Giám sát để phát huy hiệu quả công trình nước sạch nông thôn

Đoàn giám sát việc đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sạch tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay, do đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì làm việc với UBND huyện Đồng Xuân. Ảnh: THÚY HẰNG

Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, những năm qua, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, xây dựng nhiều công trình cấp nước sạch, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng ngàn hộ dân ở nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, lưu lượng và chất lượng nước cung cấp không ổn định...

Đáp ứng nhu cầu người dân, nhưng chưa bền vững

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Phú Sơn, xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) do UBND xã quản lý được đưa vào sử dụng năm 2008 với công suất thiết kế 40m3/ngày đêm, cung cấp cho gần 130 hộ dân thuộc thôn này. Ông Lê Văn Hùng, một người dân ở đây cho biết: “Cũng như nhiều hộ gia đình khác, trước đây, khi chưa có nước sạch, gia đình tôi sử dụng nước giếng khoan. Do chất lượng nước không đảm bảo nên rất lo lắng cho sức khỏe. Từ khi có trạm cấp nước Phú Sơn, gia đình yên tâm hơn. Hiện với mức giá 6.000 đồng/m³, mỗi tháng gia đình tôi trả khoảng 30.000 đồng tiền nước để sử dụng”.

Hiện nay, công trình này vẫn hoạt động tốt và được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT) đánh giá là một trong những công trình hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thi, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, hiện công suất khai thác thực tế của công trình chỉ đạt 30m3/ngày đêm nên việc cung cấp nước của trạm phải luân phiên nhau. 50% hộ dân được cung cấp nước vào buổi sáng, 50% còn lại được cấp vào buổi chiều. Vì đây là công trình phục vụ người dân trong thôn và phục vụ chính gia đình mình, nên ban quản lý xã đã cố gắng vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất có thể.

Trên địa bàn huyện Đồng Xuân hiện có 17 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, trong đó 13 công trình UBND xã quản lý khai thác sử dụng; 3 công trình do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý khai thác và 1 công trình do Công ty TNHH Đầu tư và chuyển giao công nghệ Toàn Cầu quản lý khai thác sử dụng. Trong 17 công trình này có 9 công trình hoạt động bền vững, tương đối bền vững; 5 công trình hoạt động kém bền vững và 3 công trình không hoạt động, đó là công trình cấp nước sinh hoạt thôn Phú Giang, Phú Lợi, xã Phú Mỡ và công trình cấp nước sinh hoạt thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2. Theo đánh giá của UBND huyện Đồng Xuân, các công trình cấp nước tập trung này cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân; từng bước chuyển đổi nhận thức trong Nhân dân về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày theo nguyện vọng của Nhân dân. Tuy nhiên, do phần lớn công trình được đầu tư lâu năm nên hiện nay đã xuống cấp, nhưng chưa có nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp, mở rộng dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ, nhất là mùa nắng nóng, hạn hán trên diện rộng. Phần lớn công trình thuộc các xã đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ quản lý và công nhân vận hành trình độ hạn chế nên công trình, máy móc, thiết bị thường xuyên bị hư hỏng…

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết: Năm 2009, do ảnh hưởng của lũ lụt nên hai công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Phú Giang và thôn Phú Lợi của xã bị hư hỏng nặng và không còn hoạt động cho đến nay. Thời gian qua, 239 hộ dân thôn Phú Giang và 112 hộ dân thôn Phú Lợi gặp rất nhiều khó khăn khi hai công trình này “đứng bánh”, nhưng chưa thể khắc phục được, vì kinh phí sửa chữa, khôi phục lại công trình quá lớn.

Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Nguyễn Đức Thi (bìa trái) báo cáo tình hình hoạt động của Trạm cấp nước Phú Sơn với đoàn giám sát. Ảnh: THÚY HẰNG

Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Nguyễn Đức Thi (bìa trái) báo cáo tình hình hoạt động của Trạm cấp nước Phú Sơn với đoàn giám sát. Ảnh: THÚY HẰNG

Trách nhiệm giám sát và ý thức người dân

Thông qua công tác giám sát việc đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sạch tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay, do Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện, cho thấy điểm chung dẫn đến các công trình cấp nước sạch xuống cấp, không hoạt động là do không có kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên; do ý thức của người dân hạn chế, chưa thật sự coi đây là công trình của mình; thậm chí ở nhiều nơi, người dân còn có suy nghĩ đây là công trình của Nhà nước, hư hỏng Nhà nước sẽ sửa… Do đó, để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần đổi mới mô hình quản lý, nâng cao ý thức người dân trong việc tham gia bảo vệ công trình.

Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT) chia sẻ: Những năm qua, tỉnh ưu tiên xây dựng các hệ thống cấp nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, nhiều vùng khó khăn nói trên người dân đã được tiếp cận với nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt, cho nên nguồn nước vô cùng khan hiếm, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; những hủ tục, tập quán trong vùng đồng bào cũng ảnh hưởng đến công tác truyền thông, vận động thực hiện công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Một số công trình xây dựng trước đây đã xuống cấp, hạn hán gay gắt đã khiến cho một số hệ thống cấp nước có nguy cơ thiếu nước nguồn.

Theo các địa phương, một trong những nguyên nhân khiến các công trình nước sinh hoạt tập trung xuống cấp là do từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kết thúc năm 2015 nên thiếu nguồn kinh phí sửa chữa. Mặt khác, lĩnh vực nước sạch hiện nay được lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng khi phân bổ nguồn vốn về, các địa phương thường ưu tiên dành vốn cho các công trình khác quan trọng hơn. Do đó, ít quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng công trình mới hoặc sửa chữa, bảo dưỡng các công trình xuống cấp, hư hỏng.

Về lâu dài, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trưởng đoàn giám sát việc đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sạch tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến nay cho rằng, để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần dành kinh phí để sửa chữa các công trình xuống cấp phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, trong đó, ưu tiên những công trình có nhu cầu sử dụng cao; thống nhất trong công tác quản lý, khai thác sử dụng các công trình cấp nước sạch một cách chuyên nghiệp, tránh mỗi nơi quản lý một kiểu; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân biết giám sát, tìm sự đồng thuận trong sử dụng, bảo quản các công trình…

Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn kinh phí khác nhau để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, từ đó đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào vận hành, một số công trình nước sạch không còn hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, cá biệt có những công trình bị bỏ hoang khiến người dân không có nước sạch để dùng.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/277809/giam-sat-de-phat-huy-hieu-qua-cong-trinh-nuoc-sach-nong-thon.html