Giải pháp xả stress mới của Gen Z: Chi tiêu tới xu cuối cùng

Thông thường, khi ai đó đang gặp khó khăn về kinh tế, họ sẽ có xu hướng giảm chi tiêu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trẻ đang làm điều ngược lại và họ chi rất mạnh tay cho những thứ mình thích.

Nia Holland đã chi toàn bộ 2.500 USD tiền tiết kiệm cho chiếc túi Chanel. (Nguồn: Bloomberg)

Cuối cùng, điều gì mới thực sự là quan trọng trên đời này? Đó là những gì Nia Holland, 24 tuổi, đã nghĩ sau khi bỏ ra 2.500 USD để mua một chiếc túi xách hiệu Chanel với kiểu dáng cổ điển, qua đó tiêu sạch số tiền tiết kiệm được.

Chi tiêu như mai là ngày tận thế

Holland kiếm không được nhiều tiền, từ các công việc nghiên cứu tại ngôi trường mà cô đang theo học. Cô hoàn toàn hiểu rằng mình có thể chi tiêu, tiết kiệm hoặc đầu tư số tiền đó một cách tốt hơn.

Nhưng đồng thời, Holland cũng cho rằng việc tiêu một khoản tiền lớn cho một chiếc túi mà bản thân ưa thích cũng không phải là hành vi thiếu trách nhiệm. Trong bối cảnh các dấu mốc vẫn thường được xem là quan trọng trong cuộc đời một con người - như sở hữu nhà hay xây dựng gia đình - còn nằm quá xa tầm với thì Hollan tin rằng việc nhịn không bỏ tiền mua “những món đồ xa hoa nho nhỏ” cũng chẳng tạo ra khác biệt gì. Trong khi đó, việc sở hữu ngay chiếc túi da cừu với phần quai xách gắn một chiếc dây chuyền mạ vàng 24k khiến cô lập tức cảm thấy dễ chịu hơn.

Holland, người vẫn đang được gia đình chu cấp khi học bằng tiến sĩ ngành giáo dục và tâm lý học tại Đại học Michigan, cho biết lý do khiến cô quyết định tiêu hết tiền tiết kiệm: “Nền kinh tế (Mỹ) tồi tệ. Thế giới thì đang diễn ra hiện tượng khí hậu nóng lên. Ngoài ra, tình trạng bất ổn chính trị và xã hội xảy ra liên tục trên toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, tiêu tiền vào những thứ mang lại cho bạn cảm giác thỏa mãn ngay lập tức sẽ dễ dàng hơn”.

Thông thường, khi ai đó đang gặp khó khăn về kinh tế, họ sẽ có xu hướng giảm chi tiêu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người trẻ đang làm điều ngược lại, với niềm tin rằng tương lai tài chính của họ cuối cùng sẽ "đi tong", cho dù có tính toán thế nào.

Khoản nợ sinh viên (student debt) ngày càng cao hơn, chi phí sinh hoạt tăng và sự thay đổi trong thị trường lao động Mỹ đã khiến việc đạt các mục tiêu tài chính như mua nhà hoặc tiết kiệm để nghỉ hưu sớm trở nên khó khăn hơn.

Trong bối cảnh này, khoảng 27% người Mỹ thừa nhận họ chọn việc “chi tiêu tới đồng cuối cùng" như một giải pháp đối phó với những lo ngại về kinh tế và đối ngoại. Đây là kết quả cuộc khảo sát do Credit Karma, một công ty tài chính cá nhân, thực hiện. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1980 đến năm 2000) và Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012), lần lượt là 43% và 35%.

Courtney Alev, Chuyên gia Tài chính Tiêu dùng tại Credit Karma, cho biết: “Đó là một cách để đối phó với thực tế, dù không phải là lành mạnh nhất”.

Các xu hướng đáng ngại

Dù chi tiêu tới đồng cuối cùng là một hành động tưởng như mang đặc trưng của riêng giới trẻ, thói quen này thực tế không mới. Từ năm 2004 Stephen Wu, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Hamilton ở Clinton, New York, đã công bố nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy may mắn, cũng như nhận được nhiều yếu tố tác động thuận lợi từ bên ngoài tới sự thành thành công tài chính của họ thì sẽ ít có khả năng tiết kiệm hơn so với người khác.

Ông cho rằng tư tưởng ủng hộ thuyết định mệnh (lý thuyết cho rằng cuộc sống là một chuỗi các sự kiện được định trước và không thể tránh khỏi) và thói quen chi tiêu phản trực giác đang dần thịnh hành hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Theo Wu, người ta sẽ có xu hướng suy nghĩ rằng "sự thành công hay thất bại là những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát" của họ.

Ngoài ra, việc người trẻ có xu hướng chi tiêu bạo tay, tới xu cuối cùng, cho những thứ họ thích cũng có nguyên nhân do cha mẹ hỗ trợ họ ngày càng nhiều. Trang tin Bloomberg cho biết hiện gần nửa số thanh niên Mỹ vẫn đang sống cùng cha mẹ và không ít người đã dùng tiền cha mẹ chu cấp để chiều chuộng bản thân.

Lối suy nghĩ này còn được thúc đẩy mạnh hơn do mạng xã hội đầy rẫy hình ảnh những người trẻ tiêu tiền cho các bữa ăn xa hoa, những kỳ nghỉ hào nhoáng hay các món hàng hiệu đắt tiền. Tuy nhiên, nếu việc chi tiêu phóng tay dần trở thành lối sống, người trẻ sẽ có nguy cơ rơi vào cảnh khó khăn, khi đồng tiền họ kiếm không đủ để phục vụ cho nhu cầu bản thân.

Đó chính là trường hợp của Adrian Siega, 26 tuổi, người gần đây đã tiêu hết số tiền tiết kiệm cuối cùng của mình để mua một chiếc túi xách hiệu Burberry đã từng xuất hiện trên chương trình “Succession” nổi tiếng của kênh truyền hình HBO. Đáng tiếc là anh mua phải chiếc túi giả.

Siega di cư từ Philippines đến New York hồi năm 2019 với mục tiêu vào đại học, tìm việc làm và mua nhà. Nhưng thời gian trôi qua, anh thấy giấc mơ sở hữu nhà của mình ngày càng xa tầm tay. Dù hy vọng sẽ theo học đại học trong năm nay, cuối cùng anh vẫn sống với mẹ đẻ và nhận tiền chu cấp của mẹ.

“Ba mươi năm trước, một căn hộ ở Elmhurst (tiểu bang Illinois, Mỹ) có giá 90.000 USD. Bây giờ, căn hộ một phòng ngủ ở đây cũng có giá tới 400.000 USD. Thật điên rồ,” Siega nói với Bloomberg. Thay vì đặt mục tiêu mua nhà, Siega muốn bỏ tiền cho những thứ “cần thiết ngay tại lúc này", cụ thể hơn là các sản phẩm chăm sóc da đắt tiền, một chiếc áo khoác dạ lông cừu và một chiếc túi Hermès Birkin nhái có giá 1.088 USD.

Sự thay đổi của ước mơ

Thói quen chi tiêu như đã nêu ở trên có vẻ là một sai lầm. Nhưng nếu một người đã từ bỏ giấc mơ mua nhà sắm xe bình thường, chi tiêu như vậy cũng không phải là vấn đề. Đó là suy nghĩ của Maria Melchor, một cô gái 27 tuổi chuyên làm các nội dung giáo dục tài chính cho Gen Z.

Trong một video chia sẻ lên mạng xã hội TikTok với hơn 1,8 triệu lượt xem, cô sinh viên tốt nghiệp Đại học Yale danh giá nói rằng người lớn tuổi thường hay hỏi người trẻ về việc vì sao họ có thể bỏ tiền ra mua các món đồ với giá rất đắt mà người lớn tuổi thường không bao giờ mua. Cô cho biết với câu hỏi này, câu trả lời là bởi người trẻ không đủ tiền để mua bất cứ thứ gì khác.

“Việc mua nhà hoặc lập gia đình nằm ngoài tầm với, xa đến mức chúng tôi đang sử dụng khoản tiền vốn để chuẩn bị cho tương lai đó để mua bất cứ thứ gì chúng tôi có khả năng chi trả. Cuối cùng cũng chỉ để có cảm giác mình đã trưởng thành giống như chúng tôi đã từng được hứa hẹn," cô nói trong video.

Trong một cuộc phỏng vấn, Maria cho biết sẽ không coi việc Gen Z đam mê những món đồ xa xỉ là hành động chi tiêu hoang phí, tới đồng xu cuối cùng. Cô cho rằng thói quen chi tiêu này đã mang tới một cái nhìn khác cho thấy cuộc sống của mỗi người sẽ ra sao, nếu họ không dành hết tiền để mua nhà hoặc gây dựng gia đình.

“Tôi nghĩ định nghĩa về ‘ước mơ’ đang thay đổi,” cô nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giai-phap-xa-stress-moi-cua-gen-z-chi-tieu-toi-xu-cuoi-cung-post928085.vnp