Gian nan kế hoạch sử dụng khí hóa lỏng và hydro xanh của EU

Liên minh châu Âu (EU) đang đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng khí đốt hóa lỏng (LNG) trong nỗ lực thay thế khí đốt tự nhiên từ Nga.

Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Liên minh châu Âu (EU) đang đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng khí đốt hóa lỏng (LNG) trong nỗ lực thay thế khí đốt tự nhiên từ Nga. Theo bài phân tích của truyền hình Deutsche Welle (DW) của Đức, điều này có thể dẫn đến "ngõ cụt" - cho cả người đóng thuế và khí hậu.

Theo DW, ngày 5/3, chỉ hơn một tuần sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt cho EU. Trên Twitter bà kêu gọi: "EU phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch". Đồng thời, nhà lãnh đạo này đã ca ngợi Tây Ban Nha là "quốc gia tiên phong với tỷ lệ năng lượng tái tạo và LNG lớn".

Vấn đề trong phát biểu của nhà lãnh đạo EU nằm ở chỗ LNG cũng là một loại nhiên liệu hóa thạch. Nó được hút lên khỏi mặt đất, chiết tách và cuối cùng được đốt cháy theo cách không thân thiện với khí hậu. Vị Chủ tịch EC hoàn toàn hiểu rõ điều này. Tuy nhiên, bà von der Leyen - nhà lãnh đạo từng đề xuất thiết lập Thỏa thuận Xanh châu Âu, theo đó "Lục địa già" được cho là sẽ thoát khỏi việc phát thải khí carbon - lại lẫn lộn chủ đề LNG với chủ đề năng lượng tái tạo.

Kế hoạch tăng cường sử dụng LNG có thể gây tốn kém lớn cho châu Âu, cả về mặt tài chính lẫn sinh thái, vì cơ sở hạ tầng LNG mà châu Âu đang đầu tư hàng tỷ USD xây dựng sẽ sớm trở nên vô dụng hoặc đắt đỏ hơn nhiều nếu EU không muốn làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.

LNG đang bùng nổ và chi phí cao

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất ở EU là Đức, tiếp theo là Italy, Hà Lan, Slovakia và Pháp. Các quốc gia này hiện đang cố gắng thay thế khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga bằng nguồn cung từ các quốc gia khác.

Theo chuyên gia khí đốt Paula Di Mattia Peraire từ Công ty ICIS, từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, lượng khí LNG nhập khẩu vào châu Âu đã tăng 58%. Các quốc gia như Đức, Hy Lạp, Italy, Ireland, Pháp, Hà Lan, Ba Lan đang tích cực mở rộng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận khí LNG.

Chuyên gia Peraire cho biết có rất nhiều khoản đầu tư đang được triển khai ở châu Âu liên quan đến LNG. Nếu tất cả các dự án này (khoảng 15 dự án mới cho đến cuối năm 2024) đi vào hoạt động, công suất cung cấp khí đốt sẽ tăng 70 tỷ m3 mỗi năm.

Một lượng kinh phí đặc biệt lớn đang được "đổ" vào các cảng ven biển, nơi LNG được tiếp nhận và xử lý trở lại ở trạng thái khí trước khi được đưa vào mạng lưới đường ống dẫn. Hiện tại, có quá ít cơ sở tiếp nhận kiểu này, đặc biệt là ở biển Bắc Đức và biển Baltic, để có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt của EU. Tuy nhiên, không chỉ 1 mà còn 2 "nút thắt cổ chai" khác trong nhập khẩu khí lỏng thông qua các cảng biển.

Thứ nhất, để có thể thay thế khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống từ Nga, LNG từ các nguồn khác trước tiên phải được vận chuyển đến châu Âu bằng đội tàu chuyên dụng. Những tàu chở khí LNG này có thể dễ dàng được nhận ra bởi các bể hình cầu đặc trưng, có thể chứa tới 175.000 m3 LNG, tương ứng với 90 triệu m3 khí đốt thông thường ở dạng khí chảy trong đường ống.

Để thay thế 167 tỷ m3 khí đốt hàng năm từ Nga, châu Âu cần khoảng 1.800 chuyến tàu chở LNG như vậy mỗi năm, tức là 5 chuyến một ngày. Theo tính toán của Viện Kinh tế vận tải và logistics của Đức, châu Âu cần có 160 tàu chở LNG mới để có thể đáp ứng được lượng vận chuyển này. Với đơn giá bình quân 220 triệu USD cho mỗi con tàu, tổng số vốn đầu tư cho đội tàu mới trị giá khoảng 35 tỷ USD.

Thứ hai, trong tương lai, LNG sẽ phải đi từ Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan đến Trung và Đông Âu, thay vì từ Đông sang Tây như hiện nay. Tuy nhiên, do các đường ống dẫn khí đường dài chủ yếu là đường một chiều, nên "dòng chảy ngược" chỉ có thể thực hiện ở một mức độ hạn chế. Theo Viện Fraunhofer của Đức, với vai trò trung tâm châu Âu, năng lực vận chuyển khí đốt hiện tại của Đức sẽ phải tăng ít nhất là gấp đôi mới có thể đáp ứng điều này.

Châu Âu đang đối mặt với sự phi lý?

EU đã công bố ý định trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, nước Đức đang hướng tới mục tiêu sớm hơn, năm 2045. Tuy nhiên, nếu EU sử dụng nhiều LNG hơn, lượng khí thải sẽ tăng lên.

Chuyên gia năng lượng Ganna Gladkykh từ Liên minh nghiên cứu năng lượng châu Âu (EERA) cho biết châu Âu đang đối mặt với sự phi lý. Ngay cả Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng cảnh báo không nên đầu tư thêm vào nhiên liệu hóa thạch để có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu. Việc EU "rót" hàng tỷ euro vào cơ sở hạ tầng khí đốt là trái ngược với điều đó. Chuyên gia Gladkykh cho rằng "thật vô nghĩa khi đầu tư vào LNG, đặc biệt là ở châu Âu".

Một giải pháp thay thế đó là sản xuất loại khí xanh, thân thiện với khí hậu. Thay vì nhiên liệu hóa thạch, amoniac xanh và đặc biệt là hydro xanh sẽ được sản xuất trong vài năm tới. Cho tới khi đó, EU muốn tái sử dụng các tàu chở LNG, các cơ sở tiếp nhận và đường ống vận chuyển để tiếp nhận và vận chuyển loại nhiên liệu mới này. Nhưng kế hoạch này bị nhiều người hoài nghi.

Hệ thống đường ống tại trạm OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Hệ thống đường ống tại trạm OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên gia Gladkykh cho rằng nếu nói cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng cho việc vận chuyển và tiếp nhận hydro, thì đây chỉ là những lời mang tính "an ủi dân chúng" mà thôi. Theo chuyên gia Gladkykh, câu chuyện mà các nhà hoạch định chính sách EU đang ra sức thuyết phục là: "Chúng tôi đầu tư vào LNG. Chúng tôi biết rằng đó là nhiên liệu hóa thạch. Nhưng bạn đừng lo lắng, nó sẽ trở nên xanh hơn, bởi vì chúng tôi sẽ thiết lập công nghệ hydro và sau đó chúng tôi sẽ nhận được khí hydro thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng LNG đã được xây dựng".

Theo chuyên gia Rainer Quitzow, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chuyển đổi bền vững của Đức, khí hydro dễ nổ hơn và do đó nguy hiểm hơn nhiều, nên quá trình tiếp nhận và chuyển đổi từ thể lỏng sang thể khí sẽ đòi hỏi các hợp kim và vật liệu khác để lưu trữ so với LNG. Như vậy cần "một khoản đầu tư bổ sung đáng kể" cho quá trình này. Chuyên gia Quitzow cho rằng "việc chuyển từ cơ sở hạ tầng dành cho LNG sang cơ sở hạ tầng dành cho hydro vẫn chưa được giải quyết".

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, chi phí bổ sung để thay thế máy bơm, van điều áp, các trang thiết bị và hệ thống an toàn dành cho hydro có thể bằng 20% chi phí xây dựng nhà máy tiếp nhận LNG. Các tàu chở LNG và thiết bị đầu cuối hiện tại vốn đạt nhiệt độ âm 160 độ C, không thể xử lý hydro lỏng vốn phải được vận chuyển và lưu trữ ở nhiệt độ lạnh hơn nhiều là âm 260 độ C.

Ngoài ra, tất cả khí hydro trước tiên phải được tạo ra một cách bền vững bằng năng lượng gió hoặc năng lượng Mặt Trời ở các quốc gia cung cấp hydro, sau đó mới được vận chuyển đến châu Âu. Vấn đề là các nhà máy điện gió và điện Mặt Trời tại các nước này không thể có đủ công suất để đáp ứng nhu cầu hydro cực lớn của châu Âu.

Chuyên gia Gladkykh chỉ trích chính sách năng lượng của châu Âu, đặc biệt là của Đức. Ông cho rằng xét về tất cả những thách thức, các khoản đầu tư lớn như vậy vào hạ tầng cơ sở khí hóa lỏng LNG là thiếu hợp lý và không hiệu quả.

Chuyên gia Quitzow cũng cho rằng sẽ là rủi ro lớn cho việc đạt các mục tiêu khí hậu nếu tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch như kế hoạch hiện nay. Ông nhận định "một khi hệ thống thiết bị đầu cuối và cơ sở hạ tầng đã được hoàn thành, sẽ rất khó để thoát khỏi chúng vì những hệ thống này đã được đầu tư rất nhiều tiền".

Khí tự nhiên bơm qua đường ống và LNG, loại nào tồi tệ hơn đối với khí hậu?

Về nguyên tắc, việc sản xuất khí tự nhiên thông thường giải phóng ít khí thải hơn so với LNG. Không giống như khí tự nhiên từ Nga chảy qua đường ống dẫn khí sang châu Âu, khí đốt từ Qatar hoặc Mỹ phải được hóa lỏng trước khi được vận chuyển. Để hóa lỏng, khí sẽ được nén bằng áp suất lớn và làm lạnh nhiều lần.

Quá trình này có thể dẫn tới thất thoát từ 8% đến 25% năng lượng do hoạt động của máy nén. Sau đó, LNG được vận chuyển qua đại dương. Quãng đường vận chuyển càng dài thì lượng khí thải carbon sinh ra trong quá trình này càng lớn. Theo tính toán, khí LNG từ Australia vận chuyển đến châu Âu sẽ có "chi phí khí hậu trong quá trình vận chuyển" gấp 5 lần so với khí LNG từ Algeria.

Nga cũng dự định hóa lỏng khí đốt để bán LNG. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp xung đột tại Ukraine kết thúc nhanh chóng, thị phần của Nga trên thị trường khí đốt ở châu Âu có thể sẽ tiếp tục giảm vì những lý do chính trị.

Nga rất có thể sẽ phải đóng cửa các đường ống dẫn khí đốt trị giá hàng tỷ USD sang châu Âu và chuyển sang xây dựng các nhà máy LNG để xuất khẩu LNG sang các nước như Trung Quốc.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ hạn chế khả năng của Nga trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết. Cho tới nay, hầu hết các đối tác phương Tây đã từ bỏ hợp tác với Nga./.

Vũ Tùng (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gian-nan-ke-hoach-su-dung-khi-hoa-long-va-hydro-xanh-cua-eu/272536.html