Giải quyết tận gốc những vấn đề Quốc hội đặt ra

Ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư; Tài chính; Ngân hàng; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Vinh.

Chậm trễ trong công tác quy hoạch

ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, Nghị quyết 41 của Quốc hội đã nêu, cần khẩn trương xây dựng luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong năm 2021, theo đó sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA. “Đề nghị Bộ trưởng làm rõ công tác này đã được thực hiện như thế nào và đến ngày 4/5/2023 mới ban hành Nghị định 20 thì có ảnh hưởng gì đến tiến độ giải ngân vốn ODA không?” - ông Huân chất vấn.

Còn theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên), công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến nay kết quả thực hiện được rất thấp. Ngoài 2 quy hoạch lớn là quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch đất thì quy hoạch vùng mới đạt được 1/6, quy hoạch ngành 16/31 và quy hoạch tỉnh 13/63. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của những chậm trễ và giải pháp cho vấn đề này?”.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 61, các vướng mắc cơ bản được tháo gỡ, đến nay, tiến độ đang được triển khai khẩn trương. Hiện đã có 111 quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, từ quốc gia đến cấp tỉnh, đã hoàn thành việc thẩm định và trình thẩm định và đã phê duyệt 106/111 quy hoạch. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan.

“Hiện còn 4 quy hoạch của địa phương, trong đó có 2 quy hoạch rất khó là Hà Nội và TPHCM là hai cực tăng trưởng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Vì vậy Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức nghe riêng trước khi Hội đồng thẩm định họp” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội giải ngân thấp

ĐB Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cho biết, việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội (NOXH) của Đảng và Nhà nước được người dân kỳ vọng. Nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. “Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết khó khăn, vướng mắc và giải pháp để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển NOXH?”.

Trả lời về chương trình gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ NOXH, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là gọi tín dụng sử dụng nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng, lãi suất ưu đãi cũng từ các ngân hàng. Thời gian qua đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án. Đến nay đã có 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân. Theo Thống đốc, nhu cầu nhà ở lớn nhưng đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kỹ lưỡng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng quan tâm triển khai giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng và có mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Theo đó, có thêm nhiều ngân hàng thương mại tham gia thì vốn sẽ lớn hơn. “Mục tiêu 1 triệu căn hộ NOXH đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống, do đó Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp bộ ngành, địa phương... tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đạt mục tiêu chương trình” - Thống đốc nói.

Quản lý tài sản công “có vấn đề”?

ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Tài chính, rằng hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy, không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công. Lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn. Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ.

Về quản lý tài sản công, ĐB Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng có tình trạng lãng phí và tiêu cực trong quản lý và sử dụng. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc quản lý tài sản công là của nhiều ngành, nhiều cấp. Trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công. Như quản lý ô tô, nhà thuộc trách nhiệm từng đơn vị thì khi hỏng các đơn vị phải chịu trách nhiệm. Vấn đề là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công.

ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) dẫn câu chuyện về hàng nghìn tài sản công tại các huyện, xã đang bỏ không, để lãng phí sau sắp xếp. Bà Mai đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu rõ nguyên nhân và hướng xử lý.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trách nhiệm các đơn vị trong quản lý tài sản công được phân định rõ theo từng cấp, ngành. Như các tài sản công thuộc bộ ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ và cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính. Đa số tài sản công thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh khi sắp xếp huyện, xã sẽ do tỉnh quản lý. Hiện đã xử lý được 90% tài sản công, còn 10% tương đương gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó một nửa là bỏ không, gây lãng phí.

Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính là do việc định giá bán tài sản công gặp khó, cũng khó tìm cơ quan định giá, trong khi thị trường trầm lắng nên việc bán, chuyển nhượng cũng khó khăn. Ngoài ra, muốn chuyển mục đích tài sản công thì phải phê duyệt lại mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch và loạt thủ tục khác. Từ giữa tháng 9 Bộ Tài chính đã hướng dẫn, đôn đốc và sẽ làm việc với các đơn vị để đưa số tài sản này vào hoạt động.

Có dự án đã bố trí tái định cư nhưng không phát huy hiệu quả

ĐB Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, tại Nghị quyết 134 của Quốc hội có yêu cầu Chính phủ xây dựng, triển khai Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai. Quyết định 590 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí ổn định cho 47.159 hộ vùng thiên tai. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022 mới bố trí ổn định được cho hơn 5.000 hộ. So với mục tiêu đề ra đến năm 2025 thì cả nước cần bố trí ổn định cho 42.000 hộ vùng có nguy cơ thiên tai. Bà Xuân đề nghị làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ trên, trách nhiệm thuộc về ai và nếu không thực hiện được mục tiêu thì việc chịu trách nhiệm trước Quốc hội sẽ như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, tiến độ thực hiện công việc chậm vì đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa trung ương với địa phương. Khi các địa phương bố trí các dự án tái định cư, khi được phê duyệt, vì nhiều lý do, không còn quỹ đất, nên phải điều chuyển, di dời, đây là một vấn đề lớn. Cùng với đó, các dự án bố trí tái định cư thường kèm theo điều kiện về đất sản xuất của người dân, việc bố trí đất sản xuất này tương đối khó khăn, kéo lùi tiến độ bố trí dân cư.

Theo ông Hoan, có trường hợp các dự án đã bố trí tái định cư rồi nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả. Bà con đến ở một thời gian nhưng do thiếu sinh kế, không phù hợp tập quán, vẫn bỏ ra ngoài. Bộ đang đánh giá lại, thảo luận với các địa phương, trình Chính phủ để các khu tái định cư không chỉ đạt hiệu quả về tái định cư, mà còn hình thành được cộng đồng phát triển bền vững.

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, năm 2021 nhiều địa phương đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình các xã khu vực 2, khu vực 3, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng năm 2021 vẫn chưa được thực hiện với tỉnh Bắc Kạn là trên 28 tỷ đồng. “Đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân của việc chậm chi trả? Đến bao giờ người dân ở địa phương có rừng như tỉnh Bắk Kạn được chi trả tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng?”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách. Chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300 - 400 nghìn đồng. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh, mức này còn thấp. Hiện tại thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp và một Nghị định để nâng lên 400 - 600 nghìn đồng.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra. Đối với các thành viên Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước để làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật đã làm được, những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

M.Loan-H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-quyet-tan-goc-nhung-van-de-quoc-hoi-dat-ra-5743328.html