Giải pháp trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định xác định khuyến công là một trong các giải pháp trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp.

Đã triển khai 45 đề án trong năm 2023

Năm 2023, tỉnh Bình Định có 78 đề án đăng ký tham gia chương trình khuyến công với tổng kinh phí thực hiện 37 tỷ đồng, trong đó đề nghị kinh phí khuyến công hỗ trợ khoảng 15,4 tỷ đồng.

Đến nay đã thực hiện được 45 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,9 tỷ đồng, tăng gần 20% kinh phí so với năm 2022.Kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện 3 đề án (gồm 2 đề án nhóm của 5 doanh nghiệp và 1 đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp) với kinh phí hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng (chiếm 21,5% so toàn tỉnh). Đối với kinh phí khuyến công địa phương, đã thực hiện 39 đề án với kinh phí hỗ trợ hơn 5,5 tỷ đồng (có 34 đề án của 34 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ gần 5 tỷ đồng).

Để giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, Trung tâm tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các cơ sở trong tỉnh đến người tiêu dùng. Tổ chức các hội thảo, tập huấn chuyên đề để các cơ sở tham gia. Hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh; Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP và Làng nghề Bình Định 2023; Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa năm 2023…

Hoạt động khuyến công Bình Định với mục tiêu “hỗ trợ nhanh - phục hồi sớm - hiệu quả cao” đã kịp thời đồng hành với các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau khi được hỗ trợ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng có hiệu quả, đóng góp giá trị vào sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định cho rằng, các nội dung hoạt động khuyến công chưa được triển khai toàn diện, chủ yếu hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Kinh phí hỗ trợ còn thấp nên chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút được các doanh nghiệp triển khai các đề án có sức lan tỏa lớn, làm động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.Nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công chưa đầy đủ, một số ít cơ sở còn e ngại khi được hướng dẫn xây dựng đề án, thủ tục hỗ trợ kinh phí khuyến công.

Khuyến công là một trong những giải pháp trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bình Định

Khuyến công là một trong những giải pháp trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bình Định

Tập trung vào đề án có sức lan tỏa

Trong những tháng cuối năm và năm 2024, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, coi khuyến công là một trong các giải pháp trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thường xuyên rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực khuyến công, nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển. Song với đó, sẽ tiếp tục rà soát, đăng ký các đề án có tính khả thi và hướng dẫn lập đề án khuyến công điểm, có tính lan tỏa tập trung vào các ngành nghề, sản phẩm chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Chủ động đề xuất điều chỉnh khi xây dựng Kế hoạch khuyến công hàng năm phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả của Chương trình, trong đó tập trung vào các nội dung mới có sức lan tỏa và tác động lớn đến phát triển công nghiệp nông thôn. Tăng cường phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong quá trình xây dựng kế hoạch, đăng ký danh mục, chương trình khuyến công, lập đề án, xét duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các cơ sở thụ hưởng các chương trình, đề án khuyến công; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình, đề án bảo đảm nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng quy định pháp luật. Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nhận thức đúng về mục đích, nội dung và hiệu quả của chương trình khuyến công, cập nhật các quy định mới về khuyến công do các cấp ban hành.

Phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia với Chương trình khuyến công; tích cực tìm kiếm, tranh thủ sự đồng tình hợp tác, ủng hộ của các tổ chức, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các chuyên gia giỏi để huy động các nguồn lực và nguồn vốn hợp pháp ngoài nguồn ngân sách nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/giai-phap-trong-tam-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-i351615/