Giải pháp then chốt phát triển nông nghiệp bền vững

Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chính sách thúc đẩy, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhờ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng lớn và khả năng cạnh tranh cao.

98 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới. Ngày 16.1.2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 296/QĐ-BNN-KHCN về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nguồn: ITN

Tỉnh Đồng Nai cũng không đứng ngoài cuộc trong Chiến lược này. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là một trong ba góc của tam giác phát triển TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh luôn nằm trong top đầu cả nước về chăn nuôi và sản xuất nông sản. Xác định được những lợi thế này, ngành nông nghiệp đã chủ động có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng như trong lĩnh vực khuyến nông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong tỉnh đã rà soát và xác định được 98 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích hơn 18.970ha. Trong đó, trong đó có 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đáp ứng điều kiện về quy mô diện tích theo Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25.12.2015 của Thủ tướng Chính phủ, để làm cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, gắn với mục tiêu đột phá về nông nghiệp theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao như: mô hình cây dược liệu Xáo Tam phân, Sa chi; mô hình nuôi lươn không bùn tại xã An Viễn, Sông Trầu; mô hình trồng chuối cấy mô gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Trung Hòa; mô hình trồng rau an toàn tại xã Phú Lâm, mô hình trồng bưởi da xanh xã Tà Lài, mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ, mô hình nuôi dê tại xã Phú Xuân; mô hình nuôi tôm công nghệ cao thành lập tổ hợp tác nuôi tôm xã Vĩnh Thanh; nuôi sò huyết tại xã Phước An; trồng và kinh doanh trà Phú Hội tại xã Phú Hội; chế biến sen tại Hợp tác xã trồng và chế biến sen Trường Phát xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch…

Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh nhận định, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm nhằm giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng những phương pháp ưu việt của các công nghệ như công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, công nghệ thông tin giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Triển khai sâu rộng, nhân rộng các mô hình

Theo Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Nguyễn Tuấn Anh, Đồng Nai đang tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI. Đây cũng là hướng đi phù hợp được nông dân tích cực tham gia, vì là giải pháp có tính khả thi cao nhất trong phát triển sản xuất tạo ra sản phẩm nông sản an toàn và bền vững.

Thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31.12.2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 30.9.2022 của UBND tỉnh Đồng Nai về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch số 460-KH/HNDT ngày 17.5.2022 về việc thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 208/KH-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai triển khai đến Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp huyện đã ban hành kế hoạch và chương trình hành động để triển khai thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU triển khai sâu, rộng đến hội viên, nông dân trên địa bàn. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% tổng giá trị toàn ngành, xây dựng được từ 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mỗi huyện, thành phố đều có các cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác là những mô hình điển hình để các địa phương, người sản xuất học tập kinh nghiệm, nhân rộng trong sản xuất, dự kiến từ 30 - 40 mô hình trên lĩnh vực nông nghiệp; có khoảng 30 - 40 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/giai-phap-then-chot-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-i344062/