Giáng Đông - Chứng tích tội ác còn lưu...

75 năm qua, kể từ ngày thực dân Pháp gây ra vụ thảm sát, người dân thôn Giáng Đông (xã Hòa Châu, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã vượt qua ám ảnh kinh hoàng của quá khứ đau thương, cùng hướng về tương lai, về cuộc sống thanh bình, no ấm. Hằng năm, cứ đến ngày này, thân nhân các nạn nhân trong vụ thảm sát cùng nhau thắp hương cầu nguyện và tâm niệm về hậu quả khốc liệt của chiến tranh, sự vô giá của hòa bình.

Bia tưởng niệm “Chứng tích tội ác tại Giáng Đông” được xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa cấp thành phố.

Theo các bậc cao niên, trong thời gian chiếm đóng, giặc Pháp thiết lập một con đường đất qua làng Giáng Đông (nay là tuyến ĐH4) để dễ dàng kiểm soát tình hình; đồng thời vận chuyển, tiếp tế lương thực, đạn dược từ đồn Quá Giáng (xã Hòa Phước, H. Hòa Vang) lên đồn Lệ Sơn (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang). Du kích địa phương đã nhiều lần tổ chức phá hoại nhưng không thành công. Đêm 11-6-1948 (mồng 5 tháng 5 năm Mậu Tý), được dân làng hỗ trợ đào đường, du kích chôn mìn, gài quả nổ sát thương giặc thì trưa hôm sau xảy ra vụ thảm sát…

Bà Nguyễn Thị Xí (85 tuổi) nhớ lại, trong lúc dư âm của Tết Đoan Ngọ vẫn còn quyện lẫn trong từng ngôi nhà, làng mạc, bữa cơm trưa của nhiều gia đình bày ra nhưng chưa kịp ăn thì một trung đội giặc Pháp và tay sai từ đồn Lệ Sơn kéo xuống. Cùng đó, một trung đội khác từ đồn Quá Giáng ngược lên, chia thành nhiều tốp xông thẳng vào các khu nhà. Dân làng hoảng sợ, co cụm vào nhau dưới cái nắng nóng khắc nghiệt. Người già, phụ nữ, trẻ con không kịp chạy trốn đều bị giặc lùa ra khỏi nhà, dồn đến các bụi tre gần mạch nước Cửu Nhung sát hại. Không dừng lại ở đó, bọn chúng còn quay lại làng, tiếp tục bắn phá, đốt cháy nhà cửa, vườn tược…

Hồi nhớ về ký ức đau thương đã qua, đôi mắt của ông Trần Văn Tri (84 tuổi) đỏ hoe. Ông cho biết thêm, lúc đó ông mới 9 tuổi nhưng phải chứng kiến cảnh 13 người thân bị sát hại và chết vì căn bệnh trầm uất. Ông nói, không muốn kể về cái ngày đau thương ấy dù trong tâm trí ông hình ảnh tang thương ấy chưa một ngày thôi nhói buốt. Nước mắt của những người thân còn sống trong vụ thảm sát vẫn mãi rơi. Họ đã mất mát quá nhiều, khiến trái tim họ quặn thắt mỗi khi nhớ về người đã mất. Đêm đó, toàn bộ 126 người bị sát hại được đưa về tập trung tại vạt đất thổ trong nỗi đau uất hận của dân làng. Không còn tre đan quách, không đủ áo quần khâm liệm, mai táng nên nhiều thi hài nằm trơ trọi. Pháo của 2 đồn Lệ Sơn, Quá Giáng nổ không ngớt vào làng và dọc đường khiêng ma. Làng Giáng Đông bao trùm màu tang tóc, nhà ai cũng đều có người bị sát hại. Cũng trong ngày đó, giặc Pháp còn sát hại 40 thường dân vô tội khác ở làng giáp ranh Hà Đông (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).

Và, vạt đất thổ đặt thi hài các nạn nhân trong vụ thảm sát ngày nào, giờ đã trở thành nơi đặt Bia tưởng niệm “Chứng tích tội ác tại Giáng Đông”, đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa cấp thành phố để dân làng cùng chính quyền, đoàn thể địa phương dâng hương nhân ngày giỗ chung với những gia đình có người thân bị sát hại. Giờ đây, khi ôn lại những ngày đau thương đó, họ lại nhắc nhở nhau biến đau thương thành hành động, cùng nhau xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp, góp phần xây dựng nền độc lập vững bền, đấu tranh cho hòa bình nhân loại. Bởi từ sâu thẳm đau thương, họ hiểu hơn ai hết sự tàn khốc của chiến tranh cùng nỗi đau, mất mát mà chiến tranh gây ra; để càng nâng niu hơn giá trị của độc lập, thái bình… “Vết thương ngày cũ vẫn hiện hữu nơi mảnh đất này. Chúng tôi đang cố gắng từng ngày vượt qua nỗi đau để xây dựng, phát triển quê hương. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ người thân, chúng tôi lại nhắc nhở thế hệ con cháu phải ghi nhớ lịch sử chứ không ghi nhớ hận thù, khép lại quá khứ đau thương chớ không lãng quên” - ông Tri tiếp tục trải lòng.

Vy Hậu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/giang-dong-chung-tich-toi-ac-con-luu-post279177.html