Giảm nghèo bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm mạnh, từ 3,07% (năm 2021) còn 1,86% vào cuối năm 2023 (giảm 1,21%) là minh chứng sống động cho những nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các chính sách giảm nghèo được ban hành, triển khai kịp thời đã, đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, qua đó khơi dậy và phát huy truyền thống 'lá lành đùm lá rách', tạo ra các nguồn lực giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống, 'không để ai bị bỏ lại phía sau'.

Trong hành trình vươn lên thoát nghèo, gia đình bà Trần Thị Duyên, ở xóm Bắc Cường, xã Văn Hải (Kim Sơn) luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên của các cấp, ngành.

Trong hành trình vươn lên thoát nghèo, gia đình bà Trần Thị Duyên, ở xóm Bắc Cường, xã Văn Hải (Kim Sơn) luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, động viên của các cấp, ngành.

Hỗ trợ đa chiều

Với phương châm giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, vận dụng linh hoạt chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ đa cho người nghèo, phù hợp với từng đối tượng.

Là một trong những địa phương được đánh giá có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai các chính sách giảm nghèo ở huyện Kim Sơn, đồng chí Vũ Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hải chia sẻ: Trong công tác giảm nghèo, Đảng ủy, UBND xã xác định bên cạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, phải chủ động khơi dậy nội lực để tập trung giảm nghèo bền vững. Trong đó chú trọng trang bị kiến thức, hỗ trợ sinh kế, cho vay tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo…

Xã cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và tích cực xây dựng mô hình trang trại nuôi thủy sản tổng hợp, phát huy lợi thế vùng ven biển.

Nhờ đó đã tạo được bước chuyển tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của nông dân. Khác hẳn với lối canh tác cũ, bây giờ toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã đã được người dân khai thác và phát huy tối đa với nhiều cây trồng mới hiệu quả. Nhiều nông dân đã làm giàu từ nghề nông, không ít hộ thoát nghèo nhờ mô hình trang trại tổng hợp.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hải: Thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025", xã Văn Hải có 4/8 hộ nghèo có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở được hỗ trợ (trong đó 3 hộ được hỗ trợ xây mới). Bên cạnh đó, với tinh thần "lá lành đùm lá rách", nhiều người dân xã Văn Hải tích cực tham gia hưởng ứng xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội, phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bỏ lại phía sau"…

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2023 của xã giảm còn 2,66%. Sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành đã giúp nhiều người nghèo ở Văn Hải vươn lên.

Bà Trần Thị Duyên, xóm Bắc Cường, xã Văn Hải (Kim Sơn)- một trong những hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới theo Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh phấn khởi cho biết: Trong những năm qua, gia đình tôi được hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà sinh học, bảo đảm năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi, nhờ vậy cuộc sống của gia đình đã được cải thiện hơn rất nhiều. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, mùa xuân này gia đình tôi đã được sống trong ngôi nhà mới, kiên cố, đó thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao. "An cư, lạc nghiệp", năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Cũng như ở Văn Hải, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, Sở đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ cận nghèo.

Trong đó, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã bố trí 74,1 tỷ đồng để thực hiện 5/7 dự án thuộc Chương trình. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù riêng để hỗ trợ nhóm hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, nhóm hộ nghèo có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hỗ trợ hàng năm trên 50 tỷ đồng.

Đầu năm 2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 43, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2023-2025. Thực hiện Nghị quyết, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã khởi công và hoàn thiện 495 ngôi nhà (327 nhà xây mới; 168 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 49,1 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước 41,1 tỷ, vốn huy động và đối ứng của người dân 8,01 tỷ đồng).

Cùng với đó, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chú trọng việc tạo nguồn vốn giúp hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2021 đến nay, đã có trên 43 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách, giảm nghèo bền vững.

Để không ai bị bỏ lại phía sau

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm hộ "nghèo bền vững" (hộ nghèo già cả, cô đơn, ốm đau, bệnh nặng…), do vậy, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chủ yếu là nhóm chính sách hỗ trợ "con cá" mang tính chất cho không, bảo trợ suốt đời. Đây là thách thức không nhỏ của tỉnh trong việc xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

Tỉnh Ninh Bình phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,99%. Để đạt mục tiêu này và khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác giảm nghèo, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, đi đôi với việc khuyến khích ý chí, quyết tâm vượt nghèo của người dân, thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phát triển CN-TTCN và dịch vụ. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác giảm nghèo.

Đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động các nguồn lực của xã hội để giảm nghèo.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để người nghèo, hộ nghèo có thể tự vươn lên thoát nghèo…

"Giảm nghèo là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của không chỉ cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương mà còn cần sự phối hợp tích cực từ phía Nhân dân, nhất là hộ nghèo. Thực tế cho thấy, người nghèo là những người hạn chế về trình độ học vấn, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh và họ rất khó tiếp cận, nắm bắt các cơ hội trong điều kiện kinh tế thị trường để có thể tự mình vươn lên thoát nghèo. Quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo là gốc rễ để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững đối với nhóm hộ còn sức và khả năng lao động.

Do vậy, cần mở rộng đào tạo nghề, nâng cao trình độ về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sản xuất cho người lao động và hộ nghèo. Đi đôi với đào tạo, hướng dẫn kiến thức, kinh nghiệm cần phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hiệu quả cao hơn, khơi dậy ý chí vươn lên, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cộng đồng"- đồng chí Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất.

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/giam-ngheo-ben-vung-de-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau/d20240112080044974.htm