Gian lận thương mại sẽ diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm

Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh nhưng các vụ việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra rất phổ biến. Tình trạng này được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao.

Tại tọa đàm trực tuyến "Hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại - thực trạng và giải pháp", các chuyên gia cho biết, những năm gần đây, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Toàn cảnh buổi tọa đàm trực tuyến ''Hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại - thực trạng và giải pháp'' - Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Bài liên quan

Phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu tại Hải Phòng

Đà Nẵng: Tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm nghi hàng nhái nhãn hiệu nổi tiếng

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đua nhau 'bung hàng' dịp cuối năm

Vợ lĩnh án treo vì sản xuất sa tế giả, chồng vẫn ngang nhiên chế biến hàng "nhái"

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, khởi tố 1.615 vụ việc, tăng 90% với 2.148 đối tượng, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng buôn lậu như thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố như: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang... Được buôn bán tràn lan trên không gian mạng tại các website, trang mạng xã hội.

Các mặt hàng như khẩu trang, thiết bị phòng chống dịch, thuốc điều trị Covid-19, khí đốt hóa lỏng (LPG)… cũng bị làm giả, làm nhái đặc biệt phức phức tạp ở địa bàn Hà Nội và TP. HCM.

Đơn cử, Công ty Cổ Phần Thương Mại Xuất Nhập Khẩu Dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro), gần đây đã phát hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh LPG đang sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu Gas Pacific Petro, Esgas và Logo Pacific Petro của đơn vị. Các doanh nghiệp này đã thực hiện chiết nạp trái phép vỏ bình mang thương hiệu Pacific Gas và Esgas.

Pacific Petro là đơn vị duy nhất sở hữu trí tuệ về logo và thương hiệu Pacific Gas, Esgas nhưng gần đây bị nhiều doanh nghiệp sử dụng thương hiệu, hình ảnh trái phép

Trong khi đó, Pacific Petro là đơn vị duy nhất sở hữu trí tuệ về logo và thương hiệu Pacific Gas, Esgas. Đơn vị này cho biết sẽ thực hiện tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền về hành vi lợi dụng hình ảnh, thương hiệu, nhãn hiệu gây nhầm lẫn để trục lợi trên.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp là do thời gian qua chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc.

Tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thời gian tới được dự báo còn diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao.

Bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, cần một chế tài đủ mạnh để có thể răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời, nên có quy định rõ hơn về xác định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) Nguyễn Đăng Sinh, để công tác chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại đạt hiệu quả, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các lực lượng thực thi phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hiệp hội Gas Việt Nam cũng kiến nghị cần có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan chức năng hiểu và áp dụng văn bản xử lý thống nhất bình gas bị tịch thu do bị chiếm đoạt, lưu giữ và sử dụng trái pháp luật. Các doanh nghiệp cùng tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản kinh doanh khí. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường.

Bởi, việc đánh cắp bản quyền thương hiệu không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp, đặc biệt gây thiệt hại, nguy hiểm cho người tiêu dùng, nếu sản phẩm không chất lượng.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gian-lan-thuong-mai-se-dien-bien-phuc-tap-vao-dip-cuoi-nam-post168156.html