Giảm thiệt hại từ thiên tai cho ngành Nông nghiệp

Năm 2023, thời tiết tại Đồng Nai cũng như cả nước khắc nghiệt hơn. Cụ thể vào mùa mưa lũ thường xuyên xuất hiện mưa lớn có nguy cơ gây lũ cao, mùa khô tới sẽ xảy ra El Nino gây khô hạn hơn mọi năm.

Hệ thống thủy lợi tại xã Lang Minh, H.Xuân Lộc. Ảnh: B.NGUYÊN

Hệ thống thủy lợi tại xã Lang Minh, H.Xuân Lộc. Ảnh: B.NGUYÊN

Ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến ngày càng thất thường, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai đồng thời để giữ ổn định và phát triển sản xuất.

Biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khó lường, nhất là vài năm trở lại đây, vào mùa mưa, số lượng cơn mưa giảm nhưng lại xuất hiện những trận mưa lớn gây ngập lụt. Những năm trước, sông Đồng Nai không có lũ nhưng từ năm 2019 trở đi hầu như năm nào cũng có lũ. Do lũ không kéo dài nên thiệt hại về hoa màu không lớn nhưng gây tổn thất nặng nề cho người dân nuôi cá bè trên sông Đồng Nai.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, cần quan tâm chủ động triển khai công tác phòng để hạn chế tối đa ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai. Đặc biệt, một số địa phương hay xảy ra mưa lũ, ngập lụt cần chủ động xây dựng phương án, giải pháp phù hợp để hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân. Các địa phương phải chú trọng xem xét, nhận diện các nguy cơ xảy ra thiên tai trên địa bàn làm cơ sở xây dựng kế hoạch phòng, chống để triển khai thực hiện cụ thể, hiệu quả.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều cơn mưa to, dông lốc đầu mùa gây thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân. Cụ thể, trong tháng 4, các huyện Định Quán, Nhơn Trạch xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy làm tốc mái nhà, gãy đổ cây xanh; hàng chục ha diện tích cây ăn trái bị gãy nhánh, rụng trái; 1 người bị thương; xảy ra ngập úng cục bộ các tuyến đường, thiệt hại nhiều nhà dân…

Trong tháng 5, chỉ riêng trên địa bàn TP.Long Khánh đã xảy ra 1 cơn mưa lớn kèm gió lốc đã làm hư hại 4 căn nhà; 84ha sầu riêng và nhiều loại cây trồng khác bị gãy đổ, rụng trái; ngập úng cục bộ khoảng 40ha cây trồng, cuốn trôi toàn bộ 30 thiên nấm các loại. Đặc biệt, có 1 người tử vong vì bị nước cuốn trôi.

Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, những năm gần đây, mưa trái mùa có xu hướng tăng, gây tổn thất đáng kể cho ngành nông nghiệp của nhiều địa phương, nhất là trên cây trồng. Năm nay, từ cuối tháng 5, thời tiết bắt đầu ảnh hưởng hiện tượng El Nino, từ nay đến tháng 9, lượng mưa có thể xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 10 trở đi mưa giảm, mùa khô tới có thể khốc liệt hơn những năm trước. Các hồ chứa cần chủ động trong tổ chức vận hành nhằm vừa phòng lũ mùa mưa, vừa đảm bảo cấp nước vào mùa khô.

Chủ động phòng, chống

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn, ngay từ đầu năm 2023, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương đã chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai.

Hồ Đa Tôn (H.Tân Phú) đảm bảo nguồn nước tưới cho các vùng sản xuất tại địa phương

Hồ Đa Tôn (H.Tân Phú) đảm bảo nguồn nước tưới cho các vùng sản xuất tại địa phương

Để hạn chế nguy cơ rủi ro cá chết trong giai đoạn giao mùa năm 2023, UBND H.Định Quán phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Đồng Nai tổ chức tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ nuôi cá lồng bè tại khu vực sông La Ngà di dời đến các vùng nuôi theo quy hoạch. Nhiều hộ nuôi cá bè, cá đến lứa đã chủ động thu hoạch sớm, những hộ còn nuôi thì chủ động di dời bè nuôi đến khu vực an toàn trên hồ Trị An. Nhờ đó, giai đoạn giao mùa, khu vực nuôi cá bè trên địa bàn H.Định Quán đã tránh được rủi ro cá chết như từng xảy ra những năm trước đó.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp rất chú trọng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và tích trữ nước mùa khô phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tổng lượng mưa tính đến ngày 18-5 chỉ đạt 12% so với trung bình nhiều năm, dung tích các hồ chứa đạt khoảng 26,76%, bằng 74% so với cùng kỳ. Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT đã phối hợp địa phương, đơn vị kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa các hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng sau lũ; nạo vét thượng, hạ lưu các đập dâng, các cửa lấy nước và hệ thống kênh mương để đảm bảo phục vụ sản xuất vụ đông - xuân 2022-2023. Phối hợp tuyên truyền, khuyến cáo người dân vào vụ đồng loạt để nâng cao hiệu quả phục vụ tưới, không mở rộng thêm diện ngoài kế hoạch và ngoài khả năng phục vụ của công trình thủy lợi, phối hợp với UBND TP.Long Khánh, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Định Quán và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra tình hình sản xuất, tình hình nguồn nước, công tác triển khai phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn vụ đông - xuân 2022-2023; kết hợp thăm đồng và công tác triển khai đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2023 tại 13 công trình.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh nhận xét, qua kiểm tra thực tế tại một số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa đã chủ động trong công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên, kiểm tra, phát dọn cỏ cây khu vực công trình; lập hồ sơ kiểm định an toàn các hồ, đập... bảo đảm an toàn công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202307/giam-thiet-hai-tu-thien-tai-cho-nganh-nong-nghiep-3171758/