Giáo dục Malaysia: Không ai bị bỏ lại phía sau

Trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày Nhà giáo Malaysia vào ngày 16/5, Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin khẳng định, khái niệm học tập không nên bị giới hạn trong bốn bức tường của một căn phòng.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin.

Thay vào đó, học tập phải dành cho mọi người, phù hợp với mọi thời điểm hay hoàn cảnh.

Về vấn đề này, Thủ tướng Muhyiddin yêu cầu Bộ Giáo dục Malaysia phải tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà giáo dục, phụ huynh và học sinh để cải thiện PdP, phương pháp dạy học phát triển năng lực cá nhân. Từ đó, nhằm bảo đảm không học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình học tập.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công Malaysia một năm trước, chương trình PdP đã phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp giảng dạy trực tuyến. Giáo viên phải làm quen với các ứng dụng kỹ thuật số để giúp học sinh hoàn thành tiến độ học trong hoàn cảnh mới.

Thủ tướng Muhyiddin nhận xét: “Những thay đổi đang diễn ra chứng minh rằng khái niệm học tập không nên bị giới hạn. Trong thực tiễn, dịch vụ ảo đang dần được mở rộng. Dù giáo viên phải đối mặt với nhiều thách thức khi dạy học qua Internet.

Nhưng khi tài liệu dạy và học tại nhà được triển khai, tôi đã chứng kiến nhiều giáo viên hoàn thành tốt chương trình PdP bằng các phương pháp hiện đại, bắt nhịp xu hướng công nghệ. Học sinh của họ vì vậy không bị tụt lại phía sau. Tôi chúc mừng các thầy cô vì đã nỗ lực và không ngừng đổi mới”.

Làn sóng toàn cầu hóa đã hình thành hướng đi mới trong lĩnh vực giáo dục. Giờ đây, các nhà giáo dục có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy để vừa bảo đảm cho học sinh phát triển năng lực cá nhân, vừa đáp ứng đổi thay về mặt công nghệ.

Ông Muhyiddin cho biết, triển khai giáo dục kỹ thuật số nằm trong Kế hoạch Phát triển Giáo dục Malaysia giai đoạn 2013 - 2025. Malaysia đang và sẽ xây dựng phương pháp học tập điện tử, hay còn gọi là dạy học dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông.

Để làm được điều này, Thủ tướng Muhyiddin đề nghị: “Giáo viên phải tâm niệm rằng vũ trụ là lớp học suốt đời của con em chúng ta. Điều này đòi hỏi giáo viên phải nuôi dưỡng những học sinh văn minh, xuất sắc và hiếu học.

Các em không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường việc làm hiện nay mà cần sẵn sàng trở thành thành viên của một xã hội đạo đức, văn minh và có khả năng cạnh tranh toàn cầu”.

Nhằm giúp đỡ giáo viên, nhà trường thực hiện những mục tiêu trên, chính phủ cũng sẽ cam kết để mọi học sinh có thể tiếp cận môi trường giáo dục phù hợp, kể cả học sinh có nhu cầu đặc biệt hay trẻ vô gia cư. Trong thời gian tới, chính phủ sẽ tập trung vào việc giảm tỷ lệ bỏ học trong các nhóm này, bảo đảm các em được học tập như bạn bè đồng trang lứa.

Cũng trong lễ kỷ niệm năm nay, nhiều thầy cô giáo đã chia sẻ cảm xúc sau một năm dạy học đầy biến động. Aidelle Pang, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo New Sun Moon, Bangsar, cho biết đại dịch khiến nhiều trẻ em không thể nắm bắt những kỹ năng cơ bản cần thiết trong cuộc sống.

Về lâu dài, các em có thể mất tương tác xã hội, kỹ năng cần thiết để phát triển trong tương lai. Trong thời gian tới, thách thức đặt ra cho thầy cô giáo là phải giảm thiểu nhiều nhất ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng giáo dục trong một năm qua lên học tập và phát triển của học sinh.

Goh Lim Thye, giảng viên Khoa Kinh tế tại Trường Đại học Malaysia, đề nghị giáo viên cần tìm ra cách tiếp cận cởi mở, sáng tạo hơn nhằm thu hút sự chú ý của học sinh. Bên cạnh giảng dạy, thầy cô phải liên tục đánh giá kết quả học tập của học sinh để tìm ra phương pháp truyền thụ kiến thức hiệu quả nhất.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/giao-duc-malaysia-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-AGOqaz3GR.html