Giảm phụ thuộc khí đốt từ Nga: Châu Âu vẫn loay hoay!

Từ cả tháng trước, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu bùng nổ thì bài toán giảm phụ thuộc khí đốt từ Nga đã được châu Âu một lần nữa đặt ra. Tuy nhiên, cho tới nay, bất chấp nhiều phương án đã được đưa ra, lụa địa già vẫn loay hoay với bài toán đầy nan giải này.

Thỏa thuận năng lượng với Mỹ: Tin mới chưa chắc đã vui

Ngày 25/3 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã ra thông báo cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận về khí đốt hóa lỏng nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung từ Nga. Theo đó, từ nay đến năm 2030, Mỹ cam kết mỗi năm cung cấp cho EU 50 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trước mắt Mỹ sẽ bổ sung thêm cho Liên minh châu Âu - EU 15 tỷ m3 khí LNG ngay trong năm nay. “Mỹ sẽ phối hợp cùng các đối tác quốc tế và nỗ lực nhằm đảm bảo cung cấp thêm cho thị trường EU ít nhất 15 tỷ m3 LNG trong năm 2022, và sau đó sẽ tăng dần”, Nhà Trắng tuyên bố.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels (Bỉ) ngày 25/3. Ảnh: AFP

“Việc Mỹ cam kết cung cấp thêm cho Liên minh châu Âu ít nhất 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng trong năm nay là một bước tiến lớn theo hướng này. Điều này giúp thay thế nguồn khí tự nhiên hóa lỏng mà EU đang nhận được từ Nga” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Usurla Von der Leyen nhấn mạnh lại lễ ký kết thỏa thuận. Bà Von der Leyen cũng cho biết, lượng LNG Mỹ cung cấp cho EU đang thay thế 1/3 lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu trong thời điểm hiện nay và rằng, thỏa thuận này sẽ hỗ trợ EU hướng tới sự độc lập về năng lượng.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, cái gọi là “sự độc lập về năng lượng” mà EU đang hướng tới là không hề dễ dàng. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng sự phụ thuộc về năng lượng của EU “không mất đi” mà đang chuyển từ “dạng thể này sang dạng thể khác”. Ở đây, là việc chuyển từ sự phụ thuộc từ Nga sang phụ thuộc vào Mỹ.

Và như mọi sự phụ thuộc khác, tất cả đều có những “điều kiện đi kèm”. Chưa kể, như nhận định nhà phân tích Sean Morgan của công ty tư vấn Evercore ISI: “Việc tái định hình nguồn cung năng lượng cho EU là sự thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực tiêu thụ năng lượng châu Âu kể từ khi kết thúc Thế chiến II”, bởi tất cả những thay đổi ấy đều để lại những hệ quả nhất định.

EU sẽ tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng Nga ít nhất 5 năm nữa

Lời tuyên bố “xanh rờn” ấy được đưa ra bởi người phát ngôn Ủy ban Hành động Khí hậu và Năng lượng của Ủy ban châu Âu (EC), ông Tim McPhie. Trước câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp báo tại Brussels hôm 28/3 về việc bao lâu nữa khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ sẽ giúp châu Âu loại bỏ khí đốt của Nga, ông Tim McPhie cho biết: “EU sẽ phụ thuộc vào nhiên liệu carbon từ Nga cho đến năm 2027”.

Trước khi ông Tim McPhie đưa ra tuyên bố này, ngày 9/3 EC đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc của khối vào khí đốt của Nga trong năm nay và tuyên bố sẽ chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc này trước năm 2030. Tuy nhiên, vào thời điểm đấy, nhiều quốc gia châu Âu đã lên tiếng cho rằng mục tiêu này là không dễ hiện thực hóa ngày một ngày hai.

Thậm chí, hiện nhiều nước thành viên EU vẫn đang bất đồng về lộ trình cũng như biện pháp thực hiện việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Một số quốc gia đề nghị ấn định thời điểm thực hiện là năm 2030, trong khi số khác muốn hạn chót là năm 2027. “Thực tế là nhiều quốc gia thành viên sẽ lâm vào khó khăn thực sự nếu cắt nguồn cung năng lượng từ Nga trong nháy mắt. Cần phải bảo đảm chúng ta không tự hại mình nhiều hơn trừng phạt Moskva”, Phó chủ tịch EU Frans Timmermans nhấn mạnh với các thành viên Nghị viện châu Âu.

Trong bối cảnh, mọi giải pháp còn đang ở thể chờ thì điều duy nhất mà nhiều nước châu Âu có thể làm là kêu gọi người dân… tiết kiệm khí đốt. “Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt sẽ đòi hỏi một lập trường rất cứng rắn và chúng ta phải sẵn sàng trả giá. Chính vì vậy, hỡi công dân châu Âu, hãy giảm nhiệt độ từ hệ thống sưởi trong nhà của các bạn, như một phần nỗ lực của mỗi cá nhân để cắt giảm tiêu thụ khí đốt” - Josep Borrell - đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep kêu gọi.

Và một khi chiến sự ở Ukraine còn tiếp diễn thì bài toán an ninh năng lượng sẽ còn nan giải, không riêng gì với châu Âu.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giam-phu-thuoc-khi-dot-tu-nga-chau-au-van-loay-hoay-post187939.html