Giảm nghèo bền vững: Chọn cách hỗ trợ phù hợp

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều quyết sách, cách thức hỗ trợ phù hợp để người nghèo tự lực vươn lên; tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con, hạn chế tái nghèo.

Mỗi đoàn thể một cách làm

Hơn 5 năm trước, gia đình chị Đặng Thị Phương (SN 1971) ở thôn Bẩy, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) vẫn là hộ nghèo. Chồng và con gái đau ốm nên chị không thể rời nhà đi làm xa. “Năm ấy, tôi được chi hội phụ nữ thôn giới thiệu vay tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và cho vay không hoàn lại 5 triệu đồng từ quỹ giúp hội viên khó khăn để mua bò giống, bưởi giống. Nhờ vậy tôi có thêm điều kiện tăng gia sản xuất”.

 Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế, chị Đặng Thị Phương (SN 1971) ở thôn Bẩy, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) đã thoát nghèo.

Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế, chị Đặng Thị Phương (SN 1971) ở thôn Bẩy, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) đã thoát nghèo.

Quá trình phát triển kinh tế, chị Phương được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, Hội Nông dân tập huấn kỹ thuật nên năm sau bò mẹ đã sinh sản. Khi con bê đầu tiên được bán, chị tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng thêm các loại cây ăn quả như mít, bưởi. Khó khăn đã dần qua, năm 2021 hộ chị Phương đã thoát nghèo.

Trên cơ sở định hướng của tỉnh, các huyện, thành phố tập trung xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với đặc thù từng địa phương, giúp người dân thoát nghèo bằng nội lực. Năm 2022, huyện Lục Ngạn còn 2.754 hộ nghèo, giảm 1,81% so với năm trước. Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị, xã hội lồng ghép nguồn lực hỗ trợ theo hướng khai thác tối đa thế mạnh địa phương. Xã Sa Lý có 5/5 thôn là thôn đặc biệt khó khăn gồm: Đồn Cây Lâm, Xé Mòng, Đảng, Trạm, Rãng.

Anh Hoàng Văn Hợp, Bí thư Đoàn xã cho biết: “Đặc thù địa bàn rộng, nhiều đồi núi nên việc hỗ trợ được Đoàn xã tập trung chọn trao sinh kế, phù hợp nhu cầu, thực tế địa phương. Năm 2020, Tỉnh đoàn hỗ trợ 12 hộ đoàn viên thanh niên của xã hàng nghìn cây keo giống. Cùng đó, Huyện đoàn Lục Ngạn, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện tặng hàng tấn phân bón; các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Phát triển kinh tế xã luân phiên giúp đỡ ngày công, phát quang cỏ dại. Năm 2022, xã Sa Lý còn 14,2% hộ nghèo, trong đó số hộ do thanh niên làm chủ chiếm khoảng 15%”.

Linh hoạt vận động nguồn lực

Năm 2022, toàn tỉnh còn 17.946 hộ nghèo, chiếm 3,8%; 19.797 hộ cận nghèo, chiếm 4,2%. Đây là thử thách lớn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Để hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tỷ lệ giảm hộ nghèo hằng năm đạt 1,09%, các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đang tiếp tục chung tay thực hiện.

Bắc Giang đang là điểm sáng về phát triển công nghiệp, cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh lớn nên Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu người học và điều kiện thực tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Là một trong những thành viên tích cực của Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, Hội LHPN toàn tỉnh duy trì gần 3,5 nghìn mô hình tiết kiệm, tổ phụ nữ liên kết giúp nhau vốn, kỹ thuật, phân bón... Nguồn vốn huy động được không chỉ dành tặng quà động viên, chia sẻ khó khăn mà phần lớn cho hội viên nghèo vay để phát triển sản xuất.

Điển hình như Hội LHPN huyện Tân Yên triển khai hiệu quả mô hình tiết kiệm theo Bác được gần 6 tỷ đồng, đã giúp 887 hội viên vay không lấy lãi tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Phát huy nội lực giúp hội viên khó khăn, năm nay Hội phát động xây dựng quỹ “Tấm lòng vàng”. Các chi hội thực hiện mô hình lợn tiết kiệm và tổ chức thu gom phế thải gây quỹ. Phương châm của Hội là mỗi xã, thị trấn trợ giúp ít nhất 3 mô hình sinh kế cho hội viên nghèo, hội viên hoàn cảnh khó khăn”.

Nói về kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo của địa phương, ông Dương Ngọc Minh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Thế cho hay, các ngành, đoàn thể, UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế; tổ chức quản lý, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn, giám sát sử dụng vốn vay. Đẩy mạnh tuyên truyền để người nghèo nhận thức rõ vai trò chủ thể trong thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chủ động phân cấp để cộng đồng dân cư có thể trực tiếp tham gia, phát huy vai trò giám sát của ban giám sát cộng đồng để bảo đảm chất lượng con giống, phát huy hiệu quả vốn đầu tư để hộ nghèo, cận nghèo tin tưởng, tích cực tham gia.

Theo ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tỉnh đã phát huy vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể. Thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho UBND cấp xã, ban quản lý các thôn, bản quyền tự chủ cho cộng đồng trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất; thực hiện tốt phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đặc biệt, Bắc Giang đang là điểm sáng về phát triển công nghiệp, cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh lớn nên Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu người học và điều kiện thực tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/406894/giam-ngheo-ben-vung-chon-cach-ho-tro-phu-hop.html