Giảm nghèo bền vững bằng các mô hình 'xanh'

Cùng với các chương trình, hoạt động thiết thực nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV), thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều mô hình 'xanh' nhằm gây quỹ giúp đỡ hàng ngàn hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn góp phần thực hiện mục tiêu GNBV.

Là một trong 2 huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, Nam Đông có khoảng 50% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, đời sống của người dân ở vùng cao này còn nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, huyện đã có những mô hình, cách làm sáng tạo vừa góp phần giảm nghèo vừa chung tay bảo vệ môi trường. Từ đó, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Hơn 2 năm nay, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Hương Phú (huyện Nam Đông) triển khai mô hình “Biến rác thành tiền” và mang lại hiệu quả cao. Hàng ngày, chị em phụ nữ các ở thôn, bản đều thực hiện thu gom rác vô cơ. Từ những vật dụng bỏ đi của gia đình như vỏ chai nước ngọt, nước mắm, dầu ăn, thùng giấy, thau nhựa hỏng… đều được các hội viên thu gom, phân loại và đem bán. Tiền bán được, mọi người góp vào để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù số tiền không lớn, nhưng thông qua đó giúp chị em có thêm kiến thức về phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi của các hộ gia đình.

Hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Huế phân loại phế liệu để bán lấy tiền giúp đỡ các hộ nghèo trên địa bàn.

Tại TP Huế, công tác GNBV đang được các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn thành phố Huế triển khai đồng bộ, kịp thời với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong đó, những mô hình ý nghĩa, sáng tạo đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các phường, xã triển khai và phát huy hiệu quả, vừa tham gia bảo vệ môi trường, vừa góp phần phát triển kinh tế; đồng thời tạo thêm cơ hội, thúc đẩy công tác GNBV trên địa bàn.

Tại phường An Đông (TP Huế), cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gồm các tiêu chí: Không nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp được triển khai và xem đây là công việc thường xuyên của chị em phụ nữ. Đặc biệt, với tiêu chí không có hộ nghèo, các hội viên Hội Phụ nữ phường An Đông còn đăng ký và trực tiếp giúp đỡ một số hộ gia đình hoàn thành và đạt các tiêu chí giảm nghèo với những mục tiêu cụ thể. Trong đó, việc vận động người dân tham gia vào hoạt động “phân loại rác tại nguồn thu gom ve chai, trao quỹ nhân ái” là một trong những phong trào được thực hiện liên tục. Hoạt động này vừa hạn chế lượng rác thải ra môi trường, vừa tạo nguồn quỹ hỗ trợ cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, các cụ già neo đơn trên địa bàn phường. Đến nay, đã có 18 chi hội và hơn 90% hội viên đăng ký thực hiện phong trào.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN phường An Đông, phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho chị em trên địa bàn, đồng thời hoạt động này đã góp phần gây quỹ để giúp đỡ các trẻ em, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp họ vươn lên trong cuộc sống, chung tay thực hiện mục tiêu GNBV trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê, các mô hình như: “Đổi phế liệu lấy cây xanh”, “Ngôi nhà xanh”, “Biến rác thải thành tiền”, “Đổi rác lấy quà ”… triển khai đồng bộ trên địa bàn TP Huế đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của gần 500.000 lượt người; thu gom 10 tấn phế liệu, gần 14 tấn rác thải, 60.000 vỏ bia, gần 5 tấn giấy vụn và nilon, thu được số tiền gần 250 triệu đồng từ nguồn thu gom bán phế liệu. Ngoài ra, thông qua các phong trào đã đổi được hơn 1.000 cây xanh và trao quà cho trẻ em, hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu GNBV.

Tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), nhiều hộ nghèo đang dần thoát nghèo nhờ vào mô hình “Cần câu Xanh”. Triển khai từ đầu năm 2023, mô hình “Cần câu Xanh” do Huyện đoàn Phú Lộc phát động, đến nay đã lan tỏa đến khắp 17/17 xã, thị trấn. Qua đó, mô hình đã hỗ trợ hàng ngàn loại con giống, gồm: lợn, gà, vịt cho những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo.

Xúc động khi được cán bộ xã thông báo mình là một trong những hộ đầu tiên nhận con giống từ mô hình “Cần câu Xanh” trên địa bàn, chị Tôn Nữ Thị Phượng (thôn Thủy Tụ, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) cho hay, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, chồng bị bệnh và đã qua đời vào đầu năm nay, để lại chị và 3 người con. “Khi biết tin, Xã đoàn Lộc Tiến hỗ trợ 40 con gà giống để mấy mẹ con phát triển sinh kế giúp gia đình cải thiện nguồn thu nhập, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống nên mấy mẹ con tôi rất vui”, chị Phượng chia sẻ.

Theo Xã đoàn Lộc Tiến, mô hình chăn nuôi của chị Phượng bước đầu mang lại hiệu quả, đàn gà sinh trưởng tốt. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, mô hình “Cần câu Xanh” do Xã đoàn Lộc Tiến thực hiện đã hỗ trợ nhiều lợn, gà giống cho nhiều gia đình khó khăn có nguyện vọng phát triển sinh kế.

Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến chia sẻ, Lộc Tiến là địa bàn khó khăn. Do đó, công tác GNBV là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là Đoàn Thanh niên đóng vai trò rất quan trọng. Với mong muốn tạo ra một mô hình mới, “Cần câu Xanh” đã ra đời nhằm kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trợ lực cho những hoàn cảnh khó khăn phát triển sinh kế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Xã đoàn thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã tiến hành rà soát, khảo sát và lựa chọn đảm bảo đúng người, đúng đối tượng trong quá hỗ trợ.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/giam-ngheo-ben-vung-bang-cac-mo-hinh-xanh-i726006/