Giáo dục STEM góp phần nâng cao hiệu quả chương trình GDPT 2018

Hàng trăm giáo viên Hà Nội đã trao đổi, thảo luận về kết quả bước đầu của giáo dục STEM trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình GDPT 2018.

Quang cảnh hội thảo

Ngày 30/3, diễn ra Hội thảo "Thiết kế bài giảng STEM theo hướng nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình GDPT 2018". Hội thảo là hoạt động điểm của cấp Tiểu học ngành GD&ĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) do Trường Tiểu học Vĩnh Hưng đăng cai tổ chức với sự tham dự của đại diện Ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán của 23 trường Tiểu học trên địa bàn quận.

Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện một số trường Tiểu học trên địa bàn huyện Ứng Hòa, đơn vị kết nghĩa với quận Hoàng Mai trong phong trào Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm.

Cô Bùi Thị Thanh Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Hưng cho biết: Từ đầu năm học, Trường Tiểu học Vĩnh Hưng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số và giáo dục STEM theo định hướng giáo dục thông minh.

Là năm đầu tiên thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường, các thầy cô đã rất tích cực chủ động tìm hiểu chương trình, lựa chọn bài học STEM và thiết kế thực hiện các tiết dạy STEM.

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy tham luận tại hội thảo.

Cô Nguyễn Phương Thảo tham luận tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, cô Nguyễn Thị Bích Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, tổ trưởng khối 1 chia sẻ: Việc tổ chức giáo dục STEM trong nhà trường có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả thực hiện Chương trình GDPT 2018. Do vậy, giáo viên cần xác định rõ tầm quan trọng của nội dung này để thực hiện.

Từ những kinh nghiệm khi thực hiện thiết kế bài dạy STEM, cô Thủy cho rằng nội dung hoạt động trải nghiệm STEM được lựa chọn phải gắn với việc thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục, tạo hứng thú và động lực học tập nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Bài học STEM nên được trao đổi trong khối để có những quy trình dạy học hợp lý và phù hợp với trang thiết bị hiện có. Hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM cần phong phú, đa dạng, lôi cuốn học sinh vào hoạt động tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong thực tiễn xã hội, khoa học và công nghệ.

Hội thảo có sự tham dự của hàng trăm giáo viên tiểu học trên địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Ứng Hòa.

Các đại biểu dự hội thảo.

Để thực hiện thành công các bài giảng, giáo viên chuẩn bị chu đáo kế hoạch dạy học cho mỗi bài học STEM. Hình thức tổ chức dạy học cho học sinh cần quan tâm vào hoạt động kiến tạo, tăng cường hoạt động nhóm giúp học sinh tự chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Hình thức tổ chức bài học STEM có thể linh hoạt, kết hợp các hoạt động trong và ngoài lớp học.

Thực hành là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả của giáo dục STEM. Muốn hiểu và học tốt được STEM, học sinh cần vận dụng các kiến thức học được vào thực tế. Chính vì vậy, nhà trường và giáo viên cần chú trọng vào chương trình giảng dạy để học sinh có thể được trải nghiệm thực hành một cách có hiệu quả nhất.

Giáo viên trình bày kiến tham luận tại hội thảo.

TS Trần Thúy Ngà - Chuyên gia giáo dục STEM đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trao đổi tại hội thảo.

Trong khi đó, cô Nguyễn Phương Thảo - giáo viên khối 5 Trường Tiểu học Vĩnh Hưng nhấn mạnh: Giáo dục STEM là nội dung còn khá mới mẻ. Chính vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã luôn đồng hành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của giáo viên trong quá trình thực hiện và có biện pháp hỗ trợ, động viên, khích lệ kịp thời tới các giáo viên ở các tổ chuyên môn.

Từ đầu năm học, mỗi tổ khối chuyên môn đã tổ chức thành công 2 tiết dạy chuyên đề STEM và từ 6 tiết dạy STEM trở lên ở mỗi học kì. Từ đó, đưa ra những đề xuất và có những cách làm hay, sáng tạo trong quá trình thực hiện để chia sẻ và lan tỏa tới các tổ chuyên môn trong nhà trường.

Tại hội thảo, đại diện các nhà trường đã trao đổi, thảo luận, nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dạy học STEM. Những ý kiến đã được TS. Trần Thúy Ngà - Chuyên gia giáo dục STEM đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trao đổi, giải đáp như: Xây dựng kế hoạch giáo dục STEM; xây dựng chủ đề STEM trong hoạt động trải nghiệm STEM; đánh giá các sản phẩm STEM...

Bà Bùi Thị Nhàn, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho rằng Hội thảo được tổ chức thành công đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM và năng lực quản lý, thực hiện giáo dục STEM trong chương trình GDPT 2018 cấp Tiểu học, Ngành GD&ĐT quận Hoàng Mai.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-stem-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-chuong-trinh-gdpt-2018-post677435.html