Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm

(ABO) Trong phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X, các đại biểu HĐND đã thẳng thắn thảo luận, trao đổi, chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề “nóng”. Trong đó, những khó khăn, bất cập trong Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (gọi tắt là Nghị định 116) và vấn đề xử lý các bãi rác ô nhiễm tại một số địa phương được nhiều đại biểu quan tâm.

VÌ SAO CHƯA THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 116?

Nghị định 116 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2020. Đây được xem là “luồng gió mới” thu hút nhiều người giỏi vào học sư phạm, góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Thị Bé Phượng chất vấn, Nghị định 116 có hiệu lực thi hành năm 2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022, nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thể tổ chức triển khai thực hiện chính sách này dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của các sinh viên ngành Sư phạm, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh và giảng dạy sinh viên sư phạm, đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân do đâu?

Đại biểu Lê Thị Bé Phượng chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu cho biết, ngày 25-9-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 116. Theo đó, việc đào tạo giáo viên của địa phương có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng và đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu trả lời chất vấn.

Theo đó, căn cứ tình hình thiếu giáo viên, nhu cầu của tỉnh và năng lực đào tạo của Trường Đại học Tiền Giang, qua tham mưu của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh đã ban hành 2 Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho Trường Đại học Tiền Giang, cụ thể: Khóa đào tạo năm 2021: 404 sinh viên (Giáo dục tiểu học: 132, Toán: 75, Ngữ văn: 67, Giáo dục mầm non: 130); còn khóa đào tạo năm 2022: 179 sinh viên (Giáo dục tiểu học: 15, Toán: 21, Ngữ văn: 23, Giáo dục mầm non: 120).

Do Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 có thay đổi kết cấu môn học nên ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh thiếu giáo viên chủ yếu ở các môn xã hội, môn học mới là: Địa lý, Lịch sử, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nghệ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Trong khi đó, Trường Đại học Tiền Giang chưa đào tạo giáo viên các môn học này do chưa đủ điều kiện để Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận cho mở mã ngành (hiện Trường Đại học Tiền Giang chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép 4 mã ngành đào tạo sư phạm gồm: Giáo dục nầm non, Tiểu học, Ngữ văn và Toán).

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 116, Tiền Giang cùng với nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số khó khăn như sau: Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ chưa có quy định, hướng dẫn về chính sách tuyển dụng cho địa phương đối với các đối tượng sinh viên đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116.

Tập huấn giáo viên mầm non Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho.

Tập huấn giáo viên mầm non Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho.

Sinh viên đào tạo theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng sau khi tốt nghiệp không thể tuyển dụng ngay mà phải qua thi tuyển/xét tuyển viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trường hợp sinh viên thôi học giữa chừng hoặc sau 2 năm tốt nghiệp nếu không trúng tuyển viên chức thì phải thực hiện việc bồi hoàn kinh phí đã được Nhà nước hỗ trợ (học phí và sinh hoạt phí).

Đối với sinh viên tự túc chi phí học tập, không nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm học tại các trường đại học khác (ngoài tỉnh), đối tượng này vẫn được tham gia thi/xét tuyển và nếu trúng tuyển sẽ dẫn đến thiếu công bằng trong chính sách (cùng là giáo viên, nhưng người được hỗ trợ kinh phí đào tạo, người không được hỗ trợ) và dẫn đến việc khó xác định nguồn dự tuyển giáo viên hằng năm của tỉnh.

Việc thu hồi kinh phí của người học theo Nghị định 116 không gắn với quyền được tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp đã được địa phương cấp ngân sách hỗ trợ. Do đó, địa phương sẽ gặp khó khăn khi giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và chi trả kinh phí đào tạo, hỗ trợ sinh viên...

Những khó khăn chung trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 116 cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận; cụ thể tại Thông báo số 953/TB-BGDĐT ngày 1-6-2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng kết luận tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018” có nội dung “… Việc triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn tồn tại một số bất cập, khó khăn, vướng mắc như công tác đặt hàng đào tạo, tuyển dụng sinh viên khi ra trường, bồi hoàn kinh phí đào tạo theo Nghị định 116…”.

Trước những khó khăn, bất cập trên, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần kiến nghị trực tiếp về Bộ Giáo dục và Đào tạo (tại các hội nghị, hội thảo) và kiến nghị bằng văn bản (Công văn số 1028/SGDĐT-TCHC ngày 28-7-2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo) đề nghị hướng dẫn giải quyết. Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến lần 3 để trình Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 116.

Về những giải pháp trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương rà soát tình hình đội ngũ giáo viên; từ đó, có kế hoạch giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu của tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính sớm cấp kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho Trường Đại học Tiền Giang theo Nghị định 116.

Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn và tham mưu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 116; chỉ đạo và tạo điều kiện cho Trường Đại học Tiền Giang nâng cao chất lượng đào tạo các ngành Sư phạm nói chung, để thực hiện tốt việc đào tạo giáo viên cho tỉnh, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Trường Đại học Tiền Giang cần xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đủ điều kiện đấu thầu, đặt hàng đào tạo từ các tỉnh/thành bạn.

Cùng với đó là tiếp tục triển khai thực hiện 2 nghị quyết của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND quy định về các chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy môn học trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng của tỉnh) để thu hút, hỗ trợ giáo viên giảng dạy trên địa bàn.

KIẾN NGHỊ XỬ LÝ CÁC BÃI RÁC Ô NHIỄM

Thời gian qua, mặc dù được sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong việc xử lý các bãi rác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri, thời gian qua, rác tại bãi rác Tân Lập (huyện Tân Phước), xã Long Chánh (TX. Gò Công) không được xử lý mà chỉ chôn lấp nên dẫn đến tình trạng quá tải và gây ô nhiễm nghiêm trọng khu vực xung quanh. Vấn đề trước mắt, đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp để xử lý tránh gây ô nhiễm và giảm mùi hôi; đồng thời, cho biết giải pháp trong việc kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Phương giải trình.

Trả lời vấn đề này, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Phương cho biết, Dự án Nhà máy xử lý rác tại bãi rác Tân Lập 1, huyện Tân Phước, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án và đã có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các vấn đề liên quan đến Dự án Đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình số 3817/TTr-STNMT ngày 31-8-2023 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Tân Lập 1, huyện Tân Phước và đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định tại Báo cáo số 2380/BC-SKH&ĐT ngày 31-8-2023.

Ngày 22-11-2023, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành để xem xét đối với các đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 3817/TTr-STNMT. Ngày 5-12-2023, UBND tỉnh tiếp tục cuộc họp lần 2 trên cơ sở chỉnh sửa và đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án.

Hiện nay, việc mời gọi đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh đang được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt để tổ chức triển khai thực hiện. Về quy mô dự án, thời gian mời gọi đầu tư và hình thức kêu gọi đầu tư dự án dự kiến: Diện tích đất sử dụng: 13,66 ha; công suất thiết kế: Khoảng 750 tấn rác/ngày.đêm; dự án có khả năng mở rộng, tăng công suất trong tương lai. Tổng vốn đầu tư dự kiến: 640 tỷ đồng. Thời gian kêu gọi đầu tư dự kiến: Từ quý I-2024 đến quý II-2024. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư: Đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Về Dự án Nhà máy xử lý rác thải Long Chánh, dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, tuy nhiên do vị trí dự án hiện hữu không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19-5-2021 của Bộ Xây dựng nên Liên danh nhà đầu tư đã thông báo chấm dứt hoạt động Dự án Đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Long Chánh. Ngày 21-4-2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 1877/UBND-TH về việc chấm dứt hoạt động Dự án Nhà máy xử lý rác thải Long Chánh.

Để triển khai công tác bảo vệ môi trường tại các bãi rác trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 387/KH-UBND ngày 23-8-2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 7-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong đó, đã giao UBND các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, TX. Gò Công, lập phương án cụ thể, tổ chức thực hiện để kiểm soát và hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường, xử lý rác tại các bãi rác hiện hữu; bao gồm: 3 bãi rác tại huyện Gò Công Tây; bãi rác Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông; bãi rác Thanh Bình, huyện Chợ Gạo; bãi rác Long Chánh, TX. Gò Công. Tiến tới, tỉnh đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường tại các bãi rác khi các khu xử lý chất thải rắn tập trung của tỉnh được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành. Hiện nay, các địa phương huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công cũng đã lập các phương án để xử lý rác cũ tại các bãi rác hiện hữu cũng như việc cải tạo phục hồi môi trường tại các bãi rác để tổ chức triển khai thực hiện.

Đ.PHI - C.THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202312/ky-hop-thu-11-hdnd-tinh-tien-giang-khoa-x-giai-trinh-lam-ro-nhieu-van-de-dai-bieu-cu-tri-quan-tam-997843/