Giành quyền chủ động và minh bạch trong 'sân chơi' thuế tối thiểu toàn cầu

Ngọc Huyền

(KTSG Online) – Xây dựng hệ thống quy định pháp luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, cùng một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản để góp phần triển khai dự án đầu tư nhanh và tận dụng tối đa ưu thế, ưu đãi đầu tư sẵn có là chìa khóa giúp Việt Nam giữ chân các nhà đầu tư lớn giữa “làn sóng” áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Sản xuất của một doanh nghiệp có vốn FDI tại TPHCM. Ảnh: QUỐC HÙNG

Sản xuất của một doanh nghiệp có vốn FDI tại TPHCM. Ảnh: QUỐC HÙNG

Việc Quốc hội quyết định xem xét, thông qua Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV Dự thảo, là bước đi tích cực, thể hiện rõ thông điệp của Việt Nam về việc sẽ bắt đầu thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ 1-1-2024.

Với mức thuế suất là 15%, áp dụng với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu đô la Mỹ – PV) trở lên trong hai của 4 năm liền kề nhất thì các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, qua đó ngân sách ước thu được hơn 14.600 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, vốn hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Bối cảnh ưu đãi thuế không còn tác dụng đây cũng là lúc để Chính phủ và các cơ quan quản lý cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch hơn, tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế.

Giành quyền chủ động trong “cuộc chơi” mang tính toàn cầu

Ngay từ khi có thông tin về việc nhiều quốc gia, trong đó có nhiều đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc… quyết định thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã nêu quan điểm rằng đây chính là “cuộc chơi” toàn cầu không thể né tránh. Để ứng phó, Việt Nam nên chủ động giành quyền đánh thuế bổ sung.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho biết lợi ích đầu tiên khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam sẽ thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu.

Mặt khác, việc áp dụng chính sách sẽ đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế, môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với xu thế chung của thế giới, trong khi vẫn giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Còn đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết việc kịp thời ban hành Nghị quyết này trong bối cảnh chưa sửa được Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

“Việc ban hành Nghị quyết kịp thời cũng là một hình thức giúp các quốc gia thành viên OECD giữ chân được các nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho chính nước của họ, qua đó, Việt Nam cũng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế”, ông Huân nói tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 20-11.

Trước đó, tại một hội thảo, ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc áp dụng Cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác, qua đó bảo vệ nguồn thu thuế.

Thực tế, trong Dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình Quốc hội, phương án thực hiện QDMTT cũng đã được đề xuất. Đây cũng là giải pháp mà mốt số quốc gia như Hồng Kông, Singapore, Malaysia… đang cân nhắc và nhiều khả năng sẽ áp dụng, trong trường hợp thỏa thuận về thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu được thực hiện từ đầu năm 2024.

Bài toán giữ chân “đại bàng” và tạo nguồn thu bền vững

Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư mới, song hành với việc ban hành nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, vì thế là vô cùng cần thiết và quan trọng. Nhiều đại biểu Quốc hội còn cho rằng, không nên ban hành riêng lẻ nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, mà cần sớm ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ bổ sung để giữ chân các nhà đầu tư cũ, tránh hệ lụy nếu các nhà đầu tư này rời khỏi Việt Nam.

Tin mừng là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, khi phát biểu kết luận phần thảo luận tại nghị trường xoay quanh Dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất sẽ báo cáo Quốc hội nội dung về ưu đãi đầu tư trong kỳ họp này, đồng thời sẽ thể hiện vào nghị quyết chung của kỳ họp. Các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ xây dựng một nghị định phù hợp với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực cần được ưu đãi với những chính sách phù hợp.

Đây là động thái tích cực, là bước đi quan trọng và cần thiết, thể hiện quyết tâm lớn của Việt Nam trong việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, cũng như trong tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi và công bằng.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lưu ý việc cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để Việt Nam ứng phó với tác động tiêu cực và tận dụng cơ hội của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu trong ngắn và dài hạn.

Theo ông, muốn thu hút đầu tư, Việt Nam phải có môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác. Vì vậy, cần thực thi quyết liệt, hiệu quả hơn các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh; bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giúp giảm chi phí gánh nặng về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật minh bạch và ít rủi ro hơn; qua đó, tăng tính hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.

Vị này cũng cho rằng cơ quan quản lý cần thận trọng, bình tĩnh trong việc đưa ra các chính sách, cơ chế ưu đãi. Trước hết, cần rà soát toàn bộ hệ thống thuế, đồng thời tính đến chính sách thuế dài hạn hơn trong mục tiêu chung là chống xói mòn cơ sở thuế và chống chuyển lợi nhuận. Với trường hợp cần thiết, có thể cân nhắc ưu đãi dựa trên chi phí mà OECD đang khuyến nghị.

“Phương án ưu đãi dựa trên chi phí có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép, vừa hạn chế được tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, vừa giúp thu hút đầu tư có chọn lọc”, ông Hiếu phân tích.

Còn đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho biết địa phương nơi ông đang giữ vai trò đại biểu đứng thứ tư cả nước về thu hút vốn FDI tính tới hết quí 3-2023. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia vẫn tìm đến tỉnh Bắc Giang để đầu tư do chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu không phải là chính sách mới và họ đã tiếp cận được chính sách này từ sớm.

“Qua tìm hiểu cho thấy các doanh nghiệp không quá băn khoăn, bởi đây là yêu cầu chung mà OECD”, ông Thịnh nói và cho rằng các nhà đầu tư sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn bởi Nghị quyết.

Vị đại biểu này cho rằng vấn đề khiến doanh nghiệp quan tâm là sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền đối với doanh nghiệp, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể.

Để bảo đảm tính đồng bộ khi áp dụng chính sách ưu đãi, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) lưu ý khoản 3 Điều 6 dự thảo Nghị quyết quy định “Trường hợp tập đoàn đa quốc gia có nhiều hơn một công ty thành viên nộp thuế tại Việt Nam, thì công ty mẹ tối cao tại nước ngoài có văn bản thông báo chỉ định một trong những công ty thành viên tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu; trường hợp tập đoàn đa quốc gia không thông báo chỉ định công ty thành viên tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ chỉ định”.

Quy định này, theo quan điểm của ông Trần Tuấn Anh, là đúng đắn. Tuy nhiên, cần có những nguyên tắc để chỉ định vì nếu hai công ty thành viên ở hai địa phương khác nhau, mà cơ quan thuế chỉ định doanh nghiệp ở một địa phương đóng, thì vô hình chung làm cho môi trường đầu tư của địa phương đó không được tốt như địa phương còn lại.

“Chính phủ cần hướng dẫn rõ điều này để bảo đảm nguyên tắc chỉ định sao cho thật bình đẳng, công bằng giữa 63 tỉnh, thành phố”, đại biểu Tuấn Anh khuyến nghị.

Với các “đại bàng” công nghệ, tức nhà đầu tư công nghệ cao, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng về giao thông để góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp, bên cạnh việc đầu tư nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội quốc gia.

Ngoài ra, cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế xanh.

Về hỗ trợ thủ tục hành chính, ông Ngân đề nghị nên học tập kinh nghiệm một số quốc gia.

“Người ta có một bộ phận chỉ lo các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nước ngoài họ đến, họ chỉ nói về dự án đầu tư, còn lại tất cả các thủ tục xin phép là tổ chức này lo hết miễn phí. Vì vậy, ta nên có một đầu mối đứng ra làm các thủ tục này cho các nhà đầu tư nước ngoài”, đại biểu Ngân nói.

Từ thực tế doanh nghiệp, Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, cho biết nhóm khách hàng tới từ Singapore, Đài Loan, Trung Quốc – nhóm khách hàng nói tiếng Hoa – gặp không ít khó khăn do cách giải thích, áp dụng chính sách pháp luật thiếu đồng nhất giữa các địa phương.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp nước có thể dễ dàng thành lập một doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư trị giá 250 triệu đô la ở Hải Phòng, nhưng không thể triển khai một dự án trị giá 200.000 đô la ở Hà Nội do hồ sơ đăng ký đầu tư ‘chưa đầy đủ’.

Ngoài ra, việc giải thích, áp dụng quy định về kiểm tra – giám sát hải quan, thuế và đăng ký thành lập doanh nghiệp chế xuất cũng có sự khác biệt giữa các địa phương. Chẳng hạn, việc cung cấp điện cho doanh nghiệp chế xuất, Bên B (doanh nghiệp chế xuất – PV) được hưởng chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng 0% thì Bên A (đơn vị cung cấp dịch vụ) sẽ hoàn toàn ủng hộ và thực hiện theo quy định của pháp luật, nhưng với điều kiện phải có văn bản của cơ quan thuế xác nhận Bên B được hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng 0% và gửi cho Bên A làm có cơ sở pháp lý xuất hóa đơn 0% quyết toán thuế với cơ quan quản lý thuế nhà nước Việt Nam

Điều này, theo Luật sư Thành, khiến không ít doanh nghiệp đặt ra câu hỏi về tính an toàn pháp lý khi đầu tư tại Việt Nam.

Vị này cũng đưa ra một số nguyên tắc ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài, gồm: quy định pháp luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, chỉ có một cách hiểu, áp dụng thống nhất; thủ tục đơn giản; triển khai dự án đầu tư nhanh, tận dụng ưu thế, ưu đãi đầu tư của Việt Nam; khi phát sinh tranh chấp cần có phương thức giải quyết minh bạch, nhanh chóng.

Theo ông Thành, Đài Loan – một trong 10 nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam – đã thành lập 14 hiệp hội thương gia Đài Loan ở Việt Nam và thường xuyên tổ chức họp, để thảo luận về cách ứng xử của cơ quan quản lý Nhà nước, nhà phát triển KCN, nhà thầu với nhà đầu tư.

“Chỉ một dẫn chứng về lối ứng xử chưa tốt sẽ lan truyền khắp nơi, không chỉ tới cộng đồng doanh nhân nói tiếng Hoa ở Việt Nam, mà là khắp thế giới. Ngược lại, khi các cơ quan của Việt Nam ứng xử tốt thì ‘tiếng thơm’ cũng lan truyền khắp thế giới”, ông Thành lưu ý.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gianh-quyen-chu-dong-va-minh-bach-trong-san-choi-thue-toi-thieu-toan-cau/