Giải quyết thách thức về kinh tế, dân số già và định hướng chính sách

Giới tinh hoa chính trị và các nhà lập pháp của Trung Quốc đang tập trung tại Bắc Kinh để tham dự kỳ họp 'lưỡng hội' hàng năm. Đây là sự kiện quan trọng tạo nên âm hưởng cho quỹ đạo chính sách của quốc gia trong bối cảnh các rào cản kinh tế và sự thay đổi nhân khẩu học nảy sinh…

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024

Kỳ họp "lưỡng hội" Trung Quốc năm nay bắt đầu vào đầu tuần này với phiên khai mạc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (CPPCC) ngày 4.3. Một ngày sau đó, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội - NPC) khai mạc. Kỳ họp "lưỡng hội" diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh và thường kéo dài từ 1 - 2 tuần. Sự kiện chính trị này rất quan trọng để hiểu được định hướng tương lai của Trung Quốc trên cả đấu trường trong nước và quốc tế.

Tâm điểm của kỳ họp “lưỡng hội” là Báo cáo công tác của Chính phủ được Thủ tướng Lý Cường trình bày trước gần 3.000 đại biểu NPC ngày 5.3. Báo cáo này rất được mong đợi vì nó cho thấy rõ nhất sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, cùng các ưu tiên chiến lược trong năm tới.

Giới tinh hoa chính trị và các nhà lập pháp của Trung Quốc đang tập trung tại Bắc Kinh để tham dự kỳ họp “lưỡng hội” hàng năm. Đây là sự kiện quan trọng tạo nên âm hưởng cho quỹ đạo chính sách của quốc gia trong bối cảnh các rào cản kinh tế và sự thay đổi nhân khẩu học nảy sinh…

Giới tinh hoa chính trị và các nhà lập pháp của Trung Quốc đang tập trung tại Bắc Kinh để tham dự kỳ họp “lưỡng hội” hàng năm. Đây là sự kiện quan trọng tạo nên âm hưởng cho quỹ đạo chính sách của quốc gia trong bối cảnh các rào cản kinh tế và sự thay đổi nhân khẩu học nảy sinh…

Trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với rủi ro giảm phát và thách thức của tình trạng dân số già đi nhanh chóng, báo cáo dự kiến sẽ đưa ra các mục tiêu tăng trưởng mới và các chương trình chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách. Các cuộc thảo luận chính có thể sẽ tập trung vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh ngoại thương, đầu tư, việc làm, đồng thời giải quyết tình trạng mất cân bằng nhân khẩu học đe dọa sự thịnh vượng lâu dài.

Một trong những khía cạnh chính của Báo cáo công tác Chính phủ là đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm. Vào năm 2023, báo cáo đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” và nó đã được vượt qua do tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II và quý IV. Thực tế, GDP năm 2023 tăng 5,2% so với năm 2022. Các nhà phân tích kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng tương tự cho năm 2024. Giới quan sát nhận định, Trung Quốc sẽ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 vào khoảng 5%, tương tự như mức năm 2023, vì Chính phủ sẽ tìm cách khuyến khích chính quyền địa phương đổ nguồn lực vào kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, việc đạt được điều đó vào năm 2024 có thể gặp nhiều thách thức hơn.

Nếu mục tiêu tăng trưởng được đặt ở mức khoảng 5%, Báo cáo công tác Chính phủ có thể sẽ công bố chính sách tài khóa bổ sung và các biện pháp kích thích để bảo đảm quốc gia đạt được mục tiêu trên. Chính phủ cũng có thể xem xét phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt (STB) hoặc các loại trái phiếu khác để tăng cường kích thích kinh tế vào năm 2024. Ngoài ra, Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp như mở rộng ưu đãi thuế, giảm phí bên cạnh khả năng phát hành trái phiếu nói trên.

Bảo đảm khả năng phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững

Kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 cách đây một năm, Trung Quốc đã có sự phục hồi tuy chưa đồng đều nhưng ổn định. Trong khi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ phục hồi nhanh chóng, thì các lĩnh vực khác phải đối mặt với thách thức như tiêu dùng trì trệ trong nửa cuối năm và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sụt giảm.

Hội nghị Công tác kinh tế trung ương (CEWC) năm 2023, được tổ chức vào cuối năm ngoái, đã vạch ra các biện pháp cho năm 2024, tập trung vào việc duy trì quỹ đạo phục hồi thông qua thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng cường chính sách tài khóa chủ động, thực hiện cải cách thuế và tài chính, mở rộng tiếp cận thị trường và ổn định thị trường tài chính. Trong những năm gần đây, Chính phủ cũng đã đặt ra hạn ngạch cho các công cụ tài chính và trái phiếu khác nhau được sử dụng để tài trợ cho chính quyền địa phương. Điều này bao gồm việc thiết lập hạn ngạch hàng năm cho trái phiếu có mục đích đặc biệt (SPB) của chính quyền địa phương mà chính quyền địa phương có thể sử dụng để tài trợ cho các sáng kiến địa phương, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là công cụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và là một trong số ít phương pháp chuyển vốn từ chính quyền trung ương sang chính quyền địa phương.

Chính phủ dự kiến sẽ giải quyết việc cải thiện các lĩnh vực còn yếu kém của nền kinh tế, đặc biệt là thúc đẩy nhu cầu trong nước và cải thiện môi trường kinh doanh cho đầu tư và thương mại nước ngoài. Năm 2023, Chính phủ từng đề xuất kích thích nhu cầu trong nước thông qua tăng cường đầu tư vào các ngành công nghiệp và xã hội. Có thể trong năm nay, Báo cáo sẽ công bố thêm các biện pháp trực tiếp hơn để kích thích tiêu dùng, có khả năng tập trung vào nỗ lực tăng thu nhập hộ gia đình và ổn định thị trường nhà ở, lấy lại niềm tin của nhân dân. Cải thiện niềm tin kinh doanh - ưu tiên của năm 2023, có thể sẽ vẫn nằm trong chương trình nghị sự vào năm 2024.

Trong năm 2023 thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành các hướng dẫn nhằm cải thiện điều kiện cho các công ty nước ngoài, bao gồm các biện pháp tăng cường sự tham gia của nước ngoài vào hoạt động mua sắm của Chính phủ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng. Vì vậy, Báo cáo mới nhất có thể đề xuất các biện pháp tiếp theo để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và tạo sân chơi bình đẳng cho các công ty nước ngoài.

CEWC 2023 đã đề xuất nới lỏng khả năng tiếp cận thị trường trong các ngành dịch vụ, giải quyết các vấn đề về luồng dữ liệu xuyên biên giới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của doanh nghiệp thông qua các chính sách thị thực mới. Báo cáo công tác Chính phủ sẽ củng cố các đề xuất này, thúc giục các cơ quan Chính phủ có trách nhiệm và chính quyền địa phương xây dựng và thực hiện các kế hoạch thu hút vốn nước ngoài, tăng cường niềm tin. Ngoài ra, ngân sách quốc phòng, tăng 7,2% vào năm 2023, sẽ là một điểm thảo luận quan trọng trong kỳ họp “lưỡng hội”.

Các nghiên cứu nhấn mạnh tác động tiêu cực của dân số già đối với dòng vốn FDI, sự cần thiết phải đánh giá lại chính sách để giảm thiểu những tác động này. Khi Trung Quốc vật lộn với thách thức về nhân khẩu học, kỳ họp “lưỡng hội” cung cấp nền tảng quan trọng để thảo luận và xây dựng các chính sách nhằm giải quyết sự phức tạp của một xã hội già hóa, bảo đảm khả năng phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững.

Khi kỳ họp “lưỡng hội” diễn ra, thế giới đang theo dõi chặt chẽ, dự đoán những thay đổi chính sách sẽ không chỉ định hình bối cảnh trong nước của Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến các tương tác toàn cầu của nước này. Các cuộc thảo luận và quyết định giải pháp từ cuộc họp này sẽ mang lại những hiểu biết sâu sắc có giá trị về các định hướng chiến lược của Trung Quốc, giải quyết cả những thách thức trước mắt và lâu dài.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/giai-quyet-thach-thuc-ve-kinh-te-dan-so-gia-va-dinh-huong-chinh-sach-i361919/