Giám sát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài

Việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo khác nhau dẫn đến chất lượng khác nhau, bị xã hội đánh giá là 'vàng thau lẫn lộn'

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tính đến tháng 6-2023, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của 44 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam với 102 cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Quy định thiếu chặt chẽ

Các chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam hiện nay được tổ chức dưới nhiều hình thức như học lấy bằng nước ngoài tại cơ sở chi nhánh của trường ĐH quốc tế; học lấy bằng kép tại 2 trường ĐH thuộc 2 quốc gia; học chương trình liên kết quốc tế 2+2 hoặc học trực tuyến lấy bằng nước ngoài... Khi học chương trình quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc.

PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng hiện nay hành lang pháp lý để bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của Việt Nam khá đầy đủ. Dù vậy, đại diện nhiều cơ sở giáo dục ĐH chỉ ra rằng các quy định hiện nay mới tập trung ở điều kiện thực hiện liên kết đào tạo. Những quy định liên quan đến tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo có được nhắc đến nhưng không cụ thể, dẫn đến việc hiểu và thực hiện chương trình liên kết đào tạo khác nhau và chất lượng các chương trình liên kết đào tạo khác nhau, bị xã hội đánh giá là "vàng thau lẫn lộn". Hiệu quả đóng góp cho hệ thống giáo dục ĐH không cao, ảnh hưởng không tích cực trong xã hội và làm mất đi phần nào ý nghĩa, sứ mệnh của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Sinh viên biểu diễn văn nghệ trong lễ khai giảng chương trình liên kết đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh giữa Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với Trường ĐH Dongseo Hàn Quốc

PGS-TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng các văn bản hiện nay chủ yếu hướng dẫn thực hiện tổ chức đào tạo các chương trình liên kết. Tuy nhiên, các hướng dẫn cũng như yêu cầu chi tiết về việc làm thế nào giám sát chất lượng đào tạo, công khai chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài như tỉ lệ sinh viên có việc làm, mức lương khởi điểm... thì chưa quy định chặt chẽ, trong khi đây là những thông tin quan trọng phản ánh chất lượng đào tạo.

Trong khi đó, việc sàng lọc và cung cấp thông tin chính thống chưa đầy đủ. Bên cạnh yêu cầu các trường tự cung cấp thông tin, trang web của Bộ GD-ĐT chưa cung cấp thông tin này. Việc thiếu thông tin khiến phụ huynh và học sinh khó xác định chương trình nào hợp pháp được đào tạo ở Việt Nam. Ngoài ra, với sự nở rộ của các chương trình liên kết đào tạo, cạnh tranh bằng mức học phí, khiến chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng.

TS Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế - ĐHQG Hà Nội, nhận định các vấn đề liên quan đến cơ sở giáo dục Việt Nam tổ chức đào tạo và cấp bằng tại nước ngoài vẫn chưa có quy định cụ thể, gây lúng túng cho các đơn vị muốn tổ chức đào tạo tại nước ngoài. Do đó, TS Nguyễn Quang Thuận đề xuất Bộ GD-ĐT cần có nghiên cứu cụ thể và sớm có văn bản hướng dẫn để các trường có thể mở rộng đào tạo, nâng cao vị thế giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

Cần quản lý chất lượng đào tạo

Trước thực tế nhiều chương trình liên kết ĐH nước ngoài không được xếp hạng, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào như năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và điểm thi THPT tương đối thấp, các chương trình liên kết đào tạo không lan tỏa được chất lượng đào tạo, không nâng cao được năng lực chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên, ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng người học nên chủ động vào cổng thông tin cơ sở đào tạo mình quan tâm để tìm hiểu và lựa chọn.

Để nâng cao chất lượng các chương trình liên kết đào tạo cũng như phù hợp hơn với xu thế tự chủ ĐH và xu thế ứng dụng công nghệ trong giáo dục ĐH, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết thời gian tới, bên cạnh các thông tư, văn bản đã ban hành như Thông tư 30 quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến và Thông tư 28 về đào tạo từ xa ban hành năm 2023.

Theo ông Dũng, mặc dù Thông tư 03 được ban hành và được sửa đổi tại Thông tư 10 đã nhắc đến việc xác định chỉ tiêu các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, nhưng trong quá trình triển khai, các trường đã phản ánh một số khó khăn về việc xác định chỉ tiêu với giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy hay giảng viên của trường đối tác. Trong thời gian tới, những nội dung này sẽ được hướng dẫn cụ thể, giúp các trường có căn cứ để xác định và tính toán, bảo đảm nguồn lực thực hiện được chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài chất lượng.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng cho hay Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể hóa những quy định từ khâu tổ chức tuyển sinh, xác định chỉ tiêu chương trình liên kết đào tạo, tổ chức quản lý đào tạo và cấp văn bằng các chương trình liên kết đào tạo giáo dục với nước ngoài. "Mục đích là bảo đảm các trường có đầy đủ thông tin, tính toán được nguồn lực và hướng dẫn để có thể tổ chức tuyển sinh, cũng như bảo đảm chất lượng các chương trình liên kết đào tạo. Ngoài ra, bộ cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý dữ liệu sinh viên, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, ràng buộc các trường trong quản lý chất lượng đào tạo" - ông Dũng khẳng định.

Tìm hiểu kỹ thông tin

Ông Lê Trung Thành khuyến cáo phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin và không chỉ nên dựa vào bảng xếp hạng của các trường quốc tế liên kết, mà cần xem xét nhiều hơn thực chất chương trình đào tạo, sự tham gia của đối tác nước ngoài trong công tác bảo đảm chất lượng cho chương trình liên kết.

Bài và ảnh: Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giam-sat-cac-chuong-trinh-lien-ket-dao-tao-voi-nuoc-ngoai-196240307205010756.htm