Giai thoại kỳ lạ về con cừu đá 2.000 tuổi ở Bắc Ninh

Lúc sinh thời Sĩ Nhiếp nuôi hai con cừu rất đẹp, suốt ngày quấn quýt bên người. Khi ông qua đời cả hai con cừu không có người chăn dắt nên hư thân mất nết, thường phá hoại hoa màu của dân làng...

Tọa lạc ở Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chùa Dâu là ngôi chùa có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam. Di vật xưa nhất còn sót lại của chùa là một con cừu đá có vào thời thuộc Hán, khoảng thế kỷ thứ 2.

Bức tượng cừu này dài 1,33 mét, cao 0,8 mét, được tạc từ một tảng đá nguyên khối. Xung quanh con cừu cổ là nhiều giai thoại lý thú được lưu truyền trong dân gian.

Huyền sử kể rằng, vào thời Luy Lâu còn là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của nước ta, có một vị sư người Ấn Độ sang tu hành và truyền bá đạo Phật. Ông dắt theo hai con cừu.

Một hôm, sư sơ ý để cả hai con đi lạc. Một con lạc đến chùa Dâu, con kia lạc đến lăng Sĩ Nhiếp (Thái thú Giao Chỉ thời đó). Sau này, dân địa phương này đã tạc tượng hai con cừu bằng đá ở nơi chúng đến để thờ.

Nếu quan sát gần, con cừu ở chùa Dâu bị lõm cả đầu và lưng, nhìn kỹ thấy các vết mài rất sắc trên lưng như kiểu bị chém. Quanh dấu vết này, lại có một giai thoại khác được kể.

Theo đó, lúc sinh thời Sĩ Nhiếp nuôi hai con cừu rất đẹp, suốt ngày quấn quýt bên người. Khi ông qua đời cả hai con cừu không có người chăn dắt nên hư thân mất nết, thường phá hoại hoa màu của dân làng.

Biết là cừu nhà quan nên người dân không dám đụng vào. Có anh chàng mới lớn “coi trời bằng vung” không biết sợ oai quan Thái thú, thấy cừu đến phá liền vác dao ra đuổi chém. Cả hai con đều bị trọng thương.

Một con chạy về phủ phục bên cửa lăng Sĩ Nhiếp, một con chạy đến chân tháp Hòa Phong chùa Dâu thì kiệt sức. Cừu chết biến thành đá, trên lưng hằn rõ vết chém mà ngày nay vẫn còn dấu tích.

Theo một giai thoại khác thì con cừu chùa Dâu ngỗ nghịch nên bị trời phạt đánh cho sụn lưng phải quỳ ở chân tháp Hòa Phong để tu.

Theo một số người cao tuổi ở địa phương thì vết chém trên lưng cừu mới chỉ có từ gần đây.

Nguyên do là khoảng những năm 1960, các thành viên trong hợp tác xã địa phương dân làng có thói quen dùng pho tượng cừu đá trong chùa để mài dao kéo, lâu ngày tạo nên dấu tích như vậy.

Không ai rõ là từ vết chém trên lưng cừu người ta mới sáng tác ra sự tích cừu bị chém, hay tích này có từ xưa, sau này hoạt động của con người mới vô tình tạo ra dấu vết trùng hợp với tích cổ.

Trở lại với chuyện hai con cừu đi lạc, trong đó một con lạc đến lăng Sĩ Nhiếp, thì quả là ở lăng Sĩ Nhiếp cách chùa Dâu 3 km cũng có một con cừu đá cổ cùng kiểu dáng, chất liệu.

Những người am hiểu về lịch sử cho rằng, có thể hai bức tượng cừu vốn được đặt ở lăng Sĩ Nhiếp thành một cặp theo tục chôn cất của người phương Bắc.

Vì lý do nào đó, một bức tượng đã được kéo về chùa Dâu vào thời kỳ sau này. Bởi vậy mà hiện nay chùa Dâu có một tượng cừu và ở Lăng Sĩ Nhiếp cũng có một con... (Bài có tham khảo tư liệu của báo Bắc Ninh).

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/giai-thoai-ky-la-ve-con-cuu-da-2000-tuoi-o-bac-ninh-1978634.html