ đạo chuyên môn kịp thời….

Thứ tư, giáo viên sợ ảnh hưởng đến chất lượng thi đua của bản thân. Có những trường học, hiệu trưởng đưa thẳng chỉ tiêu thi đua lên lớp cộng 1 điểm; đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc (có từng mức 50%, 60%, 70%...) sẽ ứng với thang điểm 1, 2, 3...

Thứ năm, một số hiệu trưởng yêu cầu, giáo viên nào có học sinh cuối năm chưa hoàn thành chương trình lớp học sẽ phải ôn tập trong thời gian nghỉ hè để học sinh kiểm tra lại lần 1, lần 2...

Vì những lẽ đó, thầy cô giáo luôn phải tìm cách cho học sinh của mình đạt kết quả trong các kỳ kiểm tra. Cách làm hiệu quả nhất vẫn là xây dựng đề cương càng chi tiết càng tốt. Ngoài ra, còn phải đi phô tô và phát tận tay mỗi em một bản. Sau đó, yêu cầu (có khi còn phải năn nỉ) học sinh học dùm thầy, dùm cô nữa.

Đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách kiểm tra và đánh giá học sinh nhưng người lãnh đạo không đổi mới tư duy, vẫn áp chỉ tiêu, vẫn giữ cách làm, cách đánh giá giáo viên như trước đây thì những mục tiêu mà chương trình mới muốn hướng tới sẽ khó được như mục tiêu.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-con-phai-don-san-co-cho-hoc-sinh-truoc-moi-ky-kiem-tra-den-bao-gio-post242326.gd