Giáo dục chủ quyền biển, đảo trong học đường

Nhận thức được tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam, các trường học trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã chú trọng triển khai có hiệu quả việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về chủ quyền biển, đảo, giúp học sinh nâng cao hiểu biết, tự hào và có trách nhiệm đối với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giáo viên Trường THCS Văn Khúc giới thiệu cho học sinh về chủ quyền biển, đảo trên cột mốc mô phỏng.

Trường THCS Văn Khúc là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo cho học sinh. Ngay khi bước vào sân trường, chúng tôi đã nhìn thấy mô hình quần đảo Trường Sa ở vị trí trung tâm với lá cờ Tổ quốc đỏ rực. Mô hình được xây dựng với cột mốc chủ quyền, ghi rõ vĩ độ, kinh độ. Trước cột mốc là bản đồ đất nước, dải đất hình chữ S uốn lượn thể hiện lãnh thổ Việt Nam. Tất cả tạo nên tổng thể toàn vẹn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Thịnh-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 341 học sinh với 9 lớp học. Những năm qua, nhà trường đặc biệt quan tâm đưa việc tuyên truyền biển, đảo vào chương trình học tập của học sinh bằng nhiều hình thức như: Tổ chức ngoại khóa, các cuộc thi, thông qua các tiết học Địa lý, Lịch sử, Văn học… qua đó bồi đắp thêm tình yêu biển, đảo cho học sinh, giúp các em có thêm kiến thức về tiềm năng biển, đảo; khơi dậy trong các em tình yêu và trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Để nâng cao hiệu quả giáo dục về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Phòng GD&ĐT và Huyện đoàn Cẩm Khê đã chỉ đạo Đoàn các xã, thị trấn phối hợp với các trường học xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa tại các trường học. Các công trình đã được hoàn thành trong tháng 3/2021 chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tại 24 xã, thị trấn của huyện Cẩm Khê đã xây dựng được 26 mô hình cột mốc tại các trường tiểu học hoặc trung học cơ sở. Hoạt động xây dựng mô hình cột mốc quần đảo Trường Sa được tuyên truyền rộng rãi, nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các nhà trường; cán bộ, lãnh đạo và nhân dân các xã, thị trấn bằng ngày công lao động, tiền mặt, nguyên vật liệu, trị giá trên 500 triệu đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vận động xã hội hóa.

Bà Đặng Thị Hồng Tâm- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê cho biết “Nhằm tăng cường giáo dục tình yêu biển, đảo cho các em học sinh, thời gian tới, huyện Cẩm Khê sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo không chỉ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện mà còn lan tỏa ý thức, trách nhiệm giáo dục về chủ quyền biển, đảo cho thế hệ trẻ, các tầng lớp nhân dân trong huyện”.

Việc giáo dục học sinh các kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là việc làm có ý nghĩa thiết thực và cần được phát huy, nhân rộng, góp phần giúp học sinh hiểu được sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo và có nhận thức đúng về biển, đảo. Đồng thời, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, biển, đảo cho các em; nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của đất nước.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202202/giao-duc-chu-quyen-bien-dao-trong-hoc-duong-182831