Giám sát đổi mới giáo dục phổ thông: Nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận

Giám sát chuyên đề về 'Việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội (QH) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT)' là nội dung được QH xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và cử tri.TIỀN GIANG: NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát chuyên đề tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Thực hiện Chương trình giám sát của QH năm 2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đã tổ chức đợt giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của QH trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Báo cáo với Đoàn giám sát, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh cho biết, năm học 2022 - 2023 là năm học thứ 3 ngành GD-ĐT triển khai thực hiện “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa”. Chương trình GDPT năm 2018 được áp dụng với học sinh lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021 - 2022; lớp 3, 7 và 10 năm học 2022 - 2023. Chương trình GDPT năm 2018 kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình GDPT năm 2006; đồng thời, đã khắc phục những hạn chế, bất cập trong dạy và học.

Theo đánh giá của Đoàn ĐBQH tỉnh, qua giám sát tại nhiều cơ sở giáo dục, trường học, Sở GD-ĐT tỉnh cho thấy, bước đầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới đã có những bước chuyển biến tích cực: Cơ sở vật chất cho giáo dục ngày càng được quan tâm đầu tư, điều kiện học tập của học sinh được cải thiện; trình độ cán bộ quản lý, giáo viên và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

Các cơ sở GDPT đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT đã góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Song, quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Thông qua đợt giám sát chuyên đề, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận các kiến nghị của ngành GD-ĐT tỉnh gửi đến các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ một số vấn đề còn khó khăn như: Bộ GD-ĐT tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách liên quan đến GD-ĐT, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn.

Có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về công tác lựa chọn sách giáo khoa và hướng dẫn định mức kinh phí tổ chức thực hiện trong thời gian tới (cụ thể hóa Thông tư 25 ngày 26-8-2020 của Bộ GD-ĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT).

GỠ KHÓ CHO CHƯƠNG TRÌNH GDPT MỚI

Theo đánh giá của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, qua giám sát thực tế của Đoàn giám sát tại nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, việc đổi mới phương pháp giáo dục theo Chương trình GDPT mới được tổ chức thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục; cụ thể hóa trong các chương trình môn học và được thể hiện ở từng nội dung giáo dục, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của chương trình.

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát chuyên đề tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Nhiều mô hình giáo dục và phương pháp giáo dục mới được áp dụng trong thực tiễn.

Các địa phương đã quan tâm chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện đổi mới chương trình GDPT nói chung và phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng; trong đó, có nội dung về đổi mới phương pháp giáo dục...

Hệ thống sách giáo khoa cơ bản theo đúng tiến độ đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT mới, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm kinh phí...

Tuy nhiên, còn nhiều hạn chế, khó khăn cần tiếp tục có giải pháp căn cơ tháo gỡ kịp thời như: Việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và ban hành Chương trình GDPT năm 2018 và một số chương trình môn học còn chậm.

Công tác ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện ở một số khâu, một số việc còn lúng túng; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn đã ban hành. Kinh phí để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT còn khó khăn…

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm, hướng tháo gỡ một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện Chương trình GDPT mới như: Đối với vấn đề thiếu giáo viên, dù 5 năm qua, chúng ta đã sắp xếp, dồn dịch được nhiều điểm trường, nhưng công tác dồn dịch điểm trường này cần được tiếp tục thực hiện ở nhiều khu vực.

Với việc giảm biên chế 10%, qua trao đổi với các tỉnh cho thấy, tỷ lệ này không nên đặt ra một cách cào bằng, máy móc, giống nhau ở các địa phương. Theo đó, đối với các nơi tỷ lệ biên chế viên chức giáo dục lớn hơn, thì cần cân nhắc việc giảm này để đảm bảo đủ giáo viên. Đối với những vùng có điều kiện kinh tế khá hơn, có khả năng xã hội hóa tốt hơn, cần có giải pháp chia sẻ với các tỉnh miền núi và khó khăn. Đối với giá sách giáo khoa khi xã hội hóa chưa rẻ như mong muốn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm thẩm định về mặt chuyên môn, còn vấn đề tài chính thì duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản…

Qua giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát, khẩn trương ban hành hoặc tham mưu cấp thẩm quyền ban hành những văn bản còn thiếu, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 2019; ban hành danh mục văn bản hết hiệu lực theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sửa đổi, bổ sung các văn bản có chứa các quy định chưa phù hợp; tham mưu cho Chính phủ chuẩn bị dự án Luật điều chỉnh về Nhà giáo bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đồng thời, rà soát, đánh giá tác động về việc tích hợp nội dung các môn học ở bậc trung học cơ sở, điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết...

Cùng với đó là nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDPT về nội dung, đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình GDPT năm 2018. Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan trong việc xác định biên chế nhà giáo; phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng và xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu; tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Đề án Danh mục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu đến năm 2025, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT năm 2018…

GIA TUỆ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202312/giam-sat-doi-moi-giao-duc-pho-thong-nhieu-ket-qua-quan-trong-dang-ghi-nhan-997550/