Giải pháp nào cho phát triển điện ảnh Hà Nội?

Hà Nội từng là một trong số trung tâm điện ảnh lớn nhất cả nước. Điện ảnh đang được xác định là 1 trong 12 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội. Nhưng đến nay, đây cũng là lĩnh vực được cho là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nuối tiếc “một thời vang bóng”

Trao đổi trong khuôn khổ tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bản Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045: Thực trạng và giải pháp” do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định, Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh là một trong hai trung tâm điện ảnh lớn của cả nước. Hà Nội từng làm nên dòng chảy chính của điện ảnh Việt Nam từ hòa bình lập lại cho đến trước thời đổi mới.

 “Em bé Hà Nội” – Phim được khán giả yêu thích của điện ảnh Việt.

“Em bé Hà Nội” – Phim được khán giả yêu thích của điện ảnh Việt.

Chính xác hơn, cho đến khi điện ảnh Việt Nam bước vào cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước, Hà Nội là nơi làm ra nhiều nhất, có chất lượng nhất các bộ phim thuộc tất cả các loại hình điện ảnh là phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình. Hà Nội hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển điện ảnh.

Đây là nơi “đóng đô” của tất cả các cơ quan điện ảnh. Hệ thống rạp chiếu phim đứng thứ hai cả nước về số phòng chiếu, chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được định danh từ năm 2012, qua 4 kỳ tổ chức đã có thương hiệu quốc tế, trở thành Liên hoan phim trẻ, nhiều sáng tạo mới, tổ chức bài bản với các bộ tuyển chọn phim chất lượng cao, thu hút các nền điện ảnh châu Á và thế giới tham dự. Khán giả Hà Nội yêu điện ảnh, một bộ phận không nhỏ hứng thú với phim nghệ thuật.

Đây là điều kiện để tạo sự cân đối giữa các dòng phim khi phát triển công nghiệp điện ảnh (CNĐA). Hà Nội tập trung các đại sứ quán, trung tâm văn hóa nước ngoài- những cơ quan có trách nhiệm và rất hào hứng tổ chức các Tuần phim giới thiệu điện ảnh và đất nước họ. Đây là những “cánh tay nối dài”, góp phần phát triển CNĐA. Hà Nội có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, truyền thống anh hùng. Đây là kho đề tài quý giá cho điện ảnh. Thủ đô đã được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Mục tiêu phát triển của thành phố rất phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu: “Thành phố xanh, văn minh, hiện đại”. Đây cũng là những đường hướng rất đẹp để phát triển CNĐA.

Tuy nhiên, TS Ngô Phương Lan cũng chỉ ra rằng, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã vượt lên, trở thành trung tâm điện ảnh lớn nhất cả nước, bỏ xa Hà Nội về cả sản xuất lẫn phát hành phổ biến phim và thị trường điện ảnh. Doanh thu chiếu phim tại TP Hồ Chí Minh chiếm trên 60% cả nước.

Trong khi đó, Hà Nội hầu như chưa có đội ngũ làm phim. Các hãng phim thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ yếu duy trì đội ngũ với các phim do Nhà nước đặt hàng nên đang rất khó khăn, đặc biệt là đội ngũ làm phim truyện ngày càng teo tóp, vừa thiếu vừa yếu. Rất ít nhà đầu tư cho điện ảnh ở Hà Nội và có đến 90% nhà đầu tư đổ vào sản xuất phim ở TP Hồ Chí Minh. Chính vì không có nhà đầu tư, đội ngũ ít ỏi, rất ít dự án làm phim được khởi động nên không khí làm điện ảnh ở Hà Nội nguội lạnh. Trong khi đó, thành phố lại chưa quan tâm thỏa đáng đến điện ảnh. Một số dự án điện ảnh lớn được đầu tư lại chưa thành công.

Về vấn đề này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, trước đây, Hà Nội có Hãng phim Hà Nội. Hãng phim hoạt động hiệu quả, sản xuất được nhiều thể loại phim về Hà Nội. Là người trong nghề, mấy năm nay, bản thân nữ biên kịch cũng không rõ hãng còn hoạt động hay không. Những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội có rất nhiều rạp chiếu phim nho nhỏ nhưng đến nay, hầu hết các rạp đã bị dẹp bỏ và chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Phần lớn hệ thống rạp chiếu hiện đại hiện nay là của doanh nghiệp nước ngoài.

Về sản xuất phim, do Nhà nước nôn nóng và vội vã trong việc cổ phần hóa, cụ thể là Hãng Phim truyện Việt Nam - địa chỉ sản xuất phim chuyên nghiệp có bề dày truyền thống và uy tín nghề nghiệp lớn trên cả nước, nên sản xuất phim ở phía Bắc, cụ thể là Hà Nội hầu như tê liệt…

Cần có định hướng lớn và cơ chế chính sách khuyến khích điện ảnh phát triển

Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, dù hiện nay internet phát triển mạnh, có thể xem phim bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng phim chiếu rạp vẫn là sự sống còn của điện ảnh. Các liên hoan phim quốc tế lớn nhất đều chỉ chấm và trao giải cho phim điện ảnh. Trong khi đó, huy động vốn để sản xuất phim lại rất khó khăn. Để CNĐA phát triển, rất cần các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm đến lĩnh vực này và thấy thị trường điện ảnh là một thị trường tiềm năng có thể mang lại lợi nhuận cao.

Nhà nước cũng cần coi điện ảnh là một “sức mạnh mềm”, từ đó có chiến lược phủ sóng toàn cầu, quảng bá hình ảnh đất nước, theo hướng văn hóa đi trước kinh tế và thương mại theo sau, như cách mà nhiều quốc gia như Hàn Quốc đang làm.

Để phát triển CNĐA tại Thủ đô, TS Ngô Phương Lan cho rằng, Hà Nội cần có những định hướng lớn và cơ chế, chính sách để khuyến khích điện ảnh phát triển như định hướng sáng tạo điện ảnh lấy con người làm trung tâm; khuyến khích hoạt động điện ảnh phục vụ nhân dân, mang lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế; gắn phát triển ngành CNĐA với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội…

Hà Nội cũng cần có kế hoạch, cơ chế chính sách, biện pháp phù hợp và hiệu quả cho việc sản xuất phim, bởi yếu tố cốt lõi của việc phát triển CNĐA là làm ra những bộ phim tốt và hay, được công chúng đón nhận. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nên thu hút các hãng phim nước ngoài đến làm phim, phát triển đội ngũ làm phim, quan tâm đến phổ biến phim, đầu tư hơn trong xây dựng thương hiệu điện ảnh Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và các giải thưởng điện ảnh, xây dựng trường quay, xây dựng kế hoạch, các dự án lớn cho mấy chục năm và cho từng giai đoạn 3 năm, 5 năm…

“Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam là tổ chức tập hợp các nhà quản lý, nhà sản xuất phim, chuyên gia điện ảnh, nhà đầu tư điện ảnh… Hiệp hội đã và đang xây dựng kế hoạch phối hợp phát triển CNĐA với một số tỉnh/thành phố lớn. Hiệp hội có thể phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, xây dựng kế hoạch phát triển CNĐA trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045”, TS Ngô Phương Lan khẳng định.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/giai-phap-nao-cho-phat-trien-dien-anh-ha-noi-646649/