Giảm nghèo bền vững nhờ tham gia HTX

Thời gian qua, các HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từng bước chủ động mở rộng thêm dịch vụ để phục vụ thành viên. Đồng thời, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, chú trọng việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên và nông dân…, từ đó giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Cũng như các địa phương khác trên cả nước, mục tiêu xây dựng HTX tại Thanh Hóa là hỗ trợ người nghèo, người yếu thế trong sản xuất tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội một cách bình đẳng, để họ tự lực vượt qua nghèo đói, cải thiện cơ bản cuộc sống.

Điểm tựa giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo

Theo kết quả rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022-2025, hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa còn hơn 66.400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,65%.

HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân giúp hàng chục hộ gia đình phát triển kinh tế bằng nghề nuôi ong lấy mật, giảm nghèo bền vững.

Để giảm nghèo nhanh và bền vững, Thanh Hóa xác định giải pháp hàng đầu là khơi dậy ý chí vươn lên của chính các hộ nghèo, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, “bệ đỡ” là các HTX.

Bản Lửa (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân) có 144 nhân khẩu, nhưng có đến 50% số hộ là người nghèo. Đây là bản đặc biệt khó khăn, các hộ dân có ít nương rẫy, bà con sống sát vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nên không có nguồn sinh kế.

Để giúp người dân giảm nghèo, địa phương đã thành lập HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân, nuôi ong lấy mật giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo. Kết quả, đã có hàng chục hộ dân thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả.

Anh Lang Thanh Nghị, ở thôn Chiềng mới bắt tay vào nuôi ong gần 2 năm nay. Trước đây, gia đình anh nuôi theo hướng tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Nhưng giờ đây, với sự trợ giúp về kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân, mật ong của gia đình anh đã được kiểm nghiệm chất lượng và đóng chai, có nhãn hiệu, có thị trường tiêu thụ. Vì vậy, từ 3 đàn ong ban đầu, đến nay, gia đình anh phát triển lên thành 20 đàn, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Ông Lê Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, cho biết: Hiện nay, toàn xã Yên Nhân có 70 hộ tham gia nuôi ong với khoảng 500 đàn, bình quân mỗi năm cho khoảng 500 lít mật. Nhờ nuôi ong lấy mật, nhiều hộ dân ở xã miền núi Yên Nhân đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng mùa màng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hiện nay, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân đã tiêu thụ được hàng tấn mật ong cho nông dân, và phát triển mạnh các ngành dịch vụ khác. Đồng thời, vận động nông dân xây dựng dự án sản xuất mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP và chu trình OCOP.

Chị Cầm Thị Thuyết, Giám đốc HTX cho biết: doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm. Hiện tại, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Yên Nhân đang hợp tác với Doanh nghiệp xã hội Karuna Việt Nam triển khai dự án nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong và chuẩn hóa các quy trình sản xuất hướng tới xuất khẩu, nhằm nâng tạo ra sinh kế bền vững cho các hộ nuôi ong tại địa phương.

HTX nâng cao thu nhập cho hộ dân

Tương tự, tại xã Xuân Bình, nhờ thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Dạ nuôi ong lấy mật đã góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.

Thanh Hóa phấn đầu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo.

Gia đình ông Đặng Văn Việt cũng ở Thôn 12 xã Xuân Bình là thành viên của HTX, nuôi 20 đàn ong lấy mật, mỗi năm thu hoạch từ 60 đến 80kg mật ong cũng cho thu nhập đáng kể. Ngoài ra còn rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã tham gia nuôi ong lấy mật đã cải thiện được cuộc sống sinh hoạt trong gia đình.

Ông Nguyễn Văn Đông, ở Thôn 12 cho biết: 3 năm về trước (năm 2020) việc thoát nghèo của gia đình ông tưởng chừng như rất xa vời, bởi ngoài làm nông, hai vợ chồng ông nuôi ong lấy mật theo kiểu tự phát, nên cuộc sống rất khó. Thế rồi, ông được tham gia vào HTX, được hỗ trợ vay vốn từ NHCSXH huyện, gia đình đã mở rộng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đồng thời, ông được các thành viên trong HTX hướng dẫn, giúp đỡ để phát triển hiệu quả mô hình.

“Từ mức thu nhập khoảng 3 triệu/tháng trước đây, từ khi vào HTX, thu nhập gia đình tôi đã tăng gấp 5 lần. Cuộc sống không còn khó khăn nữa”, ông Đông cho hay.

Mặc dù HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Dạ đã phát huy được vai trò liên kết, giúp người dân có công việc ổn định, song, lãnh đạo HTX cho biết, hiện nay quy mô sản xuất của các hộ dân trên địa bàn còn nhỏ, lẻ, sản phẩm chủ yếu được cung cấp cho người dân trong và ngoài tỉnh, nhưng chưa tiếp cận được các doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, HTX cũng chưa áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất để nâng cao tối đa sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, HTX mong muốn được chính quyền huyện cũng như Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ về vốn, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, để mở rộng quy mô, tăng đàn ong. Tạo mối liên kết với thị trường tiêu thụ để có đầu ra ổn định, giá thành cao. Qua đó từng bước phát huy hiệu quả nghề nuôi ong lấy mật, tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Mặc dù đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong công tác giảm nghèo, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn gần 49.900 hộ nghèo. Do vậy, Thanh Hóa vẫn tiếp tục xác định giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực của nhà nước và huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, được xác định là một trong 5 chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa. Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật.

Đồng thời, tranh thủ vận dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất. Đặc biệt, giảm nghèo thông qua mô hình HTX đã thấy được vai trò quan trọng của HTX trong việc thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển.

Một trong những hoạt động hỗ trợ giảm nghèo bền vững ở Thanh Hóa được các HTX triển khai hiệu quả nhất và thể hiện là công cụ giảm nghèo đó là vấn đề hỗ trợ góp vốn xoay vòng trong thành viên HTX với hình thức xét thành viên khó khăn hỗ trợ cho mượn trước.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang: “Thực tế cho thấy, thành viên của các HTX luôn có nhu cầu phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo nhưng lại thiếu vốn và không thể tiếp cận các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động tín dụng mang tính chất nội bộ trong các HTX ở đây là giải pháp phù hợp nhất”.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/giam-ngheo-ben-vung-nho-tham-gia-htx-1094873.html