Giám sát chặt chẽ thủy sản bốc dỡ qua cảng

Bên cạnh công tác thực thi pháp luật, quản lý chặt chẽ đội tàu, Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giám sát sản lượng thủy sản qua cảng. Đây là một trong những khuyến nghị quan trọng của đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) để gỡ thẻ vàng IUU trong lần trở lại làm việc thứ tư.

Kiên Giang có hơn 140 đảo lớn nhỏ và có bờ biển phần đất liền dài 200km. Tuy nhiên, Kiên Giang chỉ có 2 cảng cá tạm đủ điều kiện công bố mở cảng loại 2 và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cảng cá chỉ định là cảng cá Tắc Cậu và cảng cá An Thới.

Thời gian qua, Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng đúng quy định. Tại các cảng cá chỉ định, Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang phối hợp Chi cục Kiểm ngư và Đồn Biên phòng Tây Yên, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới kiểm tra 100% hồ sơ tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản và kiểm tra xác nhận tàu cá rời cảng theo quy định. Kết quả 8 tháng năm 2023, có hơn 1.300 lượt tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng thủy sản, với tổng sản lượng 22.486 tấn.

Thực hiện quy trình giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang tập trung nguồn lực đảm bảo bố trí giám sát 100% sản lượng bốc dỡ qua 2 cảng cá chỉ định, cụ thể tại cảng cá Tắc Cậu bố trí 14 người (chia làm 2 ca trực xuyên suốt 24/24 giờ); tại cảng cá An Thới có 6 người (chia làm 2 ca trực) đảm bảo xuyên suốt trong quá trình tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng thủy sản qua cảng.

Công nhân bốc dỡ thủy sản tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Công nhân bốc dỡ thủy sản tại cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát hàng thủy sản qua cảng trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Tình trạng tàu cá lên hàng sai cảng chỉ định, ghi nhật ký khai thác chưa đúng quy định vẫn còn xảy ra gây không ít khó khăn cho đơn vị chức năng trong công tác giám sát hàng thủy sản tại cảng.

Theo Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang Ngô Văn Lâm, việc ngư dân ghi nhật ký không đầy đủ, thiếu trung thực sẽ rất khó xác định được nguồn gốc của thủy sản, từ đó gây khó khăn cho việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), dẫn đến sai sót trong việc xác định sản lượng khai thác, ảnh hưởng đến việc quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản; khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm, hạn chế hiệu quả của công tác xử lý vi phạm.

Để việc kiểm tra, giám sát hoạt động bốc dỡ thủy sản và kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng tại Kiên Giang tốt hơn trong thời gian tới, Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý của các cảng cá để đảm bảo đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ, kiểm soát được tàu cá ra, vào cảng; giám sát sản lượng bốc dỡ; thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định.

Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân; kêu gọi các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản không mua những lô hàng không chứng minh được nguồn gốc khai thác, cùng góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC.

Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang kiến nghị Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức tập huấn cho các huyện, thành phố ven biển có điểm cho tàu cá bốc dỡ thủy sản để giám sát và thống kê sản lượng thủy sản bốc dỡ tại các địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm bổ sung vốn đầu tư xây dựng các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Kiên Giang theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bài và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/giam-sat-chat-che-thuy-san-boc-do-qua-cang-16991.html