Giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững năm 2025.

Giải đáp chính sách

Ảnh minh họa

Hỏi: Tôi được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững năm 2025. Xin quý báo cho biết, một số nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết?

(Nguyễn Văn Huỳnh, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

Ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững năm 2025. Trong đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn, Nghị quyết nêu:

1. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh

a) Các bộ, ngành, địa phương:

- Tập trung giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật...

- Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy hoạch thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý làm cơ sở cho DN xây dựng kế hoạch, chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh có tầm nhìn dài hạn, bền vững.

- Đẩy mạnh triển khai Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 về Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022 về Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025.

- Tổ chức đối thoại định kỳ giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương với DN nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng DN; nâng cao hiệu quả đầu tư công...

b) Bộ Công Thương:

- Đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025”, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025”, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia để kích cầu tiêu dùng nội địa.

- Xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển một số tập đoàn bán lẻ lớn trong nước và có khả năng cạnh tranh trong khu vực, có vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường theo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

c) Bộ Tư pháp tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025.

d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường...

2. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ DN chuyển đổi số theo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực và lợi thế cạnh tranh của DN.

- Vận hành hiệu quả hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ; tổ chức hiệu quả Diễn đàn thường niên kết nối quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam và Mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia.

b) Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam đến năm 2030; xây dựng cơ sở hạ tầng mới (như mạng 5G, trung tâm dữ liệu…).

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế minh bạch về nguồn dữ liệu mở thuộc khu vực công tạo thuận lợi cho các DN công nghệ tiếp cận nguồn tài nguyên số để phát triển các sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo.

c) Bộ Khoa học và Công nghệ:

- Nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển lực lượng DN khoa học và công nghệ, tiếp tục hỗ trợ DN đủ điều kiện được hưởng các chính sách về thuế thu nhập DN, đất đai, tín dụng theo quy định.

- Nghiên cứu đề xuất và triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển DN khoa học và công nghệ, các chương trình cấp quốc gia thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, huy động nguồn lực của xã hội, cụ thể hóa các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, lộ trình thực hiện.

đ) UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ phù hợp với DN...

B.A

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giai-phap-trong-tam-ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-nhanh-va-phat-trien-ben-vung-334704.html