Giám sát chặt an toàn thực phẩm

Mỗi năm trên cả nước ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm và đa số được bày bán trong điều kiện không an toàn. Thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn thường trực người tiêu dùng khi chúng ta chưa kiểm soát được nguồn nguyên liệu bị nhiễm khuẩn và các điều kiện chế biến, bảo quản thực phẩm không an toàn.

Ảnh: minh họa

Mới đây, vụ việc 360 người bị ngộ độc phải điều trị ở bệnh viện sau khi ăn ở quán cơm gà nổi tiếng ở Nha Trang (Khánh Hòa) tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, giám sát chất lượng thực phẩm tại các quán ăn, nhà hàng. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa xác định, nguyên nhân thực khách bị ngộ độc do nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. Điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 11/9/2023 tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng (TP Hội An, Quảng Nam) làm cho 313 người bị ngộ độc, trong đó 273 người phải nhập viện. Thức ăn gây ngộ độc là thịt heo xá xíu trong ổ bánh mì này có vi khuẩn Salmonella.

Theo chuyên gia y tế, ngộ độc thực phẩm có ba nhóm nguyên nhân chính: Nhóm do vi sinh vật, nhóm do hóa chất và nhóm do các độc tố tự nhiên. Trong đó, nguyên nhân do sinh vật, vi sinh vật chiếm nhiều nhất từ trước tới nay và có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc.

Những trường hợp ngộ độc thực phẩm như đã nêu trên, phần lớn do nguồn nguyên liệu thực phẩm đã nhiễm các vi khuẩn độc hại từ nơi được nuôi trồng, sản xuất. Vi khuẩn khu trú trong một số động vật khiến thực phẩm nếu không được làm sạch, chế biến sạch thì nhiễm khuẩn, dẫn tới gây bệnh, gây ngộ độc cho người sử dụng.

Theo quy định của Bộ Y tế, người kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm 10 tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được qui định chi tiết. Bên cạnh đó, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương là ba cơ quan được phân công và phối hợp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương còn có Ban Chỉ đạo 389 thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thế nhưng, cả nước vẫn xảy ra các vụ ngộ độc quy mô lớn để lại nhiều hậu quả nặng nề cả về vật chất và tinh thần. Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn như “muối bỏ bể”.

Một trong những vấn đề người dân lo ngại nhất là nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm thường sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không bảo đảm an toàn thực phẩm để chế biến. Nhưng hành vi vi phạm chưa bị xử phạt thích đáng.

Cụ thể, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng với tổ chức. Thế nên, các hành vi: Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng thực phẩm không đạt yêu cầu kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật, thậm chí sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật... để chế biến thực phẩm vẫn diễn ra khá phổ biến.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm tại nước ta, nhiều chuyên gia đề xuất, cùng với tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa các địa phương cần phải có những giải pháp quản lý, giám sát thật sự hiệu quả đối với việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đồng thời đề cao hơn nữa đạo đức kinh doanh, trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm.

Với người tiêu dùng, ngoài việc quan tâm đến an toàn thực phẩm cũng cần thể hiện trách nhiệm công dân với sự an toàn của của cộng đồng và xã hội; kịp thời lên án, tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các qui định về an toàn thực phẩm, để các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giam-sat-chat-an-toan-thuc-pham-post474365.html