Giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhưng vẫn phải đảm bảo số lượng người làm việc

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo được số lượng người làm việc cho đơn vị sự nghiệp; tức là thúc đẩy tự chủ, làm sao để xã hội hóa, giảm được số viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước ngành giáo dục giảm 6,4%

Tiếp tục tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn (sáng 7/11) trong chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP HCM cho biết, trong tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động rất cần thiết. Tuy nhiên, tinh giản mang tính chất cào bằng cơ học đang ảnh hưởng rất nhiều đến ngành giáo dục khi rất nhiều địa phương chia sẻ đang thiếu rất nhiều giáo viên nhưng việc tuyển dụng giáo viên đang cực kỳ khó khăn.

Chưa kể giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có có nguyên nhân là do quá nhiều áp lực và thu nhập chưa đủ sống. Mặt khác, đề án vị trí việc làm trong nhà trường không có chức danh giám thị. Đây cũng là thêm một áp lực dành cho nhà trường và giáo viên. "Đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp giải quyết vấn đề trên?", Bà Yến nêu câu hỏi.

 Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Kim Yến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn vừa qua và quán triệt với chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực và có những thành công bước đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.

"Chỉ tính riêng về tinh giản biên chế đối với công chức giai đoạn 2017 -2021, chúng ta đã giảm được 10,01% và đối với viên chức, chúng ta đã giảm được 11,67% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hai khái niệm này có khác nhau", bà Trà thông tin.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà giải thích thêm, trong số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì ngành giáo dục giảm 6,4%, còn lại toàn ngành y tế giảm 32% do thúc đẩy được tự chủ, chuyển số biên chế đó sang hưởng lương tự chủ. Do đó, hai khái niệm này khác nhau.

"Tuy nhiên, thực tiễn giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương thực hiện việc giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì lại cắt hẳn biên chế đi. Cho nên thiếu số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, riêng đối với ngành giáo dục có tính đặc thù. Cho nên việc thiếu giáo viên thường xuyên đang diễn ra thì đây là vấn đề thực tiễn", bà Trà cho biết.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Để giải quyết bài toán như ý kiến mà đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh một số giải pháp là cần thống nhất với nhau về mặt nhận thức, đối với viên chức thì cần tập trung một cách đồng bộ, quyết liệt để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo được số lượng người làm việc cho đơn vị sự nghiệp; tức là thúc đẩy tự chủ, làm sao để xã hội hóa, giảm được số viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với ngành giáo dục, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cần tập trung rất cao cho việc hoàn thiện một số hệ thống thể chế. Trước hết đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nên rà soát, xem xét lại. Và tới đây nữa sẽ ban hành Luật Nhà giáo để có giải pháp đảm bảo được những vấn đề cơ bản nhất cho việc đảm bảo đời sống, số lượng và chất lượng trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp giáo dục.

"Trước mắt khẩn trương sửa đổi Thông tư 06 và Thông tư 11 về định mức giáo viên và học sinh trên lớp. Đồng thời sửa Nghị định 81 để đảm bảo việc thực hiện thu phí cho tất cả các cơ sở giáo dục, từ mầm non cho đến đại học. Và khẩn trương rà soát để có hướng dẫn để rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp phù hợp", bà Trà nêu rõ.

 Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP HCM.

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP HCM.

Một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng chưa được giao biên chế công chức

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội rằng sẽ sớm giải quyết tình trạng một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng chưa được giao biên chế công chức.

Với trách nhiệm của mình trong thời gian qua, đại biểu Nguyệt đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đã có đề xuất như nào để giải quyết về vấn đề trên? Việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương cho đội ngũ này sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?

 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện nay, trên thực tế đang tồn tại một số cơ quan quản lý nhà nước nhưng biên chế viên chức, thuộc các khối như quản vụ, kiểm lâm của các vườn quốc gia, thanh tra giao thông, chăn nuôi thú ý, kiểm dịch động vật. Đây là điều tồn tại từ trước khi hoàn thiện pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Tổng số viên chức này, đến thời điểm 31/12/2022 là 7191 người.

Khi báo cáo với Ban Chỉ đạo về quản lý biên chế, Bộ Nội vụ đã báo cáo thực trạng này như một sự tồn tại của lịch sử, cần chuyển vị trí viên chức thành công chức để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho các đối tượng này.

Sau Kỳ họp thứ 4, Bộ Nội vụ đã báo cáo với Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, hiện nay, Ban Chỉ đạo trung ương đang xem xét điều chuyển số viên chức này, đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước để trả lại thành công chức, thực hiện đúng chính sách cho các đối tượng này.

Tới đây, Bộ Nội vụ cũng sẽ đề nghị với Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế giải quyết nhanh để đảm bảo được việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giam-so-luong-vien-chuc-huong-luong-tu-ngan-sach-nhung-van-phai-dam-bao-so-luong-nguoi-lam-viec-post271436.html