Giáo dục ý thức bảo tồn di sản văn hóa cho thế hệ trẻ

Di sản văn hóa không chỉ có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ, mà còn là nguồn lực to lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tiết học trải nghiệm, giao lưu với các nghệ nhân của 120 học sinh các khối, lớp Trường THCS Nam Cường (thành phố Lào Cai) tại Bảo tàng tỉnh đầu tháng 12 vừa qua là buổi trải nghiệm lần thứ 8. Tại buổi trải nghiệm, các em được trò chuyện, giao lưu với Nghệ nhân Nhân dân Tẩn Vần Siệu - người am hiểu sâu sắc văn hóa, truyền dạy chữ viết dân tộc Dao và anh Giàng A Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khèn HMông Bắc Hà.

Nghệ nhân Nhân dân Tẩn Vần Siệu giao lưu và truyền dạy chữ Nôm Dao cho học sinh.

“Đây là lần thứ 2 em tới Bảo tàng tỉnh trải nghiệm, nhưng là lần đầu được trực tiếp giao lưu với các nghệ nhân và thực hành viết chữ Nôm Dao. Nghe nghệ nhân nói về ý nghĩa của việc bảo tồn chữ viết của người Dao, hướng dẫn cách viết, em thấy rất thú vị. Em còn được nghe anh Giàng A Hải thổi sáo của người Mông, chia sẻ ý nghĩa các nhạc cụ trong văn hóa, phong tục, tập quán của người Mông. Em muốn được tham gia thêm nhiều tiết học trải nghiệm như thế này” - Nguyễn Thu Hương, học sinh lớp 6, Trường THCS Nam Cường nói.

Nhằm đưa giá trị lịch sử, văn hóa tới gần hơn với người dân, nhất là học sinh, sinh viên, từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tăng cường phối hợp với các trường học, xây dựng những chương trình trải nghiệm thực tế, video clip về di sản văn hóa; tổ chức các trò chơi lồng ghép giáo dục, giới thiệu kiến thức lịch sử… qua đó tạo được sự gắn kết giữa học sinh, sinh viên với Bảo tàng tỉnh.
Đặc biệt, từ tháng 3/2021, Bảo tàng tỉnh triển khai ký kết tổ chức các hoạt động giáo dục với Trường THCS Nam Cường (thành phố Lào Cai). Đây là trường học đầu tiên trên địa bàn tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Bảo tàng tỉnh. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm Bảo tàng tỉnh đã tổ chức 8 buổi trải nghiệm tại Bảo tàng cho học sinh Trường THCS Nam Cường và 12 tiết học tại Trường THCS Nam Cường, mỗi tiết 45 phút. Các tiết học tại trường do cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh tới truyền đạt kiến thức về lịch sử, di sản văn hóa. Ngoài ra còn có nhiều tiết học trợ giảng.

Cô Bùi Thị Thanh Nga, giáo viên Trường THCS Nam Cường cho biết: Việc ký kết hợp tác trong tổ chức các hoạt động giáo dục giữa Bảo tàng tỉnh và nhà trường đã giúp học sinh được học tập, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa các dân tộc Lào Cai; hình thành và nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, yêu văn hóa dân tộc, gắn với bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tiếp nối hiệu quả công tác phối hợp giữa Trường THCS Nam Cường và Bảo tàng tỉnh, trong năm 2022, đã có thêm một số trường trên địa bàn thành phố Lào Cai phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các tiết học tại trường và trải nghiệm tại Bảo tàng, như THCS Bắc Cường, THCS Kim Tân, THCS Bình Minh…

Để đón tiếp học sinh tới tham quan, trải nghiệm, học tập, Bảo tàng tỉnh cũng có nhiều đổi mới trong trưng bày, giới thiệu giá trị của hiện vật, tài liệu, như trưng bày, giới thiệu theo chuyên đề: Thương nhớ thời bao cấp; tết Việt; bộ công cụ các trò chơi dân gian và trải nghiệm văn hóa các dân tộc; đa dạng sinh học Lào Cai; sắc màu văn hóa các dân tộc; Lào Cai cổ sinh và thời kỳ đồ đá; thời đại kim khí ở Lào Cai. Cùng với đó, tạo không gian và tổ chức các buổi học ngoại khóa, tham quan trải nghiệm cho học sinh với chủ đề: Trải nghiệm tạo hoa văn và nhuộm chàm trên vải; trải nghiệm công đoạn nhào, nặn và vẽ hoa văn nghề làm gốm…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Việc Bảo tàng tỉnh và các trường gắn công tác giáo dục với hoạt động tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng, cũng như thực hiện các tiết học về văn hóa, lịch sử dân tộc tại trường đã mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với mục tiêu giáo dục của cả hai bên. Các em được bổ sung nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử địa phương. Đây là một trong những đổi mới sáng tạo của Bảo tàng tỉnh cũng như các nhà trường trên địa bàn thành phố Lào Cai nhằm tăng cường giáo dục ý thức giữ gìn và bảo tồn văn hóa, bảo tồn di sản của dân tộc.

Cùng với đó, các bộ sưu tập hiện vật tại Bảo tàng tỉnh cũng thường xuyên được thay đổi, chỉnh lý, bổ sung để luôn tạo cảm giác mới mẻ, hấp dẫn; mời nghệ nhân, những người am hiểu về văn hóa các dân tộc tới Bảo tàng tỉnh giao lưu, truyền dạy kiến thức và giúp các em được trải nghiệm. Bảo tàng tỉnh còn mở rộng không gian trưng bày, giới thiệu lịch sử, văn hóa phục vụ công chúng, nhất là giới trẻ nhân những sự kiện chính trị, xã hội của tỉnh. Hàng nghìn tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày như những câu chuyện ấn tượng và sinh động trong không gian của Bảo tàng tỉnh đã góp phần thu hút hàng chục nghìn lượt học sinh, sinh viên và người dân trong và ngoài tỉnh tới tham quan, trải nghiệm mỗi năm.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363840-giao-duc-y-thuc-bao-ton-di-san-van-hoa-cho-the-he-tre