Giải quần vợt ESE Junior Circuit: Thi đấu và 'săn' học bổng du học

Diễn ra trong hai ngày cuối tuần qua, Giải quần vợt ESE Babolat Junior Circuit là sân chơi dành cho những tài năng nhí lứa tuổi U14 gói gọn ở các nội dung đơn và đôi nam nữ, mỗi trận đấu chỉ gồm hai ván với tối đa 4 games.

Gần 20 tay vợt đăng ký tham dự giải để nhận điểm UTR (Universal Tennis Rating - hệ thống tính điểm quốc tế đã được Liên đoàn quần vợt Việt Nam giới thiệu), qua đó gia tăng hy vọng nhận học bổng của các trường đại học quốc tế thông qua năng khiếu chơi quần vợt.

Các VĐV U14 tham dự giải ESE Babolat Junior Circuit

Trưởng Ban tổ chức giải, kiêm trưởng ban trọng tài và phụ trách cả khâu khen thưởng là Pascal Petit, một HLV người Pháp có bằng của ITF (Liên đoàn quần vợt thế giới). Mê quần vợt nhưng không theo con đường thi đấu chuyên nghiệp, ông theo học văn hóa và có tới hai bằng thạc sĩ tài chính và công nghệ thông tin.

Các VĐV sử dụng bóng Foam cỡ 21 và được tính điểm UTR

Sang Việt Nam làm việc cho một ngân hàng quốc tế, chỉ sau một thời gian, Pascal bỏ việc. Nhận thấy người Việt rất thích quần vợt nhưng lại hiếm sân chơi quần vợt cho trẻ em, ông cùng vợ mở sân tập tennis cho trẻ.

Với đam mê tennis cùng khả năng phân tích của một chuyên gia tài chính ngân hàng, Pascal dễ dàng trở thành ông thầy đáng tin cậy trong mắt các phụ huynh do cách huấn luyện phù hợp trẻ nhỏ. Đến nay, Pascal có tới khoảng 150 học viên, trong đó ước tính 90% là trẻ em nước ngoài.

Pascal Petit trao giải cho các VĐV nội dung đơn nam

Tổ chức giải và áp dụng hệ thống tính điểm UTR, Pascal Petit đã cập nhật mọi thông số của giải để xây dựng cơ sở dữ liệu tính điểm cho học viên. Pascal Petit tiết lộ, tuyển thủ Việt kiều giành á quân đơn nữ SEA Games Savanna Ly Nguyen chính là ví dụ điển hình khi nhờ điểm UTR để nhận học bổng toàn phần tại đại học ở Mỹ.

UTR là hệ thống tính điểm nhằm đưa ra các chỉ số đánh giá về kỹ năng chơi quần vợt, được Liên đoàn quần vợt Việt Nam giới thiệu rộng rãi từ năm 2019.

Mặc dù là môn thể thao toàn cầu, nhưng quần vợt lại không có được một hệ thống xếp hạng chung cho mọi tay vợt chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Nếu như điểm ATP/WTA để dành cho các tay vợt chuyên nghiệp nam và nữ, điểm ITF tính cho các tay vợt trẻ thì những tay vợt nghiệp dư và bán chuyên chỉ được tính điểm và xếp hạng dựa theo diễn đàn mà họ tham gia.

Tuyển thủ Việt kiều Savanna Ly Nguyen nhờ điểm UTR để nhận học bổng tại đại học Mỹ

Đa số người chơi quần vợt trong thực tế chỉ tham dự các giải đấu tại địa phương, tại quốc gia nên bất cứ thứ hạng, điểm số mà họ tích lũy sau các giải đấu chỉ bó hẹp trong khu vực hoặc quốc gia tham dự. Trên thế giới, hàng trăm Liên đoàn quần vợt cũng đều chỉ có một bảng xếp hạng tính cho các VĐV của quốc gia, không phản ảnh chính xác được kỹ năng, trình độ của từng VĐV theo thước đo tiêu chuẩn.

Hệ thống tính điểm quốc tế (UTR – Universal Tennis Rating) đưa ra các chỉ số đánh giá về kỹ năng chơi quần vợt trên toàn cầu và hệ thống tính điểm này có thể sử dụng chung cho mọi VĐV, chuyên nghiệp lẫn không chuyên, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Hệ thống tính điểm UTR còn giúp VĐV có thể tham dự bất cứ giải đấu phong trào nào trên thế giới thuộc hệ thống điểm của UTR.

UTR đang được rất nhiều Liên đoàn quần vợt, học viện, tổ chức quốc tế sử dụng như USTA (Liên đoàn quần vợt Mỹ), Tennis Canada (Liên đoàn quần vợt Canada), LTA British Tennis (Hiệp hội quần vợt Anh quốc), Rafa Nadal Academy (Học viện quần vợt Rafa Nadal), John McEnroe Tennis Academy (Học viện quần vợt John McEnroe), LTA of Thailand (Hiệp hội quần vợt Thái Lan)...

Đông Linh - Ảnh: ESE Academy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/the-thao/giai-quan-vot-ese-junior-circuit-thi-dau-va-san-hoc-bong-du-hoc-20230409175901921.htm