Giải pháp thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Triệu Phong

Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở huyện Triệu Phong đạt được nhiều kết quả. Theo đó, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 1993 là 39,5% giảm xuống còn 19% năm 2021; tỉ lệ tăng dân số tự nhiên năm 1993 là 9,2% giảm xuống còn 2,8% năm 2021. Đặc biệt, trong 10 năm (từ năm 2011 đến 2021), UBND tỉnh tặng bằng công nhận 5 thôn 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, 8 thôn 5 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, 1 thôn đạt 3 năm giai đoạn II không có người sinh con thứ 3 trở lên…

 Một buổi sinh hoạt ngoại khóa ở Trường TH&THCS Bùi Dục Tài, huyện Triệu Phong - Ảnh: H.C.D

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa ở Trường TH&THCS Bùi Dục Tài, huyện Triệu Phong - Ảnh: H.C.D

Để đạt được kết quả đó, hằng năm, Huyện ủy, HĐND huyện đề ra nghị quyết, kế hoạch về công tác dân số - KHHGĐ với những chỉ tiêu cụ thể nhằm góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương; đồng thời chỉ đạo đưa nội dung thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương và xem đây là một trong những tiêu chuẩn để bình xét, đánh giá thi đua của cán bộ, đảng viên, các cấp, ngành, bình xét gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa, đơn vị đạt nếp sống văn minh hằng năm. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ dân số - KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Để tạo điều kiện thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, ngoài kinh phí của trung ương, của tỉnh, huyện và các xã, thị trấn ở Triệu Phong còn hỗ trợ các hoạt động về công tác dân số. Ngành y tế - dân số huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động truyền thông về công tác dân số - KHHGĐ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên có chuyên môn nghiệp vụ tốt. Hiện nay tất cả các xã, thị trấn đều có đội ngũ cộng tác viên dân số.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, mới đây, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Phong lần thứ 10, khóa XX xác định tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác dân số. Theo đó, cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp chú trọng công tác dân số/SKSS và xem đó là nhiệm vụ quan trọng, vừa có tính lâu dài, vừa mang tính cấp thiết hiện nay. Đưa các mục tiêu về dân số/SKSS vào kế hoạch hoạt động của các ngành, đoàn thể và kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Hằng năm, giao chỉ tiêu kế hoạch giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên cũng như các chỉ tiêu khác liên quan đến công tác dân số/SKSS theo quy định cho các địa phương. Đảm bảo chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, giải quyết khó khăn, vướng mắc, xây dựng giải pháp phù hợp để thực hiện.

Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động vận động cộng đồng và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số -KHHGĐ nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và sự phát triển chung của xã hội.

Lồng ghép chương trình dân số -KHHGĐ với các chương trình mục tiêu y tế khác để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế làm dịch vụ, bảo đảm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ kịp thời, an toàn, thuận tiện và chất lượng tốt cho người dân. Định kỳ tổ chức các đội lưu động cung cấp dịch vụ SKSS/ KHHGĐ đến vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đông dân có mức sinh cao và tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao.

Cùng với đó, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trên địa bàn huyện. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành một số chính sách, quy định về công tác dân số phù hợp trong tình hình mới.

Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ của địa phương đối với công tác dân số như chính sách khuyến khích xây dựng mô hình làng không có người sinh con thứ 3 trở lên; hỗ trợ triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao, xã khó khăn; chi phí thực hiện dịch vụ KHHGĐ cho các đối tượng hộ nghèo; bổ sung chính sách hỗ trợ cho cộng tác viên dân số thôn, cụm dân cư phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi.

Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động KT-XH; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi.

Một giải pháp nữa đó là tăng nguồn lực đầu tư của địa phương, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỉnh và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm bảo đảm nguồn lực, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số của địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm tăng cường chỉ đạo, điều phối hoạt động của các ngành, cơ quan có chức năng quản lý lĩnh vực liên quan tới dân số và phát triển.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện tốt công tác dân số- KHHGĐ. Đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số để thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu về công tác dân số - KHHGĐ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171574&title=giai-phap-thuc-hien-tot-cong-tac-dan-so--ke-hoach-hoa-gia-dinh-o-trieu-phong