Giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, việc xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; trong đó, phát triển dịch vụ công trực tuyến là yêu cầu khách quan và ngày càng trở nên cấp thiết. Nhận thức rõ điều đó, những năm gần đây, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển dịch vụ quan trọng này và đã đạt được kết quả bước đầu. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ, thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng CCHC trong tình hình mới.

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là dịch vụ hành chính công của cơ quan Nhà nước cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Cung cấp các DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) và triển khai Chính phủ điện tử tiến tới chuyển đổi số; là nội dung quan trọng trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan Nhà nước với các tổ chức và công dân.

Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Điện Biên (sau đây gọi tắt là hệ thống) đã rà soát và cung cấp 762 TTHC mức độ 3 và mức độ 4 trong tổng số 1.782 TTHC được đồng bộ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC. Năm 2022, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến của các cơ quan chức năng đạt 53%. Tính đến trung tuần tháng 3 năm 2023, đạt gần 90% hồ sơ được giải quyết trước hạn. Hệ thống đã cung cấp các tiện ích, như: Tra cứu hồ sơ, thống kê, khảo sát, đánh giá cán bộ, hỏi đáp, hướng dẫn... tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC trực tuyến.

Bên cạnh kết quả quan trọng bước đầu, việc giải quyết TTHC trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập. Công tác xã hội hóa dịch vụ hành chính công còn chậm, thiếu tổng thể; tỷ lệ người dân, tổ chức đăng ký tài khoản trên hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia thấp; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến và thanh toán trực tuyến vẫn còn hạn chế; Hệ thống chưa được đồng bộ dữ liệu với một số hệ thống của các bộ, ngành Trung ương, nên rất khó khăn cho việc quản lý, thống kê số lượng hồ sơ TTHC.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do nhận thức của một số cán bộ, nhân viên về CCHC, xây dựng Chính phủ điện tử còn hạn chế; trình độ nhân lực CNTT, hạ tầng cơ sở chưa theo kịp sự phát triển chung. Công tác tuyên truyền về CCHC, xây dựng Chính phủ điện tử chưa thường xuyên, kịp thời; thói quen dùng tiền mặt của người dân chưa thay đổi và ngại tiếp cận các sản phẩm dịch vụ hiện đại. Tỷ lệ người dân có chữ ký số còn thấp không đảm bảo điều kiện nộp hồ sơ điện tử. Cổng DVCTT có chức năng chưa thuận lợi cho người sử dụng; chưa có ứng dụng trên điện thoại thông minh; chưa có chatbox hỗ trợ người dân sử dụng...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc đưa các TTHC trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Xây dựng quy trình chuẩn về cung cấp DVCTT; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; ưu tiên đầu tư xây dựng những dịch vụ công thiết yếu, có số lượng người dùng nhiều. Trong xây dựng quy trình chuẩn, ngoài việc xác định phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm việc xây dựng quy trình chuẩn trong thực hiện DVCTT theo hướng minh bạch, thuận lợi. Người dùng DVCTT có thể thấy được hồ sơ của mình ở từng khâu, từng bước khi các cấp có thẩm quyền đang xử lý hoặc hiện đang ở đâu hay ai đang giải quyết. Và đi cùng với đó là sự liên thông, thông suốt giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC trên môi trường mạng.

Qua đó, các cơ quan, đơn vị cung ứng DVCTT của tỉnh sẽ biết được những vấn đề người dân và doanh nghiệp đang quan tâm; biết được những thiếu sót trong từng khâu, từng bước thực hiện DVCTT, để từ đó giúp các cơ quan chức năng rà soát, phân loại TTHC xây dựng kế hoạch và công khai các quy trình giải quyết TTHC trên môi trường mạng cho phù hợp.

Xây dựng hệ thống cung cấp DVCTT đồng bộ, hiện đại, thuận tiện, thân thiện đi đôi với triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; hệ thống thông tin điện tử theo hướng liên kết, tích hợp, thống nhất, đồng bộ, hiện đại và lấy Cổng dịch vụ công quốc gia làm trung tâm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn dân về DVCTT. Các cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về việc thực hiện các TTHC trên môi trường mạng, công tác xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trên địa bàn tỉnh.

Công khai quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan chức năng. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn tại các cơ quan, đơn vị, kết hợp với nhà trường để trang bị kiến thức, hình thành kỹ năng về xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chuyển đổi số và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm và giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là có chính sách khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện DVCTT.

Lâm Phong (Sở Thông tin và Truyền thông)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/206166/giai-phap-nang-cao-hieu-qua-dich-vu-cong-truc-tuyen-