Giám đốc, thực tập sinh đều khó tìm việc năm nay

Thị trường tuyển dụng năm 2024 sẽ vẫn chịu ảnh hưởng do những tác động từ năm cũ. Trong đó, thực tập sinh và giám đốc là 2 cấp bậc có nhu cầu tuyển dụng thấp nhất.

Báo cáo Lương và Thị trường lao động năm 2024, do tập đoàn tuyển dụng nhân sự Navigos Group thực hiện, đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về thị trường tuyển dụng tại Việt Nam trong năm mới.

Theo ông Ryosuke Kanemoto, CEO Navigos Group, những biến động kinh tế xảy ra trên thế giới trong năm 2023 đã làm cho triển vọng của thị trường lao động toàn cầu bấp bênh và ảnh hưởng đến Việt Nam.

Trong đó, thị trường lao động Việt Nam chịu tác động kéo dài chồng chéo như đại dịch, chiến tranh. Tổng cầu thế giới suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Điều này kéo theo hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng tới đời sống.

Tuyển dụng chậm chạp

Theo kết quả khảo sát, có 454/550 doanh nghiệp cho biết họ bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, chiếm 82,2%.

Các doanh nghiệp trải dài trong nhiều lĩnh vực, ngành hàng, với mức độ bị ảnh hưởng khác nhau, có thể kế đến như Ngân hàng, Vận tải/Giao nhận/Chuỗi cung ứng, Tự động hóa/Ôtô, Sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản, Thương mại điện tử/Dịch vụ trực tuyến và Công nghệ tài chính, Thực phẩm và đồ uống/Ngành hàng tiêu dùng nhanh...

Thông tin trong báo cáo dựa trên phân tích phản hồi từ hơn 550 doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực. Trong đó, Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai khu vực chiếm tỷ trọng lớn của các doanh nghiệp tham gia khảo sát, với tỷ lệ lần lượt là 45,9% và 27,9%.

Ngoài hai khu vực trên, còn có doanh nghiệp hoạt động tại Bình Dương (chiếm 3,2%), Quảng Nam (chiếm 2,9%), Hải Phòng (chiếm 1,8%), ngoài ra là các doanh nghiệp hoạt động đa địa điểm trên toàn quốc (chiếm 5,2%).

70% trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát ở quy mô vừa và nhỏ. Những công ty có dưới 100 nhân viên chiếm 44,3%, những doanh nghiệp có 100-500 nhân sự chiếm 32,4%.

Ở quy mô lớn hơn, các doanh nghiệp có 500-1.000 nhân sự chiếm 9,2%, doanh nghiệp lớn có 1.000-3.000 nhân sự chiếm 7,4% và những tập đoàn có 3.000 nhân viên trở lên chiếm 6,7%.

 Báo cáo của Navigos dựa trên đại diện từ 550 doanh nghiệp lớn, nhỏ trên cả nước. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Báo cáo của Navigos dựa trên đại diện từ 550 doanh nghiệp lớn, nhỏ trên cả nước. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Để ứng phó với các biến động thị trường, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự (68,7%). Đứng thứ 2 là biện pháp ngưng tuyển dụng mới, với 52,6% bình chọn.

Trong tổng số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, một số doanh nghiệp lựa chọn chỉ tuyển dụng thêm nhân sự thời vụ hoặc lao động tự do trong vòng 1 năm tới (chiếm 4,5%). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng thêm nhân sự chiếm 18,4%.

Có rất ít doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự số lượng lớn trong năm 2024. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng thêm từ 50-75% nhân sự và tuyển dụng thêm trên 75% nhân sự chỉ chiếm lần lượt 1,4% và 1,3%, xếp cuối cùng trong kết quả khảo sát.

Tuy nhiên, vẫn có một con số khả quan là 59,1% công ty cho biết họ sẽ tuyển dụng thêm nhân sự trong năm nay, ở mức dưới 25%.

 Những số liệu đang minh chứng thị trường lao động toàn cầu còn nhiều bấp bênh. Ảnh minh họa: Alexander Suhorucov/Pexels.

Những số liệu đang minh chứng thị trường lao động toàn cầu còn nhiều bấp bênh. Ảnh minh họa: Alexander Suhorucov/Pexels.

Triển vọng của thị trường lao động Việt Nam khá ảm đảm một phần là do những tác động của thị trường việc làm trên toàn thế giới.

Theo đánh giá toàn diện về các đợt sa thải trong năm 2023 của Bloomberg, các lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực đã sa thải gần nửa triệu nhân viên trên khắp thế giới.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, việc ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay bị hạn chế do sự kết hợp giữa lạm phát tăng, lãi suất cao, cùng với đó là khó khăn về nợ ngày càng tăng.

Nhiều nước sụt giảm tỷ lệ tuyển dụng đến hơn 40% như ở Singapore, Canada, và Ấn Độ. Một số nền kinh tế lớn khác như Thụy Điển, Anh, Pháp, Bỉ, Italy... cũng sụt giảm tỷ lệ tuyển dụng xuống mức 30%, theo số liệu từ Global Talent Trends 2023 của LinkedIn công bố hồi tháng 5/2023.

Ngành nào đang được quan tâm?

Theo báo cáo của Navigos Group, các phòng ban mà doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên tuyển dụng trong 1 năm tới bao gồm:

Kinh doanh/bán hàng: Đây là phòng ban mà các doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyền dụng nhiều nhất trong 1 năm tới, khi có đến 62,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn.
Sản xuất: Lĩnh vực sản xuất đứng ở vị trí thứ 2, với 26,1% lựa chọn.
Truyền thông tiếp thị: Những nhân sự làm việc trong lĩnh vực này cũng nhận được nhiều sự săn đón, chiếm tỷ lệ 19,8%.

Ngoài ra, các phòng ban dịch vụ khách hàng, nghiên cứu và phát triển, công nghệ thông tin cũng được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn, với tỷ trọng lần lượt là 18,2%, 17,7%, và 16,9%.

Trong khi đó, các phòng ban như kỹ thuật, hành chính tổng hợp bị các doanh nghiệp hạn chế ưu tiên tuyển dụng trong giai đoạn 12 tháng tới.

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện tại, ứng viên có kinh nghiệm làm việc, có khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề được các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng hơn cả.

 Nhân viên kinh doanh, sản xuất, truyền thông tiếp thị được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng. Ảnh minh họa: Christina Morillo/Pexels.

Nhân viên kinh doanh, sản xuất, truyền thông tiếp thị được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng. Ảnh minh họa: Christina Morillo/Pexels.

Cụ thể, yếu tố giải quyết vấn đề đứng đầu tiên, với 51,7% lựa chọn từ đại diện các doanh nghiệp. Theo sau đó là yếu tố có từ 1-3 năm kinh nghiệm làm việc (chiếm 50,3%) và kỹ năng giao tiếp hiệu quả (chiếm 48,8%).

Đứng thứ 4 và thứ 5 trong kết quả khảo sát là yếu tố ngoại ngữthích ứng với thay đổi, lần lượt chiếm 47,6% và 42,7%.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát, một số yếu tố khác của ứng viên cũng được nhà tuyển dụng quan tâm và ưu tiên là kỹ năng hợp tác, tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, khả năng phục hồi, linh hoạt và nhanh nhẹn

Trong bối cảnh hiện tại, cấp bậc Đã có kinh nghiệm (nhưng chưa phải quản lý) được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhiều nhất, tiếp theo sẽ là Mới tốt nghiệp và Quản lý bộ phận.

Thực tập sinh Giám đốc là 2 cấp bậc có nhu cầu tuyển dụng thấp nhất.

Mỹ Trinh

Đồ họa: macrovector/Freepik

Nguồn Znews: https://znews.vn/giam-doc-thuc-tap-sinh-deu-kho-tim-viec-nam-nay-post1462469.html