Gian nan cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu

Dù đã đạt được những kết quả nhất định chống lại 'căn bệnh thế kỷ' từng là đại dịch toàn cầu, song thế giới còn đối mặt với không ít chông gai, trở ngại trên con đường tiến tới thực hiện mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.

39 triệu người đang sống chung với HIV

Chương trình Phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) vừa công bố báo cáo, nội dung báo cáo cho thấy vai trò quan trọng của cộng đồng, cũng như vấn đề thiếu kinh phí và các khó khăn khác đang là rào cản trong việc cứu sống bệnh nhân và chấm dứt căn bệnh AIDS. Báo cáo có tên gọi “Let Communities Lead” công bố trước Ngày quốc tế phong chống HIV/AIDS (1-12) này đã chỉ ra rằng, căn bệnh AIDS có thể được chấm dứt như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, nhưng chỉ khi các cộng đồng ở tuyến đầu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ mà họ cần từ chính phủ và các nhà tài trợ.

 Có đủ tài chính để cung cấp thuốc ARV góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu thanh toán căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vào năm 2030 trên thế giới

Có đủ tài chính để cung cấp thuốc ARV góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu thanh toán căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vào năm 2030 trên thế giới

Có thế thấy, dù đạt được những kết quả đáng kể, nhưng cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu hiện đang phải đối mặt nhiều thách thức. Theo báo cáo của UNAIDS, năm 2022, thế giới có 39 triệu người sống chung với HIV. Năm 2022, có thêm 1,3 triệu người nhiễm HIV mới, giảm 59% so với mức đỉnh điểm năm 1995. Tuy nhiên, vẫn có 630.000 trường hợp tử vong vì các bệnh liên quan AIDS. Đáng lo ngại, những năm gần đây, các khu vực Đông Âu, Trung Á, Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi đều ghi nhận số ca nhiễm mới HIV hàng năm gia tăng. Philippines, Madagascar, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan là những quốc gia có mức tăng số ca nhiễm mới HIV cao nhất kể từ năm 2015. Đáng chú ý, một số khu vực như châu Á-Thái Bình Dương trước đây ghi nhận số ca nhiễm mới HIV giảm thì nay gia tăng trở lại.

Giám đốc điều hành UNAIDS Winnie Byanyima cho biết, các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu như xung đột tại Ukraine và khủng hoảng kinh tế đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS. Bên cạnh đó, hỗ trợ tài chính, kỳ thị với người xét nghiệm HIV… là những nguyên nhân quan trọng khiến tốc độ giảm số người nhiễm bệnh suy giảm các năm gần đây. Phó Giám đốc điều hành UNAIDS Matthew Kavanagh cho biết, trong 2 năm qua, các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS đã bị gián đoạn ở nhiều quốc gia, các nguồn lực bị thu hẹp và hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm. Theo UNAIDS, đại dịch Covid-19 đã cản trở việc thực hiện các sáng kiến phòng, chống HIV/AIDS, trong khi các sự kiện khác xảy ra trên thế giới như cuộc xung đột ở Ukraine buộc các quỹ phải chuyển hướng tập trung. UNAIDS dự tính, thế giới cần thêm 29 tỷ USD cho công cuộc chống HIV/AIDS ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và tiến tới chấm dứt dịch bệnh này trên toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu có thể chấm dứt “căn bệnh thế kỷ” AIDS vào năm 2030, các quốc gia cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa và đặc biệt là có đủ nguồn tài chính để cung cấp các liệu pháp điều trị kháng virus cho người nhiễm bệnh, nhất là hiện còn có 660.000 trẻ em nhiễm HIV chưa được điều trị.

Dịp này, Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng kêu gọi các nước châu Âu “tăng cường xét nghiệm và chấm dứt thái độ kỳ thị lâu nay” để chống lại dịch bệnh HIV/AIDS đang diễn biến đáng lo ngại khi năm 2022, châu lục này có thêm 110.486 ca nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 2,4 triệu ca, tăng 4,2%. Tuy nhiên, hơn một nửa số ca này đều phát hiện khi đã quá muộn, phần lớn là do các rào cản liên quan đến kỳ thị, khiến người dân không tìm đến dịch vụ xét nghiệm và chăm sóc kịp thời. Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, Tiến sĩ Hans Kluge nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc vượt qua sự kỳ thị liên quan để đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận được dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cần thiết.

Việt Nam đặt mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030

Tại Việt Nam, kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP. HCM, tính đến tháng 9-2023, cả nước có 249.000 người nhiễm HIV; số tử vong do HIV/AIDS tích lũy tính đến nay là 113.689 người - theo Cục Phòng chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế. Số liệu mới nhất, trong 9 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện 10.219 người mắc HIV mới, 1.126 người tử vong. Trong số 10.219 ca mắc mới HIV, có hơn 60% được phát hiện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và TP. HCM. Lây nhiễm mạnh nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chiếm tới 49%.

Từ năm 2020 đến nay, nam giới nhiễm HIV chiếm tới 80% tổng số ca mắc mới ở nước ta, lứa tuổi 16-29 tuổi chiếm gần 50%. Đa số ca mắc mới lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, lây nhiễm qua đường máu giảm mạnh trong những năm gần đây. Đáng chú ý, dịch HIV/AIDS đang lây nhiễm và gia tăng cao ở trong nhóm MSM. Năm 2011 ghi nhận tỷ lệ này là 4% ở một vài tỉnh trọng điểm, hiện tại đã tăng lên 12%. Nhóm chuyển giới nữ mặc dù chưa là nhóm đưa vào hệ thống giám sát dịch thường xuyên trong chương trình quốc gia, nhưng đã gia tăng trong vài năm nay. Tại Hà Nội đã ghi nhận 5,8% ca mắc HIV trong nhóm này (nghiên cứu năm 2022); TP. HCM ghi nhận 6,8% năm 2004, tăng lên 18% năm 2016 và năm 2020 là 16,5%.

Theo phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như MSM, phụ nữ bán dâm, tiêm chích ma túy. Trong thời gian tới, dịch có nguy cơ gia tăng do xu hướng người nhiễm HIV đang trẻ hóa, tăng rõ rệt ở nhóm lây nhiễm mới như MSM; gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục tập thể. Hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục tập thể…

Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10-2020 đã có Quyết định phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng chống AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của đại dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95, đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV/AIDS rất có thể bùng phát trở lại nếu chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Thống kê cho thấy nếu như giai đoạn 2017-2019, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV thì 2 năm gần đây, mỗi năm có hơn 13.000 trường hợp được báo cáo.

Để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 vì thế rất cần sự chung tay của cả động đồng. Những người có hành vi nguy cơ cao cần được xét nghiệm sớm để đưa vào điều trị, sử dụng thuốc ARV (hiện thuốc ARV được Bảo hiểm y tế chi trả). Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm. Đặc biệt, ngoài tuyên truyền vận động sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn, cần tăng cao truyền thông để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gian-nan-cuoc-chien-chong-hivaids-tren-toan-cau-post559540.antd