Giáo dân Công giáo thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

Những năm qua, huyện Tiền Hải (Thái Bình) làm tốt vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có các HTX của người theo đạo Công giáo đã tích cực liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho thành viên và giáo dân, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo thống kê, huyện Tiền Hải hiện phổ biến hai tôn giáo là Phật giáo và Công Giáo. Trong đó, số người dân theo đạo Công giáo có trên 48.000 người, ở địa bàn 24/32 xã, thị trấn, chiếm 22,3% dân số của huyện, bằng 1/3 số giáo dân trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, huyện còn có 76 xứ, họ, 76 nhà thờ, 1 đền khấn, 2 nhà phước, 34 vị Linh mục.

Người Công giáo làm kinh tế

Suốt thời gian qua, để giúp người dân theo đạo Công giáo sống tốt đời đẹp đạo, các cấp chính quyền huyên Tiền Hải luôn thấm nhuần tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng đó là: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam. Đồng bào tôn giáo cũng là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.

Chính vì vậy mà giáo dân ở Tiền Hải luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Những người theo đạo Công giáo ở Tiền Hải còn tham gia thực hiện tốt các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người Công giáo kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo”, “Xây dựng nông thôn mới”… Từ đó tạo động lực để mọi người dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Người Công giáo ở Tiền Hải chiếm 1/3 giáo dân trên toàn tỉnh Thái Bình.

Người Công giáo ở Tiền Hải chiếm 1/3 giáo dân trên toàn tỉnh Thái Bình.

Chẳng hạn như tại xã Nam Trung, nhờ có HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Trung và nắm vững tinh thần sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Kính Chúa, yêu nước”, bà con giáo dân ở đây đã đoàn kết lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng.

Với vai trò hỗ trợ người dân phát triển sản xuất kinh doanh, HTX Nam Trung đã cùng lãnh đạo địa phương phối hợp chặt chẽ với các giáo họ đạo, đặc biệt là những giáo dân đang là đảng viên, người có uy tín trong đồng bào Công giáo để tuyên truyền, hướng dẫn bà con Công giáo phát triển kinh tế hàng hóa.

Chính vì vậy mà bà con giáo dân xã Nam Trung đã mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây con giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; tập trung phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp, kinh doanh, dịch vụ...

Để giúp giáo dân có điều kiện tốt về vốn, kiến thức nhằm phát triển sản xuất, HTX Nam Trung đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng cho thành viên, người dân vay vốn từ các ngân hàng và Quỹ hỗ trợ để phát triển kinh tế.

Từ việc hỗ trợ về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, HTX đã cùng bà con giáo dân phát triển những mô hình về trồng rau an toàn, nuôi lợn sạch an toàn không dùng chất cấm, nuôi tôm thẻ không dùng hóa chất... HTX cũng xây dựng được cánh đồng mẫu lớn chuyên sản xuất lúa giống, lúa sạch an toàn chất lượng cao và hỗ trợ đồng bào Công giáo tiêu thụ theo hợp đồng.

Tiêu biểu như giáo dân Trương Văn Chỉ, nhờ HTX Nam Trung hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra, giáo dân này đã nỗ lực phát triển kinh tế, mở rộng nuôi trồng thủy sản từ việc thuê vùng bãi xã Nam Thịnh để nuôi ngao. 3ha nuôi ngao của gia đình ông Chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập từ 400 - 600 triệu đồng.

Khi kinh tế và thu nhập được ổn định, đồng bào Công Giáo xã Nam Trung lại tích cực tham gia phát triển giáo hạt như: đóng góp tiền xây dựng nhà thờ, đóng góp ngày công, đất nông nghiệp góp phần chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất; tự nguyện giải phóng mặt bằng, tham gia hàng nghìn ngày công xây dựng tuyến đường bê tông… góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo thống kê, Nam Trung có trên 3.100 hộ, 13.445 khẩu, số đồng bào Công giáo chiếm 70% dân số. Nhưng nhờ tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đời sống giáo dân nơi đây ngày càng phồn thịnh. Nhiều gia đình Công giáo tiêu biểu ở Nam Trung đã thành công trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng động trong kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống và làm giàu cho xã hội.

Chấp hành pháp luật

Không chỉ ở Nam Trung mà đồng bào công giáo ở nhiều địa phương khác trong huyện như xã Nam Thắng, xã Đông Quý… đều không ngừng học hỏi, đổi mới trong sản xuất, làm kinh tế và tích cực rèn luyện, giữ gìn khối đoàn kết lương giáo.

Chính vì vậy mà khối Công giáo trên địa bàn huyện Tiền Hải luôn tạo sự đồng thuận, phấn khởi, tin tưởng đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa phương.

Là một trong những xã có đông đồng bào Công giáo sinh sống, xã Nam Thắng thời gian qua không ngừng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt người Công giáo Nam Thắng đã từng bước phát triển thế mạnh địa phương là sản xuất lúa hàng hóa trên quy mô lớn. Trong mô hình này, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nam Thắng đã đóng vai trò liên kết người dân, giáo dân trong xã với doanh nghiệp là là tập đoàn ThaiBinh Seed hình thành chuỗi giá trị bền vững.

 Xã Vân Trường, huyện Tiền Hải ngày càng khang trang nhờ giáo dân vừa tham gia phát triển tôn giáo vừa làm kinh tế hàng hóa.

Xã Vân Trường, huyện Tiền Hải ngày càng khang trang nhờ giáo dân vừa tham gia phát triển tôn giáo vừa làm kinh tế hàng hóa.

Ông Trần Văn Thao, Giám đốc HTX Nam Thắng cho biết, người dân và giáo dân trong xã đã được tiếp cận quy trình kỹ thuật trồng lúa giống do doanh nghiệp phổ biến, hỗ trợ nên đến nay, mô hình sản xuất này đã không ngừng mở rộng diện tích từ 20 lên 100ha.

Dựa vào giá thị trường trước thời điểm thu mua, mức lúa giống của giáo dân, thành viên HTX bán cho doanh nghiệp luôn cao hơn lúa thường 1,3 lần. Chính vì vậy, ngoài các công việc bên giáo đường, đồng bào Công giáo còn tích cực ra đồng, ứng dụng kỹ thuật, thay đổi tư duy sản xuất. Ngoài ra, các hộ nông dân, giáo dân còn được HTX cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm.

Ngoài phát triển kinh tế, giáo dân ở huyện Tiền Hải còn tích cực tham gia các phong trào như “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”,“Đền ơn đáp nghĩa”, tham gia làm từ thiện, giúp đỡ người dân vùng lũ miền Trung, tham gia ủng hộ người nghèo…

Điển hình như các vị linh mục, bà con Giáo xứ Thanh Châu, Châu Nhai (xã Nam Thanh) mỗi năm đều dành số tiền từ 60 - 90 triệu đồng mua quà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo nhân ngày lễ, tết.

Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện có 24 xứ, họ giáo đạt danh hiệu “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”, trong đó nhiều xứ, họ giáo giữ vững danh hiệu nhiều năm liền như họ giáo Hưng Long (xã Đông Long), họ giáo Cam Lai (xã Đông Cơ), họ giáo Phương Trạch (xã Phương Công)...

Để nâng cao hiệu quả của các phong trào này, các các linh mục, chủ tịch hội đồng các xứ, họ giáo đã kết hợp chặt chẽ với Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ Quốc để tuyên truyền, vận động bà con giáo dân thực hiện nghiêm túc các quy định, các phong trào.

Ngay như việc nghiêm cấm sử dụng pháo nổ của Nhà nước, bà con Công giáo cũng như các giáo xứ ở Tiền Hải thực hiện rất nghiêm túc vào hiệu quả. Có được điều này là các giáo xứ đã chấp hành tốt Pháp lệnh số 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cũng như chấp hành Nghị định số 36 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Đưa nhiều xã về đích nông thôn mới

Có thể thấy rằng, thời gian qua, người Công giáo tại Tiền Hải đã sớm khẳng định sự gắn bó, đồng hành trong phát triển kinh tế văn hóa, xã hội địa phương.

Các phong trào thi đua yêu nước như xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... của huyện đều có sự đóng góp tích cực của đồng bào Công giáo.

Đặc biệt, để có kết quả cụ thể trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, huyện Tiền Hải cũng đã phải căn cứ vào thực tế tại các giáo xứ để triển khai thành phong trào thi đua xây dựng như “Xứ, họ đạo tiên tiến”, “Giáo họ tự quản về an ninh trật tự”, “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Xứ, họ đạo cùng cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”...

Sự cố gắng của đồng bào Công giáo đã góp phần đưa nhiều xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, từ đó bộ mặt xứ đạo và quê hương khang trang, sạch, đẹp; an ninh trật tự xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người Công giáo được cải thiện và nâng cao. Trong đó đến nay đã có nhiều người Công giáo thu nhập hàng tỷ đồng/năm, đó là những điểm nhấn rất ý nghĩa, góp phần tích cực vào sự phát triển của Tiền Hải.

Huyện Tiền Hải xác định trong những năm tới sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, động viên bà con giáo dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, làm kinh tế, đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương đề ra.

Với truyền thống đồng hành cùng dân tộc của giáo dân, sự quan tâm của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và sự năng động, sáng tạo của các giáo xứ, thời gian tới chắc chắn người Công giáo ở Tiền Hải sẽ có được nhiều thành công trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của huyện.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/giao-dan-cong-giao-thuc-day-tai-co-cau-nong-nghiep-1093606.html