Giải quyết điểm nghẽn của dự án 'treo' hơn 10 năm

Gần 20ha đất có nhiều lợi thế thu hút đầu tư bị bỏ hoang hơn 10 năm qua trong khi người dân thiếu đất canh tác; nhà đầu tư khó khăn về tài chính; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp những vướng mắc không dễ giải quyết. Đó là thực trạng của Khu B – Khu công nghiệp Nam Phổ Yên, do Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Xuân Kiên VINAXUKI Thái Nguyên làm chủ đầu tư hạ tầng. Vấn đề là tại sao Dự án này nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm?

Một phần khu đất đã GPMB, san lấp dang dở và bỏ hoang hơn 10 năm qua tại Khu B – KCN Nam Phổ Yên.

Một phần khu đất đã GPMB, san lấp dang dở và bỏ hoang hơn 10 năm qua tại Khu B – KCN Nam Phổ Yên.

Gần 20ha đất bị bỏ hoang từ năm 2009

Khu B – Khu công nghiệp (KCN) Nam Phổ Yên có diện tích quy hoạch 41,5ha tại xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên), nằm ở khoảng giữa Quốc lộ 3 cũ và cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Thời điểm Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Xuân Kiên VINAXUKI (gọi tắt là Công ty Xuân Kiên) được cấp giấy chứng nhận đầu tư hạ tầng, tháng 4-2008, Dự án mang theo những kỳ vọng lớn của nhà đầu tư, của các cấp chính quyền và cả người dân. VINAXUKI lúc đó đang là một doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất ô tô thương hiệu Việt, trong khi người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án được cam kết sẽ có việc làm trong nhà máy của Công ty tại đây nên đồng thuận cao.

Ở giai đoạn đầu, việc triển khai Dự án khá thuận lợi và nhanh chóng. Tháng 6-2009, UBND tỉnh có qu

yết định giao gần 25ha đất cho Công ty Xuân Kiên. Sau khi chuyển kinh phí trên 25 tỷ đồng để chính quyền chi trả bồi thường, nhà đầu tư nhanh chóng san lấp 18,5ha, xây dựng Nhà máy đúc gang và thép hợp kim cao cấp phục vụ sản xuất phụ tùng ô tô trên diện tích khoảng 2ha.

Ông Nguyễn Thế Hùng, một người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án: Gia đình tôi bị thu hồi 5 sào ruộng, họ san lấp dang dở rồi bỏ hoang. Chúng tôi mong sớm được hỗ trợ bổ sung hoặc trả lại đất để canh tác.

Mọi việc đang suôn sẻ thì từ cuối tháng 9-2009, hoạt động thi công san lấp bị dừng lại do người dân phản đối, ngăn cản và yêu cầu nhà đầu tư bồi thường, hỗ trợ bổ sung theo quy định mới (Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, có hiệu lực từ ngày 1-10-2009). Để giải quyết vấn đề, nhà đầu tư cam kết sẽ hỗ trợ thêm 9 tỷ đồng để cùng với chính quyền bồi thường bổ sung cho người dân, nhưng vẫn chưa thực hiện.

Vướng mắc về mặt bằng, nhà đzu tư khó khăn về tài chính nên Dự án “bất động” từ cuối năm 2009 đến nay. Gần 20ha đất đã GPMB, san lấp dở dang bị bỏ hoang, một phần nhỏ được người dân tận dụng canh tác nhưng không hiệu quả vì thiếu nước hoặc ngập úng do việc san lấp lúc trước. Nhà máy đúc gang và thép hợp kim của Công ty Xuân Kiên xây dựng trên diện tích 2ha cũng dừng hoạt động từ năm 2014, dây chuyền máy móc hoen rỉ. Xót xa vì hàng chục ha đất bị bỏ hoang trong khi thiếu đất canh tác, người dân đã rất nhiều lần kiến nghị giải quyết…

Cần hướng giải quyết dứt điểm

Việc Dự án xây dựng hạ tầng Khu B – KCN Nam Phổ Yên “treo” nhiều năm, gây lãng phí đất đai và bức xúc cho người dân địa phương là thực tế rõ ràng. Vậy tại sao vấn đề này chưa được giải quyết dứt điểm, cái khó của các cấp, ngành liên quan và nhà đầu tư ở đây là gì? Đó là những câu hỏi mà dư luận đang đặt ra.

Theo tìm hiểu chúng tôi, nhiều năm trở lại đây, Công ty Xuân Kiên lún sâu vào khó khăn về tài chính, dự án tại các tỉnh khác cũng đình trệ kéo dài. Mới đây, nhiều tài sản của Công ty đã bị ngân hàng phát mại để thu hồi vốn cho vay. Đối với Dự án này, Công ty khó tiếp tục triển khai nếu không tìm được đối tác đầu tư.

Nếu nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai, theo quy định thì việc xử lý các dự án như trường hợp này sẽ có ít nhất 2 phương án: Một là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi và cấp phép cho nhà đầu tư khác; hai là có nhà đầu tư mới nhận chuyển giao Dự án, mua lại tài sản từ Công ty Xuân Kiên hoặc hợp tác đầu tư.

Ở phương án thứ nhất, khi thu hồi Dự án, cơ quan chức năng sẽ phải tính toán các chi phí hợp pháp mà nhà đầu tư đã bỏ ra, sau đó dùng ngân sách để chi trả (với điều kiện nhà đầu tư không vi phạm các quy định pháp luật liên quan). Đây là một “bài toán” khó bởi chính quyền có thể sẽ phải dùng số ngân sách không nhỏ để giải quyết, kể cả những vướng mắc mặt bằng còn lại. Trong khi tỉnh cần ưu tiên nguồn ngân sách cho nhiều vấn đề khác và Dự án được thu hồi chưa biết khi nào mới thu hút được nhà đầu tư mới (tiếp tục gây lãng phí đất đai).

Việc giải quyết Dự án theo phương án thứ hai cũng không đơn giản, Được biết, Công ty Xuân Kiên cũng tích cực mời gọi, tìm nhà đầu tư để hợp tác hoặc chuyển giao Dự án nhưng chưa có kết quả. Theo đại diện một số doanh nghiệp là chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, sẽ hiếm nhà đầu tư muốn nhận chuyển giao, hợp tác tiếp tục triển khai những dự án như vậy bởi sẽ phải bỏ ra khoản tiền lớn để mua lại số tài sản không có nhiều giá trị với họ, chưa tính việc phải đề nghị điều chỉnh Dự án cho phù hợp…

Thực tế, UBND tỉnh và các cấp, ngành liên quan đã chia sẻ với những khó khăn, tạo điều kiện để Công ty Xuân Kiên tiếp tục triển khai hoặc chuyển giao Dự án theo quy định. Ngày 22-7-2019, trong Kết luận kiểm tra toàn diện Dự án này, UBND tỉnh đồng ý cho Công ty Xuân Kiên giải quyết các tồn tại, vướng mắc mặt bằng và thủ tục pháp lý về đất đai để tiếp tục thực hiện Dự án trong thời hạn 1 năm từ khi ban hành Kết luận. Tuy vậy, đã hết 1 năm nhưng nhà đầu tư chưa thực hiện được các nội dung theo Kết luận.

Dù khó giải quyết nhưng thực trạng này không thể kéo dài vô thời hạn vì sự lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và gây bức xúc trong dư luận. Do đó, việc sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm vấn đề là rất cần thiết và giải pháp nào cũng cần sự hợp tác, trách nhiệm của nhà đầu tư.

Trần Quyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/giai-quyet-diem-nghen-cua-du-an-%E2%80%9Ctreo%E2%80%9D-hon-10-nam-273098-108.html