Giảm tải áp lực cho học sinh thi chuyển cấp

Trong giai đoạn thi chuyển cấp, các em học sinh lớp 9 thường có tâm lý khá nhạy cảm khi phải đối mặt với vô số áp lực học tập, thi cử, căng thẳng để không làm bố mẹ thất vọng, đạt được nguyện vọng vào ngôi trường mong ước… Lúc này, sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường, thầy cô sẽ giúp các em giải tỏa áp lực tâm lý, vững tin bước vào kỳ thi.

Trong giai đoạn chuyển cấp, học sinh lớp 9 thường có tâm lý căng thẳng, cần sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô. Ảnh: Trà Hương

Trong giai đoạn chuyển cấp, học sinh lớp 9 thường có tâm lý căng thẳng, cần sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô. Ảnh: Trà Hương

Muôn vàn nỗi lo của học sinh

Kỳ thi chuyển cấp của khối học sinh lớp 9 là một trong những kỳ thi đánh dấu bước ngoặt lớn và được đánh giá là căng thẳng không kém gì kỳ thi đại Học, là giai đoạn chuyển lên cấp học THPT vô cùng quan trọng, vì vậy, các em sẽ không thể tránh khỏi những áp lực đến từ việc học hành, thi cử và sự kỳ vọng khá lớn của các bậc phụ huynh.

Các bậc phụ huynh thường đặt nhiều kỳ vọng vào con em mình sẽ thi đỗ vào trường chuyên, trường công lập, lớp chọn… Các em học sinh cũng có mong ước sẽ thi đỗ để không thua kém bạn bè, lo trượt sẽ làm bố mẹ thất vọng… nên đặt ra rất nhiều nguyện vọng, vô tình tạo thành một áp lực rất lớn cho chính các em.

M.K, học sinh lớp 9 Trường THCS Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Em luôn có tâm lý căng thẳng từ khi bước vào lớp 9, lo lắng vì phần lớn thời gian phải học online ở nhà, ảnh hưởng đến tiếp nhận kiến thức.

Một phần nữa là năm nay em có đăng ký nguyện vọng thi vào Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc nên việc học, ôn thi cũng khá căng thẳng, vì bản thân em cũng biết tỉ lệ chọi ở trường chuyên là rất cao”.

N.T.N.N, học sinh lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn huyện Lập Thạch chia sẻ: “Kỳ thi năm nay, em có nguyện vọng sẽ thi vào Trường THPT Ngô Gia Tự nên em tự nhủ với bản thân phải cố gắng rất nhiều vì sức học của em chỉ ở mức khá, nhưng bố mẹ luôn muốn em thi đỗ vào trường THPT có chất lượng nên em cũng có nhiều áp lực.

Trong những kỳ thi thử vừa qua, vì hổng một số kiến thức và tâm lý lo lắng, bất an nên kết quả của em không được tốt, do vậy, thời điểm này em phải phấn đấu học ôn ngày đêm, tập trung vào các môn học chính để thi, sau giờ học chính khóa, bố mẹ còn sắp xếp cho em học thêm 2 ca nữa, sau đó về nhà là ngồi vào bàn học tiếp, từ kỳ 2 trở lại đây chưa hôm nào em đi ngủ trước 12h.

Em cũng muốn ôn thi thật tốt để có được kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, không muốn thua kém bạn bè và em muốn tự khẳng định bản thân, không muốn làm bố mẹ em phải thất vọng”.

Chia sẻ, giảm tải áp lực đúng cách

Theo nhiều tâm sự của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo, những người trực tiếp đồng hành cùng các em học sinh cuối cấp, nhiều học sinh đã bị áp lực tâm lý khá nặng nề dẫn đến trầm cảm, cáu gắt, tính tình thay đổi…, do đó, học sinh cuối cấp cần phải có sự phấn đấu, nỗ lực ngay từ đầu năm học.

Ngoài sự giúp đỡ của các thầy, cô giáo về kiến thức, phụ huynh cũng cần chia sẻ, chuẩn bị sớm cho con em mình về tâm lý, giúp các em giảm tải phần nào áp lực trong thời gian đặc biệt này.

Chị Thu Hương, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Năm nay con gái tôi sẽ thi chuyển cấp vào THPT, do đây là thời gian nước rút nên gia đình rất lo lắng cho sức khỏe, tâm lý của con.

Vì lịch học của con tại trường cũng như học ôn thi dày đặc nên gia đình tôi cũng thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con hơn, khi mới vào lớp 9, tôi đã trao đổi với giáo viên về học lực của con để tư vấn, chủ động cho con lựa chọn trường cấp 3 phù hợp với khả năng.

Gia đình tôi không đặt nặng việc con phải đỗ trường chuyên lớp chọn, vì như vậy sẽ vô tình gây tâm lý đè nặng lên con, tôi luôn sắp xếp thời gian phù hợp để cho con vừa học, vừa có thời gian nghỉ ngơi, giải trí làm giảm căng thẳng, mệt mỏi. Tôi cũng luôn động viên con để giúp con có tâm lý thoải mái hơn, vững vàng và tự tin hơn trong kỳ thi sắp tới”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lự, Trường THPT Vĩnh Yên nêu quan điểm: “Khi cha mẹ tạo áp lực cho con sẽ khiến các em hoang mang, khi lo lắng thì tư duy, sức học, sự chú tâm… sẽ không dành tối đa cho việc học tập nữa.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trước một kỳ thi quan trọng thì bao giờ các bậc phụ huynh cũng kỳ vọng, mong muốn, căng thẳng không kém để mong con mình thi đạt kết quả cao nhất, vào được trường chất lượng nhất. Tuy nhiên, nỗi lo của cha mẹ bằng cách này hay cách khác lại vô tình tạo áp lực, hoang mang cho con nhiều hơn.

Thầy cô giáo cũng nên phối hợp với phụ huynh học sinh để nắm tình hình học tập cũng như tâm tư, nguyện vọng của các em. Các thầy cô cần thay đổi, điều chỉnh phương pháp dạy học, tinh giản nội dung kiến thức, kỹ năng; dạy học trò cách tìm kiếm và sử dụng hiệu quả tài liệu môn học để học sinh chủ động tự giác, tự lực học tập.

Bên cạnh đó, để giảm áp lực thi cử cho các em, các bậc phụ huynh hãy cùng xây dựng thời gian biểu để cân bằng việc học tập, nghỉ ngơi và giải trí cho con em mình. Bên cạnh những giờ học ôn thi căng thẳng, những giây phút chia sẻ giữa cha mẹ và con cái, những lời động viên, quan tâm, phút giây thư giãn sẽ giúp các em học sinh lấy lại tinh thần để giành kết quả tốt cho kỳ thi quan trọng này”.

Huyền Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/76907/giam-tai-ap-luc-cho-hoc-sinh-thi-chuyen-cap.html