Giáo dục Thủ đô: Nhiều thành tựu sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc. Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư; khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các quận, huyện, thị xã được rút ngắn…

Những kết quả đáng ghi nhận

Theo ghi nhận, ngay sau khi hợp nhất, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tăng cường đầu tư đủ các danh mục thiết bị phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Công tác thư viện trường học được quan tâm, đầu tư và hoạt động có hiệu quả. Chương trình chiếu sáng học đường, vệ sinh nước sạch đã được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Quy mô giáo dục Hà Nội có bước phát triển mạnh. Năm học 2022 - 2023, toàn Thành phố có 2.840 đơn vị trường học với gần 2,2 triệu học sinh và gần 123 nghìn giáo viên. Hiện nay, Thành phố đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, quy mô giáo dục Hà Nội có bước phát triển mạnh.

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, quy mô giáo dục Hà Nội có bước phát triển mạnh.

Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Diện mạo các nhà trường ngày càng thay đổi, rút ngắn khoảng cách về cơ sở vật chất giữa các trường trong toàn Thành phố. Từ thực tế đó, mỗi người dân Thủ đô đều có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa Hà Nội trước thời điểm chưa mở rộng và Hà Nội hôm nay. Dễ thấy nhất chính là sự “thay da đổi thịt” ở những trường học vùng ngoại thành bởi dường như trường lớp khang trang, sạch đẹp và đầy đủ tiện nghi hơn.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Chất lượng GD&ĐT tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở cấp học, bậc học mang lại kết quả nhất định. Học sinh Thủ đô liên tục đạt thành tích cao, ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế.

Công tác phổ cập giáo dục đạt được nhiều thành tựu. Công tác giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục được quan tâm. Nội dung giáo dục văn hóa địa phương trong dạy học ở các trường phổ thông Hà Nội, nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo được thực hiện hiệu quả trong toàn ngành.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố để có nhiều giải pháp ổn định công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, phân tuyến hợp lý. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GD&ĐT có nhiều tiến bộ. Chỉ số cải cách hành chính của Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí trong top 10 sở, ngành, cơ quan thuộc Thành phố. Đặc biệt, Sở đã thành lập Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố.

Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.

15 năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội luôn tăng cường công tác thanh, kiểm tra và giám sát nhằm hạn chế tình trạng trì trệ, hoạt động kém hiệu quả, kịp thời tôn vinh người tốt, việc tốt trong ngành. Song song với đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích đa dạng hóa loại hình trường học mới, chương trình giảng dạy mới theo hướng hội nhập quốc tế; tham mưu ban hành các cơ chế khuyến khích xã hội hóa, tạo công bằng trong giáo dục giữa công lập và ngoài công lập.

Rút ngắn khoảng cách nội thành - ngoại thành

Ghi nhận tại huyện Ba Vì, đến nay, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, quy mô giáo dục của huyện đã có sự thay đổi thay đổi, phát triển rõ rệt cả về “lượng và chất”. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, hiện tại, toàn huyện có 120 trường từ cấp Mầm non đến Trung học phổ thông (42 trường Mầm non, 34 trường Tiểu học, 35 trường Trung học cơ sở, 8 trường Trung học phổ thông và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) với 2.358 lớp và 76.359 học sinh, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.

Cơ sở vật chất trường học ngày càng được quan tâm, đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Các trường học xây dựng đều tuân thủ theo đúng quy hoạch được duyệt. Công tác quy hoạch trường lớp được quan tâm. Toàn huyện có 32 trường được mở rộng diện tích, 17 trường được quy hoạch ra khu đất mới. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo 3 trường (Trường Mầm non Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ, Tiểu học Tây Đằng B và Trung học cơ sở Tản Đà) xây dựng Đề án trường chất lượng cao theo kế hoạch của Thành phố. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên dần phù hợp với trình độ đào tạo, vị trí việc làm, cơ bản đáp ứng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức khảo sát phân loại đối tượng học sinh ngay từ đầu năm học, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các đối tượng học sinh. Cùng đó tham mưu Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các trường Trung học cơ sở thực hiện chương trình “Hợp tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Ba Vì”.

Giáo dục huyện Ba Vì đã có sự rút ngắn khoảng cách với các quận nội thành.

Giáo dục huyện Ba Vì đã có sự rút ngắn khoảng cách với các quận nội thành.

Hưởng ứng phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” do Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhanh chóng xây dựng kế hoạch kết nối với các đơn vị bạn là quận Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Đây là các đơn vị thuộc quận lõi của Thành phố, có chất lượng giáo dục khá cao nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với các trường và học sinh ở địa bàn Ba Vì còn khó khăn. Các đơn vị đặc biệt quan tâm tới việc phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để cùng nhau triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức các chuyên đề xây dựng “Trường học Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ưu tiên đầu tư cho những trường học còn khó khăn.

Tại đây, các thầy cô giáo được chia sẻ, giao lưu, học tập kinh nghiệm, mô hình mới, giải pháp hiệu quả trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các nhà trường. Đặc biệt, các cán bộ, giáo viên đã tập trung trao đổi kinh nghiệm việc nâng cao chất lượng giáo dục trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chỉ ra vấn đề khó, còn vướng để cùng tìm ra giải pháp trên tinh thần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết, từ đó rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng giáo dục, đem lại những điều tốt nhất cho học sinh.

Tương tự, tại huyện Mê Linh, theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Văn Hậu, ngay từ khi được sáp nhập về Hà Nội đến hết 2022, huyện đã tập trung đầu tư mở rộng quỹ đất, xây dựng bổ sung cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường trực thuộc huyện với tổng mức kinh phí là trên 2.500 tỷ đồng. Diện tích đất đã mở rộng cho các nhà trường là 151.040,4m2, xây mới 620 phòng học, 364 phòng học bộ môn/thực hành, 35 nhà giáo dục thể chất.

“Hiện nay, toàn huyện đã triển khai xong quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho tất cả các trường từ Mầm non đến Trung học cơ sở. Trên cơ sở quy hoạch triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch đã duyệt”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.

Qua những thành tích đó, có thể thấy, việc mở rộng địa giới hành chính vừa đảm bảo không gian cho Hà Nội phát triển bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như trong tương lai lâu dài, vừa tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm đa chức năng. Hành trang mang theo của ngành GD&ĐT Hà Nội hôm nay đã khác rất nhiều so với 15 năm trước. Tuy nhiên với vị trí là Thủ đô của cả nước, đòi hỏi ngành cần có sự cố gắng, nỗ lực lớn hơn nữa của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh để đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới của Thủ đô.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giao-duc-thu-do-nhieu-thanh-tuu-sau-15-nam-mo-rong-dia-gioi-hanh-chinh-158314.html